Xe ôm - nghề nguy hiểm nhưng hấp dẫn ở Nigeria

24/06/2019 07:40

Xe ôm bị xem là nguy hiểm, nhưng các nhà đầu tư mạo hiểm đang đổ hàng triệu USD vào các startup khai thác dịch vụ vận tải này.

anh-202-4855-1561137099
Xe ôm kẹp 4 ở Lagos. Ảnh: Reuters

Giữa trưa nắng oi ả ở Lagos, Nigeria, Abimbola Thomas cần trở lại nơi anh làm việc. Cơ quan cách chỗ anh ở chỉ 10 km. Vào bất cứ thời điểm nào khác trong ngày, hành trình này chỉ tốn 10 phút, nhưng trong giờ cao điểm buổi trưa thì lại khác. Nếu Thomas đi ôtô, anh có thể sẽ tốn tới 120 phút cho quãng đường này. Để tiết kiệm thời gian, Thomas nhảy lên yên sau của một trong hàng chục chiếc xe ôm đang đợi khách trước các cửa hàng trong trung tâm thành phố. Khi Thomas đã yên vị sau lưng tài xế, chiếc xe tăng ga phóng vụt đi. Al Jazeera, trang tin nổi tiếng của Qatar bắt đầu câu chuyện về nghề xe ôm tại Nigeria - nghề nguy hiểm nhưng thu hút đầu tư.

Chính quyền bang Lagos không chính thức khuyến khích xe ôm, nhưng nhu cầu ngày càng tăng cho việc tìm cách giảm thiểu quãng thời gian di chuyển dài đã khiến số lượng người đi xe ôm ở Nigeria ngày càng nhiều.

Hiện nay, các công ty công nghệ đang nỗ lực giúp những người đi xe như Thomas kết nối với các tài xế xe ôm dễ dàng hơn, bất kể hành khách đó ở đâu. Năm ngoái, một vài ứng dụng vận tải được thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu này đã được ra mắt. Một trong số đó là Gokada.

"Okada" – chủ đề tranh cãi trên đường phố Lagos

Cư dân Lagos gọi những chiếc taxi hai bánh là "okada", bởi chúng nhanh hơn ôtô rất nhiều. Okada là tên của hãng hàng không thương mại tư nhân đầu tiên của Nigeria, Okada Air.

Taxi hai bánh xuất hiện lần đầu tiên tại thủ đô thương mại của đất nước này vào cuối những năm 1990. Trong những năm đầu, okada đã mang tiếng xấu bởi các tài xế lái xe bạt mạng gây ra tai nạn thảm khốc. Sau đó, số vụ tai nạn gãy xương và đứt lìa chi tăng lên quá nhanh, truyền thông địa phương thậm chí đặt biệt danh cho một khoa ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Quốc gia Igbobi là "khoa Okada".

anh-202-4855-1561137099
Xe ôm tông một người đi bộ. Ảnh: Reuters

Ngày nay, những chiếc okada đã an toàn hơn đôi chút bởi bang Lagos đã hạn chế phương tiện này đi vào một số tuyến phố trung tâm.

Dịch vụ vận tải ở châu Phi

Uber đã xuất hiện ở Tây Phi từ 5 năm trước. Kể từ đó các địa phương cũng nỗ lực sao chép thành công mà công ty này đã tạo ra ở Mỹ. Các ứng dụng dịch vụ vận tải dành cho xe máy tỏ ra nổi bật hơn cả bởi chúng đáp ứng được nhu cầu thị trường độc nhất vô nhị ở Nigeria: chỉ có xe máy mới có thể len lỏi vượt qua được đám xe cộ tắc cứng.

Người dùng tải ứng dụng và gọi xe trên smartphone, những chiếc xe máy xuất hiện theo yêu cầu. Tính năng bổ sung cũng cho phép người dùng gọi xe đạp trên phố. Từ khi Gokada ra mắt, ba startup gọi xe khác cũng lần lượt xuất hiện ở Nigeria là Max, SafeBoda và Oride.

Gokada tự hào với hơn 1.000 tài xế. Max, được sáng lập bởi hai sinh viên MIT, cũng nói rằng họ có hơn 1.000 tay lái.

Dự đoán tăng trưởng thị trường ở mức hàng tỷ đô, các nhà đầu tư đã đổ hàng triệu USD vào những startup này. Rise Capital và một tập đoàn kinh tế của những nhà cấp vốn địa phương đã đầu tư 5,3 triệu USD vào Gokada. Công ty này có kế hoạch dùng một phần tiền vào việc mở một "lớp đào tạo kỹ năng lái xe tiên tiến", nhằm thẩm định cùng lúc tới 500 tài xế, bằng cách đó gia tăng gấp 10 lần số các chuyến xe hằng ngày.

Hoạt động trong "vùng xám"

Fahim Saleh, đồng sáng lập kiêm đồng Giám đốc điều hành Gokada, thừa nhận công ty ông tồn tại trong một vùng xám pháp lý.

Saleh cho biết đội ngũ của ông đã lợi dụng một quy định ở Nigeria rằng xe máy với dung tích động cơ lớn hơn 200 phân khối có thể chạy trên tất cả các đường lớn và cao tốc. Một vài xe của Gokada đã bị nhà nước tịch thu do các vi phạm khác, song dịch vụ này vẫn tiếp tục phát triển. "Người ta đã nói nếu bạn có thể làm được ở New York, thì bạn có thể làm được ở bất cứ nơi nào khác", Saleh mỉm cười, gạt bỏ cuộc sống ở Manhattan. "Tôi từng sống ở New York rồi. Nếu bạn có thể làm được ở Nigeria, bạn có thể [thật sự] làm được ở bất cứ đâu!"

"Một Lagos được trang bị công nghệ của tương lai có thể có taxi hai bánh", ông giải thích, nêu các ví dụ ở Đông Nam Á như Go-Jek ở Indonesia và Grab ở Thái Lan. "Gokada không chỉ đang tạo ra những cải tiến nâng cấp, chúng tôi còn đang tiến những bước nhảy vọt nhằm đảm bảo rằng các tài xế của chúng tôi được an toàn, bao gồm việc đào tạo hàng tuần, trang bị các thiết bị an toàn tiêu chuẩn, theo dõi hành vi của lái xe bằng công nghệ, sàng lọc sâu, đội ngũ bác sĩ phản ứng nhanh tại chỗ, và nhiều hơn nữa. Chúng tôi thực lòng quan tâm tới các tài xế và khách hàng của chúng tôi".

Nỗi lo của Saleh đã được bảo đảm. Theo Cục Thống kê Nigeria, có 747 xe máy liên quan đến tai nạn giao thông trong quý 4 năm 2018. Nghĩa là trung bình cứ 5 vụ tai nạn thì hơn một vụ liên quan đến xe máy.

Cái giá của lãn công

Người dân Lagos gọi ách tắc giao thông là sự lãn công (hành vi cố tình làm việc lười biếng). Hầu hết người dân dành nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày làm việc để tham gia giao thông. Và cái giá của sự trì trệ vô cùng to lớn. Theo một cựu công chức bang Lagos, mỗi năm, tình trạng lãn công đánh cắp 42 tỷ naira (11,6 triệu USD) sản lượng kinh tế của thành phố.

anh-4-9871-1561137099
Tắc đường ở Lagos. Ảnh: Reuters.

Để lý giải được điều này cần dựa vào địa lý của Lagos. Với diện tích khoảng 3.600 km2, Lagos là bang nhỏ nhất ở Nigeria. Tuy nhiên, có tới hơn 18 triệu người sống tại thành phố này. 5 triệu người đăng ký phương tiện giao thông – 200 phương tiện trên một kilomet – nhồi nhét trong 9.100 con đường và cao tốc ở thành phố này mỗi ngày.

Chỉ cần đưa tôi tới công ty

Abimbola Thomas hiện đã quen với cảm giác adrenaline dâng trào mỗi lần đi xe máy. Anh chạm vào ứng dụng trên màn hình smartphone và gọi một chiếc xe ôm. Xe đến chỉ trong vòng vài phút và đưa anh tới cơ quan đúng giờ. "Ở Lagos, xe máy thuận tiện hơn nhiều", anh nói với theo khi chiếc xe tăng tốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận