Xe công nghệ Grab gây ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/11/2020 05:49

80% xe vào sân bay Tân Sơn Nhất là taxi công nghệ nên tình trạng đón, trả khách tại ga quốc nội diễn ra lộn xộn, mất am toàn trật tự giao thông.

126030811_664944094413929_5638586325781414927_n
Sân bay Tân Sơn Nhất phân làn ô tô đón, trả khách tại ga quốc nội nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kéo giảm ùn ứ.

Grab hoạt động bát nháo, gây ùn tắc giao thông

Liên quan đến việc phân làn, quản lý xe công nghệ tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 17/11, ông Lưu Việt Hùng - Chánh Văn phòng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: “Sau 4 ngày thực hiện điều chỉnh, phân làn ô tô đón, trả hành khách trong khu vực đường nội bộ của sân bay đã không còn cảnh ùn ứ giao thông.

Việc điều chỉnh, phân làn lại nhằm đảm bảo giao thông thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Trước khi phân làn mới, sân bay thường xuyên bị ùn tắc, gây kẹt xe ảnh hưởng dẫn đến hành khách đi tàu bay trễ chuyến. Ngoài ra, hoạt động vận tải dừng đậu, chèo kéo bắt khách đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, không kiểm soát được".

Theo ông Hùng qua khảo sát của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 80% xe vào cảng là taxi công nghệ nên tình trạng đón trả khách tại khu vực ga quốc nội diễn ra rất lộn xộn, gây mất trật tự. Tài xế Grab khi đợi khách đã tụ tập, dừng đỗ trên vỉa hè dành cho người đi bộ gây cản trở giao thông. Các phương tiện này dừng đỗ tùy tiện gây mất trật tự an toàn giao thông. Trong khi đó, các hãng xe taxi khác có ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với cảng, lái xe phải vào bãi đậu chờ, lên xếp hàng theo tuần tự mới đến lượt.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông những ngày qua đơn vị đã tăng cường 100% nhân viên an ninh và thanh niên tình nguyện đứng để hướng dẫn và hỗ trợ cho hành khách. Về thu phí 25.000 đồng xe taxi công nghệ thì đây là số tiền đã bao gồm 90 phút đậu xe. Khi xe vào bãi và đi ra ở cổng thu phí, tài xế không phải trả thêm 10.000 đồng phí nữa. Cảng sẵn sàng ngồi lại để giải quyết vấn đề này với các hãng xe công nghệ. Và hiện đã có Công ty cổ phần Be GROUP đang xúc tiến và hoàn tất các thủ tục liên quan để ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với cảng để được đón khách ở làn D, ông Hùng cho biết thêm.

126169511_371344767505820_6737936644212962849_n
80% xe vào sân bay Tân Sơn Nhất là taxi công nghệ nên tình trạng đón, trả khách tại ga quốc nội diễn ra lộn xộn, mất trật tự giao thông.

Ông Phạm Vũ Cường - Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: “Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kéo giảm ùn ứ trong khu vực đường nội bộ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp Sở GTVT TP.HCM điều chỉnh phân luồng giao thông trên các tuyến đường nội bộ và có thông báo rộng rãi trước khi bắt đầu thực hiện. Cụ thể, tại khu vực ga quốc nội, làn A (sát sảnh đón trả khách) chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay; làn B, C dành cho các phương tiện đón khách (trừ xe taxi, xe kinh doanh vận tải); làn D (trong nhà xe TCP) chỉ dành cho xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách”.

Cũng theo ông Cường, theo Thông tư 17/2016, các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động trong sân bay phải nộp phí nhượng quyền khai thác cho cảng hàng không sân bay, mà Grab hay BeGroup không nộp phí này nên không thể bình đẳng như các đơn vị kinh doanh đã nộp phí nhượng quyền. Chúng tôi phải tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các hãng taxi và kinh doanh vận tải đã đăng ký.

Ông Phạm Văn Châu - Giám đốc Công ty CP đầu tư TCP (Công ty quản lý bãi giữ xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất) khẳng định không có chuyện ép xe công nghệ vào đón khách ở nhà xe để thu lợi. Việc phân chia làn là cảng triển khai, bố trí, còn nhà xe chỉ phục vụ cơ sở hạ tầng, vật chất. Không phân biệt đâu là xe công nghệ, đâu là xe gia đình, cứ vô nhà xe là thu phí theo quy định".

hk
Sau 4 ngày thực hiện điều chỉnh, phân làn ô tô đón, trả hành khách trong khu vực đường nội bộ của sân bay đã thông thoáng.

Grab vi phạm hàng loạt

Mới đây, ngày 13/11, Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đà Nẵng và TP.HCM (gọi tắt là Hiệp hội Taxi 3 Miền) vừa gửi văn bản lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì Grab phải được xác định là đơn vị kinh doanh vận tải và chỉ được hoạt động khi đã được Sở GTVT cấp phép. Tuy nhiên, đến nay, Grab chưa được một Sở GTVT nào cấp phép kinh doanh vận tải những Grab vẫn ngang nhiên hoạt động là trái phép.

Chiếu theo Điểm c, Khoản 4, Điều 7, Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì Grab đã vi phạm quy định khi phần mềm của Grab hiện cũng không trích xuất được danh sách hành khách đối với các chuyến xe chở từ 2 hành khách trở lên.

Grab cũng vi phạm Điều 15, Điều 16, Nghị định 10/2020/NĐ-CP khi trên giao diện phần mềm của Grab không thể hiện đầy đủ các thông tin của hợp đồng điện tử theo quy định như không có thông tin về người đại diện đơn vị vận tải ký hợp đồng, không có logo của đơn vị vận tải trên giao diện…

Phương tiện của Grab không dán đầy đủ nhận diện theo quy định như không dán chữ “xe hợp đồng” ở kính trước và sau xe, không dán niêm yết logo của đơn vị vận tải bên thân xe. Việc này cũng vi phạm Điểm b, Khoản 1 Điều 7, Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Khoản 3, Khoản 4, Điều 43, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

Về giá cước, mặc dù Grab hoạt động như taxi (gọi là taxi công nghệ) nhưng Grab không phải kê khai giá dẫn đến tình trạng giá cước tăng giảm liên tục 200 đến 300% trong ngày tùy vào khung giờ. Trong khi, các doanh nghiệp taxi phải kê khai giá, mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh thì các cơ quan quản lý đều yêu cầu các doanh nghiệp taxi phải điều chỉnh giá cước cho phù hợp với sự biến động của giá nhiên liệu. Việc này rất bất bình đẳng, đồng thời, ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách.

IMG_0788
 

 

IMG_0789
 
IMG_0790
Văn bản của Hiệp hội Taxi 3 Miền gửi lên Chủ tịch Quốc hội đề nghị xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab.

Theo quan điểm của Hiệp hội Taxi 3 Miền, chính vì không phải kê khai giá nên đã có tình trạng Grab âm thầm thu phí nền tảng của hành khách mà hành khách không hề hay biết với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.

Mặc dù hoạt động của Grab là vận tải hành khách, không có gì khác biệt so với các doanh nghiệp vận tải hành khách khác, việc kê khai và nộp theo các quy định của Luật Thuế cũng không có gì vướng mắc, nhưng Tổng cục Thuế lại cho Grab và các tài xế được hưởng chính sách đặc thù.

Cụ thể, các tài xế của Grab được nộp thuế khoán với mức 3% thuế Giá trị gia tăng và 1,5% thuế Thu nhập cá nhân. Trong khi các doanh nghiệp vận tải khác phải nộp theo mức 10% thuế Giá trị gia tăng và 20% thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Taxi 3 Miền, năm 2018, Bộ Tài chính đã phải đưa Grab vào diện theo dõi đặc biệt về thuế, và mới đây nhất có trường hợp tài xế Nguyễn Văn Hưng ở thành phố Hồ Chí Minh kiện Grab vì lý do Grab đã trích thu thuế của tài xế, nhưng khi tài xế đến cơ quan Thuế để đối chiếu thì được cơ quan Thuế xác nhận là không có dữ liệu kê khai. Tài xế đã kiện ra tòa, vụ việc đang được Tòa án nhân dân Quận 10 thụ lý, chuẩn bị xét xử.  

Bên cạnh đó, hiện Grab có khoảng 120.000 đến 130.000 tài xế trên toàn quốc, hầu như tất cả các tài xế này đều không nộp bảo hiểm xã hội. Cả Grab và các Hợp tác xã đều không nhận trách nhiệm. Điều làm ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội khi Grab đang kinh doanh thu lợi nhuận nhưng trách nhiệm an sinh xã hội lại đẩy về cho nhà nước.

Đặc biệt, Grab vẫn đang ngang nhiên hoạt động và còn mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Việc này đã gây nên sự bức xúc rất lớn trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, Hiệp hội Taxi 3 Miền kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiến hành thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động của Grab qua đó xác định rõ có hay không những sai phạm và bất cập để xử lý sai phạm, đồng thời đưa ra giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh của Grab để đảm bảo khách quan, công bằng và minh bạch trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

Ý kiến của bạn

Bình luận