Xe kinh doanh có thể phải dùng màu biển số khác

Giao thông 24h 29/08/2018 05:13

Bộ GTVT đề xuất phân lại các loại hình kinh doanh vận tải để sửa đổi điều kiện kinh doanh và xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.

 

Xe kinh doanh có thể phải dùng màu biển số khác
Ảnh minh họa

Thông tin được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 27/8.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội thông qua luật này là quý 4/2020.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là mảnh áo quá chật cho sự phát triển của đất nước. Vì thế, rất cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ với những quy định mới phù hợp.

7 nhóm vấn đề dự kiến sửa đổi

Giới thiệu tổng quan về dự án luật, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải cho biết việc sửa đổi luật sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề nóng hiện nay.

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung các quy định về quy tắc giao thông đường bộ đảm bảo phù hợp với công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ, công ước về giao thông đường bộ và các quy định chưa phù hợp thực tế hiện nay.

Thứ hai, điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thứ ba, bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đổi với xe mô tô.

Thứ tư, xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.

Thứ năm, xem xét quy định trách nhiệm đăng ký tài khoản ngân hàng của chủ xe ô tô.

Thứ sáu, điều chỉnh hạng giấy phép lái xe phù hợp với Công ước Viên và các vấn đề có liên quan.

Thứ bảy, phân lại các loại hình kinh doanh vận tải, trên cơ sở đó điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải.

Liên quan đến vấn đề thứ tư và thứ năm, bà Nga nói, trong thời gian qua việc sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh vận tải diễn ra khá phổ biến, gây nên tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải, tạo ra bất bình đẳng.

Vì thế, cần có quy định phân biệt giữa phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân để đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, minh bạch, công bằng cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ.

Báo cáo tác động chính sách của Bộ Giao thông vận tải cho rằng quy định phân biệt ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện sẽ làm hạn chế một phần quyền tự do của người dân vì vậy cần được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Không nên phân thành 5 loại hình vận tải ô tô

Một trong những vấn đề Bộ GTVT đề xuất là việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm.

Trong khi các doanh nghiệp taxi ủng hộ, thì ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc điều hành Cty Công nghệ Vận tải An Vui cho rằng, trong bài toán quản trị, taxi truyền thống hay taxi công nghệ, bản chất là đều là loại hình vận tải hành khách.

“Taxi truyền thống cũng cần phải ứng dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho khách hàng. Hành khách cũng muốn biết cung đường mình sẽ đi, số tiền mình phải trả, tài xế là ai…tại sao không ứng dụng mà lại kêu la”- ông Mạnh nói.

Theo ông Mạnh, nếu tư duy làm luật không thay đổi, kính của xe ô tô sẽ không có chỗ tài xế nhìn đường, thay vào đó là tem nhãn, điều kiện… Do vậy, trong dự thảo Luật GTĐB mới, ông đề xuất cần cấp mỗi xe một mã số định danh, đưa vào hồ sơ kiểm định để quản lý thuận tiện hơn.

“Thông qua mã số số định danh, sẽ biết xe này đang chạy thế nào, xe cá nhân hay kinh doanh, có thể thu phí tự động, quản lý hành trình… Nếu xây dựng được hệ thống dữ liệu sẽ tiết kiệm rất nhiều tài nguyên trong tương lai”- ông Mạnh nói.Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần có độ mở để quản lý các loại hình vận tải mới. Do Luật hiện hành chỉ ghi nhận 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, nên cơ quan chức năng buộc phải định danh Uber, Grab vào 1 trong 5 loại hình.

Do đó, ông Thanh đề nghị không cần phân loại loại hình nào cả. Nếu phân loại thì phải thật rõ ràng, chi tiết. Nhưng làm vậy thì không theo kịp sự kiến bộ của khoa học kỹ thuật và cũng không thể chạy theo các loại hình mới sẽ xuất hiện trong thời đại giao thông thông minh. Vì vậy, Nhà nước chỉ nên quy định chung xe có kinh doanh và không kinh doanh.

Tại sao cấm xe này, không cấm xe kia?

Ông Phạm Duy Kính, đại diện VCI Taxi băn khoăn, tại sao có sự bất bình đẳng khi lưu thông trên 1 số tuyến đường, tuyến phố giữa taxi truyền thống và xe Grab, xe này bị cấm nhưng xe kia thì không. Đây là vấn đề cần sự rõ ràng và minh bạch, bởi nếu không sẽ khó đạt được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc cấp giấp phép vận tải hàng hóa còn phiền nhiễu, phức tạp; cấp giấp phép vận tải hàng nguy hiểm còn chưa thống nhất về quản lý gây trở ngại cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí.

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa nhất là loại hình xe container cho rằng quy định về chiều cao tối đa của xe vận tải là 4,2m là không còn phù hợp với thực tiễn. Quy định về tải trọng hàng hóa được phép vận chuyển cũng đang rất phức tạp và không hợp lý.

Quy định xử phạt với lỗi của lái xe và chủ xe còn quá nặng và hiện đang có quá nhiều chặng thu phí BOT dẫn tới dễ gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp…Liên quan đến khái niệm và điều kiện kinh doanh, ông Phạm Minh Sương, Phó chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM nêu một số con số rất đáng chú ý.

Đó là hiện tại có khoảng  218 ngàn xe  ôtô tham gia kinh doanh,  nhưng dù ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thì xe để kinh doanh du lịch cũng chỉ chiếm chưa đến 1%. Xe tuyến cố định chỉ có 19 ngàn chưa đến 9%, xe bus chiếm chưa đến 4%.

Điều này có nghĩa là du lịch là ngành mũi nhọn, vận tải công cộng ưu tiên phát triển nhưng 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ vẫn dậm chân tại chỗ, ông Sương nhận định.

Ý kiến của bạn

Bình luận