Xe đạp điện "không thể bị ăn trộm" bị phá khóa chưa đầy 60 giây

Tác giả: genk

saosaosaosaosao
Ứng dụng 03/08/2019 14:30

Trên đời này không có thứ gì tuyệt đối cả.

vanmoofbike4-1500x1000-15646519378731656720013

Xe đạp điện tử (chứ không phải xe đạp chạy điện đơn thuần) đang làm mưa làm gió thị trường phương tiện di chuyển. Nhưng trò đời vẫn vậy, cứ xuất hiện thứ gì nổi tiếng khắp nơi, y rằng sẽ phải có hệ lụy không đáng có bám theo. Với những người bỏ ra ngàn USD ra để mua xe đạp điện (tử) - tương đương số tiền mua ô tô xe máy, họ sẽ đối mặt với nỗi lo sợ mất xe.

Để giải quyết vấn đề này, công ty Van Moof tới từ Hà Lan quyết tâm cho xe điện tử - ebike mình sản xuất một cơ chế chống trộm hiệu quả. Hãng được mệnh danh là “Tesla của ngành ebike” ra mắt chiếc xe đạp điện S2 đi kèm ứng dụng khóa và mở khóa, màn hiển thị LED cho phép người dùng biết tốc độ đang chạy, một nút tăng tốc chẳng khác gì xe trong phim viễn tưởng.

Để bảo vệ chiếc xe đắt giá, Van Moof trang bị cho chiếc xe một hệ thống khóa ẩn, khóa chặt bánh lại ngăn trường hợp bị dắt mất, một thứ còi to váng đầu và một cơ chế nháy đèn theo cú pháp S-O-S, báo trường hợp khẩn cấp.

Những yếu tố vừa nêu có thể thấy ở bất kỳ thiết bị nào, Van Moof biết vậy nên mới cho S2 một cơ chế chống trộm đặc biệt: một thiết bị định vị sử dụng SIM, cho phép người dùng lần dấu chiếc xe ngay cả khi bị nhấc mất. Theo lời quảng cáo của Van Moof, tên trộm sẽ phải chặn tín hiệu 24/7 suốt 1 năm trời để chiếc xe hoàn toàn biến mất. Nếu như trộm có định rút SIM để lấy xe, “kẻ gian sẽ ngay lập tức phá hủy cái xe”.

Hóa ra đây chỉ là chiêu trò quảng cáo.

Trang tin công nghệ Digital Trends hợp tác với một đội ngũ gồm các chuyên gia bảo mật điện tử và kỹ sư, tự tay kiểm chứng xem ebike của Van Moof có “đúng như lời đồn”. Hệ thống bảo mật của chiếc xe có giá tới 3.000 USD xoay quanh cái thẻ SIM nhỏ con, và chỉ chưa đầy 60 giây ngắn ngủi, nó gục ngã trước bộ đồ nghề trị giá chỉ 12 USD. Hệ thống báo động của xe không phản ứng, khung xe không biến chuyển gì, chiếc xe vẫn vận hành ổn định như lúc nó được mua về với giá 3.000 USD. 

Chuyên gia bảo mật, cố vấn cho màn trộm xe này, có thể vô hiệu hóa hệ thống định vị mà không khiến còi báo động rung lên hồi nào. Một khi xe mất khả năng định vị, chẳng ai cứu được chiếc xe khỏi tay kẻ trộm nữa.

Công cụ “hack” cái xe điện tử này đơn giản vô cùng. Bạn có thể tự xem ở video bên dưới: chỉ cần vặn được 4 cái vít nhỏ là có thể dễ dàng rút ra “cơ quan đầu não” của chiếc xe đạp S2. Vặn thêm 5 cái vít thường và 2 cái vít đặc biệt (dù đặc biệt, nhưng dụng cụ tháo nó rất dễ kiếm) là có thể rút SIM ra, đạp xe về.

Chút ghi chú từ nhóm nghiên cứu bảo mật: Trong video trên, họ đã không kích hoạt khóa xe, với mục đích quay video dễ dàng hơn. Bài thử đầu tiên, bao gồm cả việc tháo SIM, đều được thực hiện khi xe được khóa cẩn thận. Hệ thống trên chiếc ebike vẫn vận hành tốt khi tháo khóa, và ngay cả khi bài viết được đăng tải trên Digital Trends.

Chỉ chưa đầy 60 giây, một tên trộm có thể lấy xong cái xe điện đáng giá 3.000 USD mà không hề bị phát hiện ra. Digital Trends buộc tội Van Moof đã quảng cáo sai sự thật, khi tuyên bố “việc tháo SIM sẽ rất mất thời gian, lúc tháo xong thì có lẽ đã phát hiện ra vị trí kẻ trộm rồi”.

Trang tin công nghệ cũng đưa thêm cảnh báo: Những người đã mua chiếc xe S2 nên trang bị thêm khóa để bảo đảm an toàn cho cái xe đạp nghìn đô. Chính sách của Van Moof chắc cũng sẽ giúp được nhiều trong trường hợp ai đó bị mất trộm xe: họ hứa sẽ thay thế một chiếc S2 mới cho người chủ xe đen đủi, mất xe và không thể tìm lại được sau 2 tuần cố gắng.

Các chuyên gia bảo mật cố vấn cho màn phá khóa này phát hiện thêm điểm thú vị: khi rút thẻ SIM ra, hệ thống báo động và khóa ẩn sẽ bị vô hiệu hóa; vậy là thẻ SIM không được như quảng cáo, ít nhiều vô dụng. Ngoài vấn đề đó ra, chiếc S2 hoạt động bình thường. 

Nhưng chừng đó vấn đề là đủ khiến các nhà nghiên cứu bảo mật từ chối tin tưởng vào chiếc xe, cũng như những gì Van Moof đã, đang và sẽ bán ra cho người dùng.

Hiển nhiên Van Moof không hài lòng với bài báo của Digital Trends. Họ đưa ra hai tuyên bố riêng biệt:

Tuyên bố ngày 30 tháng Bảy:

Đầu tiên, họ khẳng định chiếc xe đạp đã không được khóa khi bị tháo SIM. Digital Trends khẳng định hành động trên đúng trong video, nhưng chỉ làm vậy để tránh nó kêu đến mức điếc tai khi thực hiện “trộm xe”. Trong những bài thử nghiệm trước, họ lần lượt thực hiện các bước khóa xe, tháo SIM và đưa ra kết luận: xe bị vô hiệu hóa thiết bị an ninh vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên hệ thống định vị không hoạt động.

Thứ hai, Van Moof khẳng định “cơ quan đầu não” của cái xe, với thuật ngữ riêng là Băng Thông minh - Smart Cartridge vốn rất dễ tháo. Tuy nhiên, tuyên bố này đi ngược lại với những gì được viết trên trang chủ của Van Moof, rằng “Việc tháo SIM sẽ mất rất nhiều thời gian, với cùng thời gian đó, bạn đã có thể lần dấu cái xe rồi, tuy nhiên việc tháo SIM sẽ phá hủy cái xe”.

Tuyên bố ngày 31 tháng Bảy:

Van Moof đăng một video khác, thử nghiệm cơ chế khóa của xe và thấy nó vẫn hoạt động tốt. Phát ngôn viên của Van Moof khẳng định mẫu xe đạp điện Digital Trends sử dụng đã “gặp vấn đề”.

Để đáp trả, Digital Trends dự định mua thêm một cái xe S2 nữa để tiến hành thử nghiệm lại.

Chúng ta cùng chờ xem màn kết của vở kịch hay sẽ ra sao.

Ý kiến của bạn

Bình luận