Taxi không người lái được thử nghiệm ở Singapore |
Chỉ đến khi có tin Singapore bắt đầu cho thử nghiệm taxi không người lái, mặc dù còn nhiều hạn chế, mới giật mình nhìn lại, liệu một đội xe tự động như thế có chạy nổi trên đường phố nước ta chăng?
Khó lắm. Không một kỹ thuật nào lường hết sự tùy tiện của người chạy xe, cả ôtô lẫn xe máy và người đi bộ. Thích thì chuyển làn, quay đầu xe, muốn là chen vào làn đường của nhau, cắt đầu xe, ưa là bóp còi, và vội thì rẽ trái sát góc không cần chờ xe từ hướng ngược lại chạy qua...
Singapore được nuTonomy chọn thí điểm xe không người lái một phần vì lái xe ở đây tuân thủ luật nghiêm chỉnh, hành vi của người lái là có thể đoán trước được, khi đó máy móc mới biết mà ứng xử. Kiểu tùy tiện như ở Việt Nam phải là một phần mềm không biết phải mạnh cỡ nào mới đoán nổi!
Nhìn rộng ra một chút, nền kinh tế nói riêng hay cả xã hội vận hành ở chế độ tự động mới tạo ra được sự thoải mái cho mọi người, ai nấy cứ theo tập quán đã quy ước để hành xử với nhau. Người lãnh đạo tài giỏi là tạo ra những cú hích nhẹ để thúc đẩy chế độ vận hành tự động này tiến lên một nấc mới. Chứ việc điều hành cứ tùy tiện lúc thế này, mai thế khác, làm sao người dân biết được đúng sai để hành xử cho phù hợp?
Ví dụ thì có nhiều, nhất là các lĩnh vực có liên quan nhiều đến người dân như giáo dục (đánh giá, thi cử), kinh tế (đủ loại quy định thay đổi xoành xoạch) nhưng ở đây chỉ xin lấy một vài trường hợp thời sự mang tính điển hình.
Tại hội nghị “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản”, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra bốn phương án liên quan đến việc cho hay cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Điều tùy tiện ở đây là cho đến lúc đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm công bố hải sản đánh bắt ở vùng biển này đã an toàn chưa vẫn chưa đưa ra một kết luận nào. Cơ sở khoa học cho các phương án cũng không có, ví dụ vì sao có phương án cấm khai thác hải sản từ vùng biển 10 hải lý trở vào bờ, lại có phương án cho phép - cấm vì hải sản không an toàn để tiêu thụ chứ đâu phải thích thì cấm?
Điều đáng nói hơn cả, lúc xảy ra sự cố ô nhiễm vùng biển miền Trung, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát lệnh cấm tiêu thụ cá đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào thuộc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Cho đến nay lệnh đó như thế nào, còn hiệu lực không vẫn chưa rõ.
Chuyện liên quan đến an sinh của hàng triệu người dân mà vẫn chưa rõ ràng như thế thì thử nghiệm xe không người lái quả là chuyện còn xa vời quá!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.