Kể từ thời điểm đó, chiến lược của Lục quân Canada là tái tập trung các nỗ lực của quân đội thành một chuyển đổi, tương tự cách thức được tiến hành trong Quân đội Mỹ. Dự án này nhằm mục đích cung cấp hệ thống hỏa lực trực tiếp, tăng sức sát thương, sự nhanh nhẹn và khả năng sống sót trên chiến trường trong việc hỗ trợ các lực lượng chiến đấu khác.
Yêu cầu thiết kế đối với MMEV
Quân đội Canada yêu cầu một phương tiện mới, công nghệ tiên tiến có tên gọi là Xe đa nhiệm vụ (Multi-Mission Effects Vehicle/MMEV) kết hợp khả năng chống tăng và phòng không trên cùng một nền tảng, sử dụng hệ thống vũ khí bắn không theo đường ngắm thẳng (Non Line-Of-Sight/NLOS), có thể tấn công cả những mục tiêu ẩn nấp sau địa hình, địa vật.
MMEV là thiết kế của Canada, Quân đội nước này đã làm việc với Phòng Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng Canada (Defence Research & Development Canada) cùng các doanh nghiệp nội địa thông qua chương trình trình diễn công nghệ (Technology Demonstration Program) để phát triển hệ thống điều khiển hỏa lực, nó ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình chế tạo MMEV.
Oerlikon Contraves Canada được lựa chọn cho dự án MMEV kể từ khi họ có quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ trên tên lửa ADATS, nền tảng của hệ thống MMEV mới.
Mục tiêu của dự án MMEV là cải thiện đáng kể nhận thức tình huống bằng cách cung cấp cho chỉ huy hình ảnh trinh sát xung quanh và chia sẻ dữ liệu thông tin tình báo giữa các xe chiến đấu với trạm chỉ huy.
MMEV được yêu cầu khả năng tấn công mục tiêu mặt đất như xe bọc thép hoặc lô cốt với tầm bắn lên đến 8 km; cũng như phi cơ, bao gồm cả trực thăng, máy bay không người lái, lẫn tên lửa hành trình trong cự ly 20 km.
Việc kết hợp nhiều khả năng trên một nền tảng đã cung cấp cho chỉ huy lực lượng mặt đất một cấp độ chưa từng thấy của tính linh hoạt và hiệu quả trong kiểm soát tình huống trên chiến trường.
Xe chiến đấu đa nhiệm LAV III MMEV
Các thiết kế cho MMEV mới được phát triển dựa trên tên lửa ADATS và tích hợp vào xe bọc thép bánh hơi LAV III. Trên xe có các thiết bị tiên tiến nhất, chẳng hạn như radar nhìn vòng X-Tar 3D của Oerlikon Contraves, cung cấp khả năng phát hiện rất cao với phạm vi lên đến 25 km. Bên cạnh đó là hệ thống quang điện tử được chế tạo bởi Oerlikon/Rheinmetall.
Trong dự án MMEV, một số trạm chỉ huy được bổ sung những tính năng mới trong việc quản lý chiến đấu, chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và hệ thống thông tin. MMEV có khả năng phóng tên lửa ADATS, hoặc tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, hoặc rocket CRV7, súng máy 7,62 mm và tên lửa bắn không theo đường ngắm thẳng.
MMEV là một hệ thống vũ khí có tính đa nhiệm rất cao
MMEV được lên kế hoạch biên chế trong đội hình chiến thuật mới nhất của Lục quân Canada nằm ở Edmonton, Alberta, cùng với các hệ thống pháo xung kích yểm trợ hỏa lực (Mobile Gun System) và tên lửa chống tăng dẫn đường bằng dây.
Tháng 9/2005, Chính phủ Canada thông báo ý định thực hiện dự án thiết kế, phát triển và cung cấp 33 chiếc MMEV đầu tiên cho quân đội với trị giá lên đến 750 triệu USD. Quá trình trang bị đầy đủ các khẩu đội MMEV dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2010.
Giai đoạn đầu tiên có giá trị 100 triệu USD đã được chấp thuận và sẽ bao gồm hợp đồng với Oerlikon. Sau khi hoàn tất bước đầu tiên của công việc thiết kế MMEV, Bộ Quốc phòng Canada dự định tiến hành bước tiếp theo là thử nghiệm và chuyển sang giai đoạn sản xuất ban đầu.
Giai đoạn này sẽ cung cấp cho quân đội 3 nguyên mẫu và một nhóm đầu tiên với 6 xe, bao gồm đạn dược, thiết bị liên lạc, hệ thống quản lý thông tin và hậu cần hỗ trợ tạm thời.
Cái kết đáng buồn của dự án MMEV
Đến tháng 6/2006, sau khi Chính phủ Canada chuyển giao chức vụ thủ tướng, đã không có quyết định nào về dự án MMEV được thông qua. Bộ Quốc phòng Canada lúc này đang trong quá trình xây dựng một kế hoạch dài hạn, trong đó có hướng dẫn về ưu tiên thiết bị. Việc phát hành tài liệu này sẽ xác định chi tiết hơn về tương lai của chiếc thiết giáp trên.
Ý tưởng về một loại xe chiến đấu đa chức năng nghe có vẻ mang đầy tính sáng tạo nhưng nó chưa chắc đã thực tế. Nhiều người nghĩ rằng một số lượng nhỏ MMEV sẽ thay thế hàng loạt đơn vị thực hiện nhiệm vụ riêng lẻ như chống tăng, phòng không...
Tuy nhiên nếu một MMEV bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa trên chiến trường thì lực lượng chiến đấu coi như mất cả 3 khả năng trong cùng một thời điểm.
Đến năm 2007, Chính phủ Canada vẫn "không nhận được một lời đề nghị nào từ phía quân đội về những gì họ muốn làm với MMEV, nếu họ muốn dự án tiếp tục". Đây quả là cái kết đáng buồn cho một dự án đầy tham vọng!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.