Xe ôm 'môbai', tạp hóa 'Zalo' và những người khốn khổ

Doanh nghiệp 05/02/2017 04:56

23 tháng Chạp, bến xe Giáp Bát đã tấp nập những người tay xách nách mang về quê ăn Tết. Ở một góc vỉa hè, ông Tuấn (quê Lý Nhân, Hà Nam) cùng mấy người bạn lái xe ôm đang ngồi không. Họ nhìn những dòng người đi qua vội vã mà tiếc nuối, bởi giờ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh như xe ôm "mô bai".


 

Xe ôm 'môbai', tạp hóa 'Zalo' và những ngư
Xe ôm truyền thống đang dần mất khách vì Grab, Uber

Từ xe ôm "mô bai"...

Hơn 5 năm làm nghề lái xe ôm tại bến xe, ông Tuấn chưa bao giờ cảm thấy Tết buồn như năm nay. Mưu sinh làm nghề lái xe để có thêm thu nhập cho gia đình ở quê, ông Tuấn dành phần lớn thời gian trong ngày ở bến xe, rồi rong ruổi khắp đường to, ngõ nhỏ ở Hà Nội. 

Khách đi xe, phần lớn là người dân các tỉnh đổ về Thủ đô. Ngày chăm chỉ và may mắn, ông kiếm được dăm trăm, còn không cũng đủ để xăng xe, có bữa cơm và tiền nhà trọ. So với ở quê, thu nhập của ông cũng là khấm khá lắm rồi.

Tuy nhiên, giờ số tiền ông Tuấn nhận được mỗi ngày càng ít đi, mà công việc lại phải vất vả hơn. Để có được một khách hàng, ông không chỉ cạnh tranh với anh em lái xe ôm hùng hậu ở bến xe mà còn có thêm một quân mới là Uber và Grab.

Thời gian đầu, ông chỉ nghe loáng thoáng về một loại hình dịch vụ xe ôm trên mạng. Ông từng nghĩ rằng, câu chuyện xe ôm “mô bai” đó sẽ chẳng ảnh hưởng tới mình. “Các anh trẻ thì bắt khách trẻ qua điện thoại còn tôi già mù công nghệ thôi cứ dùng lời nói để có khách hàng, cả mấy năm nay làm vậy có sao đâu”, ông Tuấn từng chia sẻ.

Nhìn những hành khách vừa đi ra đã cầm chiếc điện thoại trên tay, chỉ trong vài phút sau họ đã có lái xe tới đón, ông Tuấn cảm thấy bất lực. Những lời mời chào mặc cả của ông không còn có giá trị. Ông buồn và hoang mang: “Nếu ai cũng dùng điện thoại di động để gọi lái xe thì rồi mình sẽ kiếm tiền bằng gì đây”.

Sự chênh lệch lớn về cước vận chuyển, về thái độ phục vụ cũng như độ tiện dụng, an toàn, xe ôm “mô bai” cạnh tranh khốc liệt với xe ôm truyền thống. Đối tượng khách hàng của xe ôm truyền thống ngày càng bị thu hẹp, từ đó, không ít những xung đột. Cách đây không lâu, ông đã nghe chuyện cánh lái xe ở Hà Đông từng chặn đánh một cậu lái xe Grab vì họ tranh khách của mình, hay có bác lái xe ôm già như ông đã phải ra mặc cả lấy giá như Uber để có được một cuốc xe.

... đến bán hàng qua Zalo

Sự ảnh hưởng của công nghệ tới cuộc sống của người dân ngày càng lớn. Nó không còn là câu chuyện của những người trẻ, dân công sở hay sinh viên mà ngay cả những người lái xe ôm hay bà bán tạp hoá vỉa hè cũng đang phải thay đổi. 

2 Xe ôm 'môbai', tạp hóa 'Zalo' và những ng
Bà tạp hoá lên đời công nghệ để cạnh tranh với cửa hàng tiện ích, bán hàng online

Bà Nguyễn Thị Vui (KĐT Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội) vừa nâng cấp chiếc điện thoại di động để vào zalo bán hàng cho khách. Bà vui vẻ: “Giờ cái gì cũng ới nhau qua điện thoại, mình cũng phải thay đổi theo thời thế để phục vụ khách hàng”.

Giờ đây, khách hàng muốn mua gì chỉ cần nhắn tin hay gọi qua zalo, chỉ vài phút sau bà đã cho người mang đồ tới tận cửa chung cư. Theo bà Vui, hàng loạt các cửa hàng tiện ích ra đời rồi siêu thị, chưa kể bán hàng trên mạng nở rộ, chính vì thế việc học tập công nghệ để phục vụ buôn bán như bà là tất yếu. Việc đầu tư thêm chiếc điện thoại smartphone không tốn là bao nhiêu nhưng trở thành công cụ đắc lực. 

Hàng ngày, thỉnh thoảng rảnh bà lại chụp ảnh vài món đồ của cửa hàng đăng lên facebook của chung cư để giới thiệu cho mọi người. Cũng nhờ chiếc điện thoại di động này, bà biết được nhiều hơn các thông tin của từng gia đình trong chung cư.

Trong đợt in biển hiệu cửa hàng vừa rồi, bà còn yêu cầu nhân viên kỹ thuật chèn cả địa chỉ Facebook và Zalo của bà. Bà Vui chia sẻ, nhờ chiếc điện thoại di động mới này mà công việc kinh doanh cũng tiện lợi hơn và giữ chân được khách hàng.

3 Xe ôm 'môbai', tạp hóa 'Zalo' và những ng
Ứng dụng Zalo trên smartphone được áp dụng để truy xuất nguồn gốc rau.

Bước nhảy công nghệ và cú ngã cho ai chậm chân

Một câu chuyện khác về người nông dân ở phía Nam. Trước đây, khi tham gia trồng rau cung cấp cho các siêu thị, họ chỉ cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của cơ quan chức năng nhưng giờ đây muốn bán được hàng họ phải mất thêm công chụp ảnh, quản lý mọi thứ bằng điện thoại và máy tính.

Mỗi loại cây trồng đều có một mã số riêng được cơ quan chức năng cung cấp. Từ khi trồng tới thu hoạch trải qua nhiều công đoạn, người nông dân bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, họ còn phải chụp ảnh, cập nhật dữ liệu lên mạng. Đây là yêu cầu mới để đảm bảo cho những mớ rau, củ quả đều có nhật ký riêng.

Các hợp tác xã tham gia mô hình truy xuất nguồn gốc rau hiện đã tiếp nhận hệ thống in mã vạch và thực hiện in, dán tem mã vạch trên mỗi bao bì sản phẩm. Người tiêu dùng sử dụng ứng dụng Zalo trên smartphone (dùng hệ điều hành Android hoặc các phần mềm quét mã QR code trên điện thoại thông minh) để truy xuất nguồn gốc rau.

Tuy công việc có vất vả hơn nhưng người nông dân sẽ được thu nhập cao hơn. Để bán được hàng, họ đều rất vui khi áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp không còn cảm thấy phiền toái như trước kia. 

Có thể nói, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ mở ra nhiều cơ hội song nó cũng là một thách thức không nhỏ cho những ai không thay đổi kịp. Ông Tuấn lái xe ôm - ngoài thời gian chạy xe, ông đang mày mò sử dụng facebook và zalo để thử cách làm ăn mới.

Ý kiến của bạn

Bình luận