Tạo cơ chế “thúc” DN vận tải phát triển
Xin ông cho biết lý do ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP chỉ sau hai năm sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 93/2012/NĐ-CP?
Trước hết phải khẳng định, sau bốn năm thực hiện, các quy định của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP và sau đó là Nghị định số 93/2012/NĐ-CP đã đáp ứng được một phần yêu cầu thực tế của công tác quản lý Nhà nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị vận tải, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi chấp hành các quy định của pháp luật.
Tính đến hết ngày 31/12/2013, cả nước đã có hơn 11.000 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với gần 126 nghìn xe ô tô được cấp phù hiệu. Hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bước đầu được chấn chỉnh, chất lượng vận tải đã được nâng lên một bước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Nghị định 91, 93 còn một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi như chưa tạo ra được cơ chế thúc đẩy quá trình tích tụ và cơ cấu lại lực lượng vận tải; chưa thúc đẩy áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, hiệu quả trong hoạt động vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải chưa thực sự coi trọng công tác đảm bảo ATGT và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Ông có thể nói cụ thể hơn về những tồn tại bất cập cần sửa đổi?
Chẳng hạn như việc cấp Giấy phép kinh doanh hiện nay mới chỉ chủ yếu căn cứ trên hồ sơ, báo cáo của các đơn vị vận tải về việc đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh. Công tác kiểm tra trước và sau khi cấp phép chưa được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Bộ phận theo dõi quản lý các điều kiện về ATGT ở nhiều đơn vị vận tải có thành lập nhưng chủ yếu mang tính hình thức, đối phó để làm hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh.
Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng dịch vụ tại các đơn vị khá lỏng lẻo. Việc tổ chức giám sát công việc của đội ngũ lái xe, bán vé hầu như không được thực hiện. Việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, phản ánh của hành khách chưa được quan tâm. Đặc biệt là việc theo dõi hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) chưa được thường xuyên.
Thời gian qua, nổi lên tình trạng “xe dù”, xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định nhưng chưa có đủ các quy định chặt chẽ để quản lý dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh với những loại hình vận tải khác. Vì thế phát sinh nhiều tuyến vận chuyển hành khách tham quan du lịch hoạt động theo hình thức như tuyến cố định.
Mặc dù các quy định về quản lý hoạt động của taxi đã tương đối đầy đủ và cụ thể, nhưng do công tác phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát chưa tốt, hiệu quả quản lý chưa cao nên tình trạng taxi dù vẫn còn tồn tại và có chiều hướng phát triển, ngày càng khó kiểm soát, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Hiện nay, tuy đã có quy định về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô nhưng việc quy định khai thác thông tin và ứng dụng trong quản lý Nhà nước và quản lý của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Nâng cao các điều kiện để phục vụ người dân tốt hơn
Nghị định số 86/2014/NĐ-CP sẽ khắc phục được những tồn tại kể trên, thưa ông?
Nghị định mới tập trung sửa đổi, bổ sung về đối tượng thực hiện; các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; cấp và thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải; các quy định quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Cụ thể, Nghị định mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các đối tượng kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không thu tiền trực tiếp (loại hình kinh doanh vận tải mà DN vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó).
Nghị định mới cũng bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo hướng tăng cường quản lý hoạt động an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ của đơn vị kinh doanh vận tải, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho đơn vị kinh doanh vận tải. Thêm quy định về số lượng phương tiện tối thiểu và lộ trình thực hiện đối với đơn vị kinh doanh vận tải trong các loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, bằng xe buýt, bằng xe taxi, theo hợp đồng, du lịch và kinh doanh vận tải hàng hóa.
Số lượng phương tiện tối thiểu được quy định trên cơ sở tính tới điều kiện của từng khu vực. Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, DN, HTX kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên có trụ sở tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phải có tối thiểu 20 xe; với các tỉnh còn lại sẽ phải có tối thiểu 10 xe; riêng với các đơn vị có trụ sở đóng tại các huyện nghèo thì phải có tối thiểu 5 xe.
Nghị định lần này cũng quy định về việc cấp Giấy phép kinh doanh. Theo đó, hướng tới việc tất cả các xe kinh doanh vận tải đều phải được cấp theo một lộ trình cụ thể. Đồng thời, bổ sung thêm quy định thu hồi giấy này khi đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Nghị định cũng đưa ra các điều kiện đối với loại xe kinh doanh hợp đồng nhằm quản lý chặt chẽ hành trình của loại xe này, chống tình trạng “xe dù” và xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Theo đó, từ ngày 1/7/2015, loại xe hợp đồng từ 10 hành khách trở lên trước khi thực hiện hợp đồng vận tải hành khách hoặc hợp đồng lữ hành thì phải thông báo tới Sở GTVT các thông tin cơ bản của chuyến đi như: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Đối với taxi, từ ngày 1/7/2016 cũng phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách.
Với các nội dung nêu trên có thể thấy các điều kiện về kinh doanh vận tải đều được nâng lên. Theo ông, liệu các doanh nghiệp có đủ sức đáp ứng được các điều kiện trong tình hình hiện nay. Đặc biệt là qui định về số lượng phương tiện đối với các DN, HTX?
Trước hết, phải thống nhất quan điểm rằng việc triển khai thực hiện những quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo Nghị định 86 nêu trên là hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ vận tải ôtô, góp phần đảm bảo TTATGT, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đối với quy định về quy mô, số lượng phương tiện và lộ trình thực hiện cụ thể, tôi cho rằng những quy định đó là hợp lý. Bởi thực tế cho thấy, chỉ những đơn vị kinh doanh có quy mô nhất định thì mới có được sự đầu tư bài bản, có chiến lược dài hạn, ý thức xây dựng thương hiệu. Đây cũng là cách để tích tụ vận tải, đưa các doanh nghiệp vận tải trong nước ngày càng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường vận tải quốc tế.
Cảm ơn ông!
Theo giaothongvantai.com.vn
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.