"Xe dù Limousine" tung hoành tại Hà Nội- Bài 2: Lộ bản chất từ hoạt động trá hình

Tác giả: Nhóm PV Điều tra

saosaosaosaosao
Vận tải 18/10/2022 07:56

Các đơn vị vận tải bằng xe Limousine đăng ký hoạt động vận tải "xe hợp đồng" chỉ là trá hình nhằm qua mặt cơ quan chức năng để hoạt động chở khách theo hình thức tuyến cố định.

Lập lờ xe hợp đồng để "chạy dù" kiểu mới

Khảo sát của PV Tạp chí GTVT cho thấy, Hà Nội hiện là đầu mối tập trung lượng lớn xe Limousine, DCar dùng phù hiệu "xe hợp đồng" để trá hình lập các tuyến vận tải khách cố định, theo lộ trình cố định từ Hà Nội về các địa phương ở các tỉnh, thành phía Bắc và ngược lại.

Từ mỗi tỉnh, thành về Hà Nội có 3 - 5 nhà xe, mỗi nhà xe lập 1 - 2 tuyến, hành trình cố định, khiến "xe hợp đồng" chạy tuyến cố định nhan nhản khắp các tuyến phố Hà Nội.

Để làm rõ phương thức trá hình chạy tuyến cố định của "xe hợp đồng" Limousine, những ngày đầu tháng 10/2022, PV Tạp chí GTVT trong vai hành khách đã đi trên một số xe Limousine tuyến Hà Nội – Hà Nam, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Quảng Ninh… và nhận thấy các nhà xe này có phương thức điều hành vận hành vận tải tương tự nhau.

"Xe dù Limousine" tung hoành tại Hà Nội: Lộ bản chất hợp đồng trá hình - Ảnh 1.

Xe Limousine gắn phù hiệu "xe hợp đồng" của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ và thương mại Thời Đại, thương hiệu "Xe Thời Đại" đón khách tại điểm đón khu vực cổng phụ Bệnh viện K. (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội)

Ngày 5/10, trên tuyến Hà Nội – Hà Nam, sau khi lựa chọn ngẫu nhiên nhà xe "Thời Đại" của Công ty TNHH du lịch dịch vụ Thời Đại (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để đi từ quận Hà Đông đến TP. Phủ Lý và gọi đến số của nhà xe, PV được hỏi tên và chỉ dẫn chờ xe tại một trong các điểm: Bệnh viên K Tân Triều, khu đô thị Xa La, khu vực bên ngoài Bến xe Hà Đông (cũ), trước cổng Học viện An ninh nhân dân…

Sau khi lên xe BKS 29B-605.25 của nhà xe Thời Đại (loại xe 10 chỗ ngồi, được cải tạo từ xe 16 chỗ) tại trước cửa Học viện An ninh nhân dân vào gần 8h sáng, PV ghi nhận tài xế chiếc xe này chạy vòng theo bên đường Nguyễn Xiển, Chu Văn An để đón thêm khách tại các điểm chờ này.

Bài 2: Lộ rõ bản chất trá hình "hợp đồng" của xe Limousine  - Ảnh 2.

Điểm đón, trả khách cố định tại số 36 phố Trần Phú, Tp. Phủ Lý, Hà Nam của nhà xe Limousine "Xe Thời Đại"

Trên hành trình về đến TP. Phủ Lý (Hà Nam), chiếc xe dừng trả một nữ khách xuống trước cửa Công ty CP Đất hiếm Hà Nam (xã Tiên Tân, TP.Phủ Lý) nằm ven QL1A.

Tiếp đó, những người còn lại được chở đến trụ sở chi nhánh tại Hà Nam của công ty này tại số 36 phố Trần Phú (TP. Phủ Lý). Đây cũng là điểm đón, trả khách hàng ngày của nhà xe này. Trường hợp khách về TP. Phủ Lý có xe ô tô 7 chỗ của đơn vị trung chuyển, còn về huyện Lý Nhân tiếp tục được xe này vận chuyển.

Bài 2: Lộ rõ bản chất trá hình "hợp đồng" của xe Limousine  - Ảnh 3.

Xe trung chuyển khách của nhà xe "Xe Thời Đại" từ số 36 phố Trần Phú, TP. Phủ Lý, Hà Nam không mang biển số màu vàng, không dán phù hiệu, thông tin của đơn vị vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020

Khi xe dừng tại đây, lái xe thu tiền của khách (giá 110.000 đồng nếu về Phủ Lý, 130.000 đồng nếu về huyện Lý Nhân), nhưng không có vé hay phiếu thu. Khi hỏi nhân viên văn phòng, PV chỉ được cấp cho một tờ giấy ghi chữ "Phiếu thu", đóng dấu của Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ du lịch Thời Đại. Nội dung phiếu thu ghi tên chi nhánh và địa chỉ giao dịch (số 74, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Hà Nam); nội dung thu: "vận chuyển hành khách hợp đồng từ….  về. Số tiền…".

Tuy vậy, phiếu thu chỉ đóng dấu treo của Chi nhánh công ty, còn không ghi bất kỳ nội dung nào. Khi được hỏi, nữ nhân viên văn phòng cho biết, công ty chỉ cấp phiếu thu như trên, còn khách "thích ghi gì thì ghi".

Tương tự, khi đi thực tế trên xe hợp đồng Limousine tuyến Hà Nội – Bắc Giang của nhà xe Hoa Hướng Dương, Quỳnh Thanh, nhà xe Bình An (tuyến Hà Nội – Hòa Bình)… cũng cho thấy phương thức hoạt động như trên.

Bài 2: Lộ rõ bản chất trá hình "hợp đồng" của xe Limousine  - Ảnh 4.

Cũng như các nhà xe Limousine khác, nhà xe "Xe Thời Đại" chỉ dùng phiếu thu đóng dấu treo để đưa cho khách, nếu được yêu cầu

Cụ thể, các "xe hợp đồng" Limousine công khai lập, quảng bá trên các trang điện tử, mạng xã hội để mời chào khách đi theo các tuyến vận tải cố định, điểm đón cố định. Các chuyến xe vận chuyển lặp đi lặp lại hàng ngày; không hề vận chuyển khách theo hợp đồng cả chuyến xe theo quy định tại Nghị định số 10/2020 mà gom khách lẻ từ các điểm đón cố định; khi thu tiền vận chuyển không phát hành chứng từ hoặc phiếu thu rỗng nội dung; không phải kê khai giá vận chuyển như xe tuyến cố định; không rõ trách nhiệm bảo hiểm đối với hành khách.

Chẳng hạn, lộ trình của nhà xe Hoa Hướng Dương chạy tuyến Bắc Giang - Hà Nội và ngược lại, từ Bắc Giang đón khách và trả tại một số tuyến đường trung tâm của TP.Bắc Giang như: Xương Giang, Hùng Vương, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Định…

Tại Hà Nội, đón và trả khách tại các địa điểm: Hà Nội 108 Yên Phụ, 43 Hai Bà Trưng, 36 Nguyễn Huy Tự, Nhà hát Lớn, Công ty may 10, siêu thị Aeon Việt Nam… với giá vé 120 nghìn/1 lượt/chiều.

Bài 2: Lộ rõ bản chất trá hình "hợp đồng" của xe Limousine  - Ảnh 5.

Với mác xe hợp đồng, các xe Limousine vô tư chạy qua các tuyến phố trung tâm Hà Nội, gây mất công bằng vận tải và ùn tắc giao thông

Xe tuyến cố định điêu đứng

Tình trạng trá hình "xe hợp đồng" Limousine để vận tải khách tuyến cố định diễn ra nhộn nhịp là tác nhân gây mất rối loạn vận tải khách bằng xe ô tô, ảnh hưởng trực tiếp và mất công bằng đối với xe khách vận tải theo tuyến cố định.

Lái xe H.V.T, tuyến Nhã Nam - Bến xe Gia Lâm (huyện Tân Yên, Bắc Giang) than vãn, hiện có nhiều hãng xe, tuyến xe trá hình (kiểu dạng xe công nghệ đón trả khách tại nhà) đã làm cho các nhà xe chạy tuyến cố định điêu đứng.

"Trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nhà xe, tuyến xe cố định đã phải cắt giảm số đầu xe chạy do không có khách, do dịch bệnh và do nạn "xe dù", xe trá hình (với vỏ bọc xe VIP đưa đón tại nhà) thu hút lượng khách lớn khiến các nhà xe chạy tuyến cố định không cạnh tranh được dẫn tới nguy cơ phá sản, đóng tuyến. Nhà xe Limosine đăng ký phù hiệu "xe hợp đồng" nhưng thực chất hoạt động theo tuyến cố định, được tự do nhận, trả khách ở khắp các ngóc ngách mà không bị xử lý, gây mất công bằng vận tải", anh H.V.T trăn trở.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Ngô Minh Định, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Bắc Giang) và một số cán bộ quản lý trong lĩnh vực GTVT tại một số địa phương khác cũng cho rằng, thực tế hoạt động của xe hợp đồng Limosine là đưa đón khách tại nhà, vào tất cả các khung giờ cố định trong ngày và có thể tiếp cận đến các tuyến phố, khu dân cư, các bệnh viện, trường học một cách dễ dàng. Hàng ngày, các xe này đều chạy theo một tuyến nhất định kết nối các khu đô thị và các vùng phụ cận, đặc biệt là giữa các thành phố lớn với các tỉnh lân cận (với cự ly gần) và ngược lại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, phương thức hoạt động của "xe hợp đồng" Limousine như hiện nay là vi phạm quy định tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

(Còn nữa)