Từ 1/10, Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với một số chức danh. Ảnh minh họa: Zingnews |
Và việc bố trí xe đón các đoàn công tác ở các tỉnh, thành phố, lãnh đạo cấp thứ trưởng đi xe chung như đã nói ở trên từ nay không thể không thực hiện. Đơn giản là chưa bao giờ từng lời nói, việc làm của các “công bộc” của dân lại được giám sát, kiểm tra chặt chẽ và lên tiếng kịp thời như lúc này.
Báo chí vừa loan đi một thông tin đáng chú ý : Từ 1/10, Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) trực thuộc bộ. Theo đó, 6 vị thứ trưởng của bộ này sẽ được khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng.
Còn nhớ, sau vụ xe công đi vào đường dành cho người đi bộ ở Hội An thu hút sự quan tâm của dư luận, Văn phòng Chính phủ thông báo từ nay khi tháp tùng Thủ tướng đi công tác, yêu cầu thành phần tham gia đoàn của tỉnh, TP không quá 3 ôtô (bao gồm xe chung của bí thư, chủ tịch và xe chung của các sở, cơ quan khác theo yêu cầu); Thứ trưởng trở xuống, các thành phần khác tham gia đoàn công tác đi xe chung do Văn phòng Chính phủ bố trí (bộ trưởng được đi xe riêng).
Hẳn nhiều người chưa quên, việc áp dụng chính sách khoán kinh phí sử dụng xe công đã từng được “đánh trống” mở đầu tại Văn phòng Quốc hội với mức khoán 10 triệu đồng/tháng nhưng chưa được bao lâu đã bị… “bỏ dùi”. Chỉ có một vài người nhận khoán và sau đó cũng lại quay lại sử dụng xe công như cũ.
Nhưng lần này, không hiểu sao người viết tin tưởng là việc khoán xe công, đi xe chung sẽ không thể trở thành… “vết xe đổ” của lề lối nói không đi đôi với làm như lâu nay.
Bởi nỗ lực nhằm tiết kiệm chi phí cho sử dụng xe công của Bộ Tài chính chắc chắn bắt nguồn từ lý do thực tế của đất nước về ngân sách, mà trách nhiệm quản lý là của Bộ này. Cơ quan Bộ Tài chính phải là nơi đầu tiên thực hành tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách bằng việc làm cụ thể. Hẳn Bộ đã tính toán được khả năng sẽ tiết kiệm đáng kể nguồn kinh phí chi cho sử dụng xe công và làm gương trong toàn ngành, từ trung ương tới các địa phương.
Áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe công sẽ giúp giảm khá nhiều chi phí vì, thông thường, việc bố trí xe đưa đón lãnh đạo từ nhà đến cơ quan rất tốn kém về xăng xe, lái xe phục vụ.
Bước tiếp theo quan trọng hơn là từ đó, việc làm này được áp dụng rộng rãi cho các bộ, ngành khác. Không thể có chuyện nơi làm, nơi không khi có “anh” Tài chính đã làm thật, làm trước như một mô hình bắt buộc.
Và việc bố trí xe đón các đoàn công tác ở các tỉnh, thành phố, lãnh đạo cấp thứ trưởng đi xe chung như đã nói ở trên từ nay không thể không thực hiện. Đơn giản là chưa bao giờ từng lời nói, việc làm của các “công bộc” của dân lại được giám sát, kiểm tra chặt chẽ và lên tiếng kịp thời như lúc này.
Người viết có biết chuyện một vị cựu bộ trưởng, từ ngày nghỉ hưu tham gia công việc hội và vô vàn công việc lớn nhỏ khác, ngày ngày vẫn đi về trên chiếc taxi quen thuộc được ông “khoán gọn” đi đúng giờ, về đúng chỗ, không sai một phút.
Có thể ban đầu chưa quen, chưa tiện và việc xử lý những vấn đề liên quan không đơn giản nhưng không lý gì các vị khác làm lấy lệ vài ba bữa rồi trở lại đường cũ. Đây là “quyết định” chính thức đã được ban ra trước bàn dân thiên hạ, chứ không thể là câu chuyện “đánh trống, bỏ dùi” hay “biết rồi, nói mãi…”
Số liệu từ Cục Quản lý công sản cho hay, hiện nay, cả nước có khoảng 40.000 xe công và chi phí cho mỗi chiếc xe công trung bình 320 triệu đồng/năm. Từ việc làm của Văn phòng Chính phủ, của Bộ Tài chính và lan rộng ra nhiều nơi khác, chắc chắn con số tiết kiệm cho ngân sách sẽ không hề nhỏ. Và tác động, tác dụng của việc làm này chắc chắn không chỉ dừng lại ở các con số tính toán đơn thuần.
Tất nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều công việc tiết kiệm chi tiêu công cần thiết phải bắt tay thực hiện trong cả nước. Lãnh đạo phải làm gương, đi trước, dù xem ra đây là việc làm khó.
Cho dù trong thực tế, chuyện này với người dân, họ thực sự quen thuộc, dễ dàng, không riêng gì ông cựu bộ trưởng khi trở về thường dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.