Xe công nông 'quậy tung' đường Hà Nội sau 12 năm lệnh cấm

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 02/11/2020 06:00

Mặc dù chỉ thị cấm xe công nông hoạt động, nhưng tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, loại xe này vẫn đang hoạt động công khai.


20201030_164006
Xe công nông tự chế chở cát chất cao ngút , di chuyển chênh vênh trên đường (Chụp tại đoạn qua xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) - Ảnh: Nhị Hà

Mặc dù Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cấm xe vận chuyển nhỏ (xe công nông) hoạt động đã có hiệu lực 12 năm nay, nhưng tại Phú Xuyên (Hà Nội), loại xe này vẫn đang hoạt động công khai. Đáng ngại hơn, trong vài năm trở lại đây, tại địa phương này loại xe tương tự chế cũng vô tư hoạt động.

Chiều ngày 30/10, trên tuyến đê Hữu Hồng đoạn qua xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, PV bắt gặp một đoàn xe công nông đầu dọc chở đầy cát đang ì ạch chạy trên đường. Do xe chở nặng, chạy chậm nên rất nhiều xe tải, xe máy đang chạy tốc độ cao phải phanh gấp để tránh đoàn xe này.

17h cùng ngày, tại tuyến đường giao thông đi qua xóm chợ Khang, PV bắt gặp một đoàn ba xe, trong đó có một xe công nông, một xe lôi tự chế dạng công nông đang chở cát có ngọn, không che phủ, đi từ đê Hữu Hồng hướng ra QL1.

Bám theo đoàn xe này, PV thấy đoàn xe vô tư đi qua lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ tại đầu dốc xóm chợ Khang mà không hề bị kiểm tra, xử lý.

Trước đó, khi di chuyển trên QL1 đoạn đoạn giáp ranh giữa huyện Phú Xuyên - huyện Thường Tín, PV tiếp tục bắt gặp nhiều xe công nông, xe tự chế chạy trên QL1. Có xe liều lĩnh chạy ngược chiều trên QL1 để đi tắt vào đổ đất cho hộ dân sinh sống ven đường.

Nhắc tới xe công nông, xe tự chế, người dân thường ngao ngán gọi đó là “xe năm không”: Không còi, không đèn, không đăng ký, không kiểm định và người lái không có bằng.

20201030_163926
Xe công nông tự chế nối đuôi nhau chạy trên đê Hữu Hồng (đoạn qua xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) - Ảnh: Nhị Hà

Cũng theo người dân địa phương, xe công nông và các xe tự chế tái xuất hiện nhiều ở các xã thuộc huyện Phú Xuyên khoảng vài năm trở lại đây. Ban đầu chỉ là các hộ đang sở hữu xe công nông cố tình chạy chui vận chuyển nông sản, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao, nhất là ở những khu vực đường hẹp, xe tải không vào được, nên nhiều người đã tìm cách cải tiến chiếc công nông trước đây thành xe lôi, xe tự chế.

Hầu hết các xe này đều chở rất nặng, hàng chất cao lên gấp đôi thùng xe, phía trên còn có người ngồi vắt vẻo. Vào giờ cao điểm, xe công nông chạy xen lẫn với xe máy, xe tải… khiến nhiều người lo sợ. “Ngán xe ben chở đất đá phóng nhanh vượt ẩu bao nhiêu, tôi cũng sợ đi gần xe công nông bấy nhiêu. Loại xe này tự chế, không đảm bảo kỹ thuật an toàn, lại chở nặng mà người lái cứ phóng ào ào, chả cần biết phía trước có ai!” - anh Văn Nam, trú tại xã Khai Thái, cho hay.

Được biết, chi phí mua một chiếc công nông tự chế chỉ từ 50 triệu đồng/chiếc, nhưng chở được hàng nặng tới hai tấn, có thể tự nâng, hạ thùng - điều mà các xe tải nhẹ cùng kích thước không thể thực hiện được. Đầu tư ít lại không cần GPLX, không đăng ký, đăng kiểm, không lệ phí đường bộ nên xe công nông thu hồi vốn nhanh hơn đầu tư xe tải nhiều.

Tuy nhiên, chủ các loại xe này cũng thừa nhận, việc sở hữu các xe loại xe công nông, tự chế loại này khá... mạo hiểm, dễ bị tịch thu. Loại phương tiện này không được kiểm định, không đảm bảo về điều kiện an toàn kỹ thuật, nên nguy cơ an toàn khi tham gia giao thông là rất cao.

20201030_163940
Không chỉ cơi nới thành thùng, chiếc xe này còn chở hàng cao chót vót gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông phía sau - Ảnh: Nhị Hà

Theo huyện Phú Xuyên, nguyên nhân các loại xe này còn tồn tại và có dấu hiệu bùng phát là do thời gian qua lực lượng chức năng phải căng mình tập trung xử lý xe quá tải nên có lơ là việc kiểm soát các loại xe này. “Việc truy quét, xử lý xe công nông đang hoạt động trên địa bàn không hề đơn giản, nhiều lần chính quyền đã ra quân truy quét nhưng không xử lý được vì họ rủ nhau trốn hết”, vị này cho biết.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Tạ Đức Giang - Chánh Văn phòng Ban ATGT Hà Nội cho biết: "Tới đây, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng CSGT huyện tăng cường phối hợp với ban công an các xã, thị trấn tiếp tục rà soát và tuyên truyền vận động người dân cam kết chuyển đổi nhằm hạn chế tối đa sự phát triển của loại xe này. Riêng với các trường hợp cố tình vi phạm sẽ tiến hành tịch thu, thanh lý theo quy định”, ông Giang cho biết. 

Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, kể từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ.

Ý kiến của bạn

Bình luận