Một người dùng sử dụng ứng dụng chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc. Ảnh: NYT. |
Liu Lijing, một thợ cơ khí ở Bắc Kinh, không thường để ý đến lối cư xử của ai đó. Anh không cảm thấy phiền hà khi người khác mở nhạc lớn và anh đi lại trong con ngõ gần nhà với chiếc áo ba lỗ dính đầy vết dầu mỡ.
Thế nhưng gần đây, khi một người lạ dựng chiếc xe đạp ở bụi cây trước cửa nhà anh, Liu cảm thấy vô cùng tức giận. Anh nói rằng thủ đô Trung Quốc giờ ngập tràn những chiếc xe đạp chia sẻ và người ta để chúng ở khắp mọi nơi mà không quan tâm đến người khác.
"Không còn phép tắc gì nữa", anh nói, nhấc chiếc xe bị bỏ xó lên với sự giận dữ. "Chúng ta đối xử với nhau như kẻ thù vậy".
Những vết nhơ tính cách quốc gia
Hiện có hơn 16 triệu chiếc xe đạp chia sẻ ở các đô thị đông đúc tại Trung Quốc nhờ vào cuộc chiến quyết liệt để giành thị phần giữa hơn 70 công ty start-up với số vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Những start-up này đang vẽ lại quang cảnh đô thị, bày những chiếc xe đạp được trang bị hệ thống GPS và khóa số ở khắp mọi ngóc ngách theo cách mà Thung lũng Silicon chỉ có thể mơ tới.
Tuy nhiên, sự phổ biến của chúng đi kèm với một làn sóng hành vi không đẹp. Do các công ty kinh doanh xe đạp chia sẻ không sử dụng các trạm đỗ cố định, người đi xe đạp vứt xe bừa bãi dọc các con đường và quảng trường, gây xáo trộn giao thông và lộn xộn vỉa hè.
Kẻ trộm đã lấy mất hàng chục nghìn chiếc xe để sử dụng cho mục đích cá nhân hoặc bán linh kiện. Những kẻ phá hoại treo xe trên cây, chôn chúng trong các công trình xây dựng và ném chúng xuống hồ và sông.
Những vấn đề như vậy đã đặt ra câu hỏi về tính bền vững của sự bùng nổ mô hình xe đạp chia sẻ tại Trung Quốc. Song hiện trạng cũng đã khiến nhiều người Trung Quốc phải đi tìm lời giải thích sâu xa hơn và đặt câu hỏi rằng liệu dịch vụ chia sẻ xe đạp đã hé lộ những vết nhơ quan trọng trong tính cách quốc gia. Điều này dẫn đến cuộc tranh luận sâu rộng về sự suy thoái của xã hội, sự đi xuống của lễ nghĩa và đạo đức ở đất nước nơi sở hữu một trong những nền văn minh lớn của nhân loại.
"Chúng tôi nhìn vào chính mình, và chúng tôi hỏi 'Có chuyện gì sai đang xảy ra với đất nước Trung Quốc, con người Trung Quốc?'", Xu Qinduo, nhà bình luận chính trị ở Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) tại Bắc Kinh, nói với New York Times. Nhiều người tự hào về những thành tựu kinh tế và sức mạnh toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc, nhưng Xu lo ngại rằng quốc gia này vẫn thiếu tinh thần đạo đức.
Một số người cho rằng việc "ngược đãi" xe đạp phản ánh tâm lý "ai cũng chỉ nghĩ về bản thân mình" ở Trung Quốc mà bắt nguồn sâu xa từ những đói nghèo cùng cực của thế kỷ trước. Những người khác cảm thấy phiền lòng bởi những gì họ coi là thiếu sự quan tâm đối với người lạ và tài sản công cộng. Những hành vi vi phạm đã được tường thuật trên các kênh truyền thông địa phương với giọng điệu hoài nghi, một phần vì người Trung Quốc thường coi họ là xã hội tuân thủ luật pháp và tỷ lệ tội phạm tương đối thấp.
"Tấm gương phản chiếu quái vật"
Ở nhiều thành phố, nguồn cung xe đạp vượt xa nhu cầu, dẫn đến sự hỗn loạn trên vỉa hè, ở bến xe buýt và các giao lộ và khiến nhiều người cằn nhằn rằng việc cạnh tranh quá mức - vốn được coi là một đặc điểm của quốc gia - đã làm hỏng một điều tốt. Theo thống kê chính thức, Thượng Hải, nơi các quan chức đã cố gắng duy trì trật tự, hiện cứ 16 người là có một chiếc xe đạp chia sẻ.
Ở một số nơi, chính quyền đã tịch thu hàng chục nghìn chiếc xe đạp và đưa ra những quy định về hạn chế đỗ xe. Các tờ báo đã ghi lại sự lãng phí với hình ảnh đáng kinh ngạc về những núi xe đạp đủ màu sắc như bánh kẹo, mỗi màu sắc đại diện cho một công ty chia sẻ xe đạp khác nhau.
Các quan chức thành phố cũng đang phải vật lộn với những trò phá hoại xe đạp, từ đập vỡ ổ khóa đến đốt cháy toàn bộ chiếc xe. Một số trường hợp phá hoại được cho là xuất phát từ việc người dân tức giận khi nhìn thấy xe đạp chất thành đống trong khu phố của họ. Tuy nhiên, cảnh sát ở một số thành phố cũng cho biết nhiều vụ việc là do những người làm nghề lái xích lô và taxi gây ra do họ bất mãn cho rằng mô hình chia sẻ xe đạp đã gây khó khăn cho công việc của họ.
"Mỗi ngày đều là một cuộc chiến", Ke Jin, nhân viên an ninh tại một khu chung cư đông bắc Bắc Kinh, cho biết khi anh đang "khơi thông" một con đường bị chặn bởi một đống xe đạp màu xanh và màu vàng. "Bản chất con người là không thèm quan tâm", anh nói.
Trên mạng xã hội và trong các cuộc trò chuyện, mọi người thường mô tả việc chia sẻ xe đạp như một "tấm gương phản chiếu quái vật", phơi bày bản chất thực sự của người Trung Quốc. Theo nghĩa đó, đây là chương mới nhất trong tác phẩm phê phán kéo dài từ trước cuộc cách mạng của đảng Cộng sản Trung Quốc, khi nhà văn nổi tiếng Lỗ Tấn chỉ trích văn hóa Trung Hoa là ích kỷ, khoác lác, hèn hạ và tàn nhẫn.
Cuộc tranh luận về 'tố chất'
Phần lớn cuộc thảo luận về mớ hỗn độn này xoay quanh khái niệm về "tố chất" tại Trung Quốc, bao gồm hành vi, học vấn, đạo đức, trí tuệ và thị hiếu của một người. Người Trung Quốc thường sử dụng cụm từ "tố chất kém" để phê bình những thói quen hay cách cư xử xấu của người khác, và than phiền về suy giảm "tố chất" trong xã hội Trung Quốc qua nhiều thế hệ.
Lãnh đạo của các công ty công nghệ, những người làm việc trong lĩnh vực gọi là "kinh tế chia sẻ" và lợi nhuận của họ phụ thuộc vào hành vi tốt của khách hàng, giờ đây đã trở thành những người quyết liệt phê bình hiện trạng nói trên.
Một start-up có tên 3V Bike đã bị buộc phải đóng cửa vào tháng Sáu sau khi gần như tất cả 1.000 chiếc xe đạp của họ đều bị mất trộm trên đường phố các thành phố nhỏ. Trong các cuộc phỏng vấn với báo chí Trung Quốc, người sáng lập công ty Wu Shenghua cho rằng chính "tố chất kém" của công chúng là một phần nguyên nhân khiến công ty phải "dẹp tiệm".
Những người khác cho rằng hành vi trộm cắp và phá hoại xe đạp đã bị phóng đại, rằng sự mất trật tự đã được nhìn thấy từ trước và rằng hành vi sai trái còn tệ hơn nhiều ở một số nước khác.
Hu Weiwei, người sáng lập và chủ tịch của Mobike, một trong những ứng dụng chia sẻ xe đạp phổ biến nhất ở Trung Quốc, cho biết lợi ích của xe đạp chia sẻ đã vượt xa bất kỳ sự bất tiện nào, nhất là việc giảm thải khí carbon và cải thiện tình trạng giao thông.
Mobike đã thiết kế một hệ thống điểm để phạt những hành vi sai trái như để xe đạp ở giữa đường. Bà Hu nói bà mong đợi các vấn đề sẽ biến mất khi các công ty làm tốt hơn việc khuyến khích hành vi đạo đức. "Một hệ thống tốt có thể giúp hình thành thiện chí của mọi người và các giá trị đạo đức", bà nói.
Yunxiang Yan, một nhà nhân chủng học, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học California Los Angeles, cho biết gốc rễ xã hội nông nghiệp của Trung Quốc khiến cho người dân phụ thuộc vào một nhóm nhỏ người thân và bạn bè, ít tin tưởng vào người lạ. Do đó, nhiều người không nhìn thấy ý nghĩa của tài sản công và hoài nghi về các quy tắc cộng đồng.
"Tài sản công được xem là không có chủ sở hữu", ông nói, "vì vậy mọi người tin rằng họ có thể lợi dụng chúng".
Song ông Yan cho biết sự thành công nói chung của ứng dụng chia sẻ xe đạp cho thấy sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng tăng ở Trung Quốc. Một số công dân đã thành lập các nhóm tình nguyện để tuyên truyền những điều tốt đẹp trong xã hội.
Bản chất con người
Zhao Qi, 23 tuổi, một kiến trúc sư, đã dành rất nhiều thời gian rảnh làm "thợ săn xe đạp", lang thang trên đường phố Bắc Kinh tìm kiếm những chiếc xe đạp bị phá hoại những người sử dụng xe không biết phép tắc.
Zhao nói rằng cậu bị thôi thúc bởi chủ nghĩa yêu nước. Nhiều năm qua, Trung Quốc đang thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm công nghệ có thể thu hút sự chú ý của nước ngoài. Nhiều người đã nhận thấy những triển vọng trong mô hình chia sẻ xe đạp, gọi đây là một trong bốn phát minh hiện đại của Trung Quốc nếu so sánh với "tứ đại phát minh" thời xưa gồm thuốc súng, giấy, kỹ thuật in ấn và la bàn (Dù tuyên bố này đã được chứng minh là không chính xác!).
"Đây là biểu tượng của niềm tự hào quốc gia - một món quà Trung Quốc đem ra thế giới", Zhao nói. "Chúng ta không thể làm hỏng nó".
Một tình nguyện viên khác, Cheng Xiaofeng, 46 tuổi, làm việc cho một công ty đầu tư của nhà nước, cho biết cô đã trình báo hơn 4.000 chiếc xe đạp đỗ không đúng quy định kể từ tháng Tư.
"Tôi tin rằng con người vốn tử tế và bản chất của họ là tốt", chị nói. "Nhưng đôi khi họ rơi vào vùng ảnh hưởng xấu và cần được chỉnh đốn".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.