Xây mới hàng trăm sân bay cùng một lúc, Trung Quốc đang toan tính gì?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 28/05/2019 10:08

Ngay cả khi Trung Quốc đang trên đường vượt qua Mỹ trở thành thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới trong vòng ba năm tới, nhu cầu phát triển ngành hàng không tại quốc gia tỷ dân này dường như vẫn tiếp tục tăng theo cấp số nhân.


 

photo1558946068863-1558946069034-crop-155894609245
 

 Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia tập trung cao độ vào phát triển lĩnh vực vận chuyển hàng không . Trong hơn một thập kỷ gần đây, đất nước tỷ dân đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về số lượng người tham gia du lịch bằng đường hàng không, không chỉ trên lãnh thổ rộng lớn của họ mà còn trên toàn thế giới.

Đây chính là động lực cho sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trong thời đại của phản lực mặc dù không phải là không có "những nhược điểm" được che đậy trong các chuyến bay của quốc gia này.

Thị trường hàng không lớn nhất thế giới

Ngay cả khi Trung Quốc đang trên đường vượt qua Mỹ trở thành thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới trong vòng ba năm tới, khao khát phát triển ngành hàng không dường như vẫn tiếp tục tăng theo cấp số nhân.

Để giải tỏa "cơn khát"đó, chính phủ Trung Quốc đã bắt tay vào một chương trình xây dựng sân bay có quy mô hiếm thấy ở bất kỳ quốc gia nào. Hàng tỷ đô la được đổ vào các đường bay đưa toàn bộ đất nước tham gia trực tiếp vào mạng lưới giao thông toàn cầu.

Trung Quốc hiện có khoảng 235 sân bay. Tuy nhiên, theo ước tính về việc gia tăng số lượng người tham gia vào vận chuyển hàng không sắp tới, các quan chức chính phủ ước tính sẽ cần khoảng 450 sân bay trên khắp đất nước vào năm 2035 để đáp ứng được toàn bộ nhu cầu khách hàng.

Đó cũng là thời điểm mà các nhà phân tích hàng không dự đoán, Trung Quốc sẽ đáp ứng nhu cầu cho một phần tư số lượng tất cả các hành khách hàng không trên thế giới.

Cheung Kwok Law, giám đốc chính sách tại Trung tâm nghiên cứu và chính sách hàng không của Đại học Hồng Kông, chia sẻ với kênh CNN, việc gấp rút phát triển lĩnh vực hàng không không chỉ để giải quyết nhu cầu của tương lai mà còn tạo ra tăng trưởng kinh tế.

Phần lớn các sân bay nằm trong kế hoạch được thực hiện ở các thành phố và tỉnh ít người ngoại quốc biết đến nhưng khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Bắc Kinh đang trong quá trình hoàn thiện dự án Cảng hàng không quốc tế Đại Hưng – trị giá hàng tỷ USD. Cảng hàng không Đại Hưng ở giai đoạn cuối của dự án, bắt đầu tiến hành các chuyến bay thử đầu tiên hôm 14/5. Cảng hàng không Đại Hưng được xem là nhà ga lớn nhất thế giới và được thiết kế để phục vụ hơn 100 triệu hành khách mỗi năm. Dự kiến khánh thành vào tháng 9/2019, cảng hàng không Đại Hưng có bốn đường băng và một nhà ga có diện tích tương đương với 97 sân bóng đá.

Trong khi đó, với hơn 100 triệu hành khách trong năm 2018, sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh hiện là sân bay bận rộn thứ hai trên thế giới sau sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta và đang hoạt động hết công suất.

Khi Đại Hưng mở cửa, sân bay Thủ đô Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục phục vụ hành khách như Air China và Hainan Airlines, giúp thành phố tăng thêm sức tải vì số lượng khách du lịch hàng không có dấu hiệu giảm.

photo-1-15589460688991779110964
 

 Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong khi kế hoạch xây dựng hơn 200 sân bay của Trung Quốc có vẻ phi thường, tốc độ xây dựng chứ không phải quy mô của tham vọng này là điểm đáng chú ý. Nó vẫn mờ nhạt khi so với số lượng 5.000 sân bay ở các thành phố, tỉnh thành của Mỹ.

Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), năm 2018, các sân bay Trung Quốc đã phục vụ 1,264 tỷ hành khách, tăng 10,2% so với năm 2017. Hiện tại, Trung Quốc đang có khoảng 37 sân bay đủ sức phục vụ 10 triệu hành khách một năm.

Mỗi năm, trung bình có 8 sân bay mới được mở tại nước này. Trong khi một số cơ sở đang được mở rộng và nâng cấp vẫn có một số lo ngại cho rằng, những cơ sở này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại.

Trong một báo cáo về kế hoạch xây dựng sân bay của Trung Quốc, được công bố cuối năm ngoái, Dong Faxin, giám đốc bộ phận phát triển và kế hoạch của CAAC, cho biết. "Dịch vụ đã được cải thiện đáng kể, nhưng các sân bay hiện tại không đủ và phân bổ không đều trên cả nước".

Một lượng lớn các sân bay sắp tới sẽ tọa lạc tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử, khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và khu vực vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, cũng như các cụm thành phố Trùng Khánh và Thành Đô.

Đây là những khu vực có dân số cao nhất nhưng lại chỉ có một vài sân bay trung tâm để phục vụ tất cả lưu lượng hành khách. Trong những năm tới, mỗi khu vực sẽ có những sân bay đẳng cấp thế giới mới dành cho lượng khách hàng của riêng họ.

Chẳng hạn, sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô sẽ mở cửa vào năm 2020. Đây sẽ là trung tâm hàng không thứ hai của Thành Đô, giảm bớt áp lực cho sân bay quốc tế Song Lưu vốn rất sầm uất.

Các sân bay mới cũng sẽ được xây dựng ở phía tây của Trung Quốc. Khu vực hiện chưa có nhiều cơ sở hàng không. Điều này không chỉ giúp hỗ trợ phát triển của khu vực trong kinh tế và du lịch mà giúp Bắc Kinh phát huy tầm ảnh hưởng của mình đối với các khu vực xa xôi.

Việc xây dựng các sân bay mới hoàn toàn giúp mỗi cơ sở có thể đáp ứng nhu cầu công nghệ cao ngày nay trong khi vẫn giữ được sự phát triển và cơ sở hạ tầng giao thông rộng hơn.

photo-1-1558946071072921852002
 

 Chiến lược phát triển riêng để tạo cạnh tranh

Các sân bay ngày nay không phải là cơ sở độc lập. Để đạt được hiệu quả nhất, các sân bay sẽ được liên kết với các phương thức vận tải khác như các tuyến đường huyết mạch và mạng lưới đường sắt cao tốc của đất nước. Đây là chiến lược mà chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ.

Cảng hàng không Đại Hưng là một kế hoạch được triển khai khá chi tiết, mặc dù ở quy mô lớn. Sân bay này dự kiến sẽ kết hợp một tuyến đường sắt đạt tốc độ 350 km/h đến trung tâm thành phố. Quy mô hành khách của sân bay ban đầu ước tính sẽ chứa được khoảng 72 triệu người và 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sau khi đi vào hoạt động hoàn toàn, con số này sẽ lên tương ứng 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa.

Các nhà thiết kế sân bay Đại Hưng cũng lập một kế hoạch về cải tiến cách thức di chuyển của hành khách bên trong công trình. Sân bay được bố trí các tòa nhà ga lớn nhất thế giới để đảm bảo khoảng cách hành khách phải đi bộ ngắn nhất, cho phép khách du lịch dễ dàng đến cổng làm thủ tục thông qua cách bố trí và thiết kế độc đáo.

Suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến kế hoạch nhân rộng số lượng sân bay?

Xây dựng hàng trăm sân bay mới chỉ là một bước để một quốc gia tái tạo lại chính mình trên con đường trở thành siêu cường lớn tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn có một số nghi ngại về khả năng nền kinh tế của đất nước này vẫn ở mức tốt hoặc tiếp tục tăng trưởng như dự kiến. Điều này rất có thể ảnh hưởng đến kế hoạch nhân rộng số lượng sân bay của chính phủ.

Theo một số nhà phân tích, kinh tế suy giảm đang trở thành điều tồi tệ nhất và tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Doanh số bán hàng ở một số lĩnh vực chủ chốt cũng đang có xu hướng sụt giảm.

Nếu sự sụt giảm trong du lịch trùng với sự sụt giảm này, một số sân bay trong kế hoạch mở mới của chính phủ có thể tạm thời bị dừng lại. Đặc biệt là những sân bay được xây dựng trong bối cảnh du lịch nội địa đang phát triển. Bất kỳ tác động nào đến nền kinh tế cũng sẽ làm giảm lượng du lịch nước ngoài.

Nhưng Law rất lạc quan về tình hình.

"Đến năm 2035, dự kiến hành khách du lịch toàn cầu sẽ tăng 3,5% mỗi năm," ông nói. "Nếu bạn nhìn vào Trung Quốc, tăng trưởng có thể trung bình từ 5-6%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Theo một ước tính, Trung Quốc dự kiến sẽ có dân số trung lưu hơn 500 triệu người trong 10 năm tới."

"Vì vậy, nền kinh tế có thể chậm lại ở mức vừa phải nhưng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ giúp cho sự phát triển hàng không ở Trung Quốc - cả về nhu cầu của hành khách cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa."

Tuy nhiên, Law thừa nhận sẽ có những thách thức - bao gồm cả tình trạng khan hiếm nhân sự chất lượng cao. Tác động môi trường của việc tăng lưu lượng hàng không cũng là một mối quan tâm.

Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc đã đưa ra Đề án bù đắp và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế (CORSIA), nhằm giải quyết vấn đề lượng khí thải CO2 từ hàng không dân dụng quốc tế đang ngày càng tăng.

Theo chương trình này, các hãng hàng không ở các quốc gia tham gia sẽ được yêu cầu xử lý vấn đề về việc khí thải CO2 gia tăng theo đường hàng không và sẽ bắt đầu theo dõi lượng khí thải này từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Tính đến 6/5/2019, 80 quốc gia, chiếm 76,63% hoạt động hàng không quốc tế, cho biết ý định tự nguyện tham gia CORSIA. Không giống như Mỹ, Trung Quốc không nằm trong số đó, mặc dù đến năm 2027, việc tham gia này là bắt buộc.

Theo dữ liệu do Viện Du lịch của Đại học Griffith của Úc tổng hợp, năm 2018, Mỹ đứng đầu về lượng khí thải từ hành khách với tỷ lệ 22,7% tổng lượng khí thải CO2, tiếp theo là Trung Quốc ở mức 10,4%.

Một vấn đề khác trong hệ thống quản lý lĩnh vực hàng không của Trung Quốc, bị than phiền phần lớn, đó là tỷ lệ chậm trễ giờ trong những chuyến bay.

Đối với hành khách, bất kỳ việc nâng cao hiệu quả phục vụ và giảm bớt trễ giờ sẽ luôn đem lại lợi ích cho một quốc gia mà nhu cầu du lịch hàng không dường như là vô tận.

Ý kiến của bạn

Bình luận