Bất chấp biển cấm 13 tấn được đặt tại hai đầu cầu, hàng đoàn xe tải từ có trọng tải trên 50 tấn vô tư băng qua cầu Đuống mà không hề gặp bất kỳ trở ngại nào. |
Hàng trăm lượt xe tải hàng chục tấn vẫn vô tư vượt qua cầu Đuống mỗi ngày, bất chấp lệnh cấm xe tải nặng hơn 13 tấn đi qua cầu. Nguy cơ sập cầu Đuống treo lơ lửng khi chiếc cầu này đã thuộc vào hàng “quá đát”.
Trong nhiều ngày liên tiếp “mục sở thị” tại cầu Đuống, PV Tạp chí GTVT “được” nếm trải cảm giác “run bần bật” khi những xe ô tô “siêu tải” cứ ầm ầm qua cầu khiến cầu đu đưa, chao đảo rất mạnh. Nhiều người dân cho biết hằng ngày, cầu Đuống “oằn mình” cõng hàng trăm lượt xe khách, xe tải nặng hàng chục tấn vẫn vô tư cày xéo, thậm chí ngay vào các giờ cao điểm từ sáng đến tối.
Nhìn bằng mắt thường, cũng có thể nghi ngờ xe chở vật liệu không chở đúng tải trọng. Đập vào mắt người lưu thông trên cầu Đuống khiến vật liệu xây dựng rơi vãi, sóng trâu xuất hiện, ổ gà lởm chởm…
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hạnh (thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) bức xúc: “Cầu đã quá yếu nên việc cấm xe tải nặng đi qua cầu là cần thiết, chỉ không hiểu sao chúng tôi vẫn thấy bóng CSGT mà xe tải, xe khách vẫn ngang nhiên vượt cầu”.
Mỗi khi xe tải trọng lớn chạy qua, toàn bộ mặt đường cầu Đuống rung lắc, chao đảo |
Trước tình trạng xe quá tải lộng hành, vào năm 2009, cầu Đuống (Hà Nội) đã xảy ra sự cố mặt cầu dầm số 4 bị sụt lún, rạn nứt cực kỳ nguy hiểm. Theo báo cáo của Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải, cầu Đuống đã xuống cấp nghiêm trọng, với hơn 38 tấm đan rạn nứt, trong đó hơn một nửa bị sụt nguy hiểm.
Tiếp đó, vào cuối tháng 11-2017, cầu Đuống đã xuất hiện bốn vết nứt trên vỏ mố cầu, mỗi vết dài khoảng 7m, hở rộng 8-15cm. Ngoài ra, tại khu vực cầu Đuống đã xuất hiện một vết nứt chạy dọc theo đê Bắc sông Đuống khoảng 40m.
Tại thời điểm này, trên mặt cầu, lan can nhiều chỗ đã bong lớp bê tông bên ngoài, phơi ra những lõi thép cong gỉ, nhiều vị trí đã bị rời khỏi thành cầu. Giữa lan can và mặt cầu có nhiều điểm bị nứt toác, mặt cầu lồi lõm, gập ghềnh… Phía dưới gầm cầu, một số vị trí lớp bê tông ốp cầu bị bong tróc và rơi xuống, nhiều vị trí khác thép trơ ra và gãy rời. Dưới sông, trụ cầu được giằng lại bởi đủ các loạt sắt thép.
“Số phận” của cầu Đuống đang “ngàn cân treo sợi tóc“ trước tình trạng xe quá tải lộng hành |
Tại Chỉ thị số 32/CT – TTg ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trách nhiệm kiểm soát tải trọng phương tiện xe ô tô giao cho các bộ, ngành chức năng như Bộ GTVT, Công an, chính quyền địa phương. Nhưng thời gian gần đây, tuyến đường cầu Đuống, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự… xe quá khổ, quá tải, xe cơi nới thành thùng không những không được kiểm soát mà còn có biểu hiện “bùng nổ” trở lại. Rõ ràng, Chỉ thị số 32/CT – TTg còn chưa “thấm” đến đây. Mà cơ quan quản lý, xử lý trên các tuyến đường này là Đội CSGT số 5 lại đang “ngó lơ” trách nhiệm?.
Để chấm dứt tình trạng trên, thiết nghĩ các Đội CSGT số 5 - CA TP Hà Nội và Đội TTGT huyện Gia Lâm sớm vào cuộc kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng các xe quá khổ quá tải ngang nhiên tung hoành trên cầu Đuống, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Làm rõ các hành vi bao che của lực lượng chức năng (nếu có) mới mong chấm dứt được thực trạng này.
Theo thông tin từ Đội Thanh tra giao thông Gia Lâm (Sở GTVT Hà Nội), từ này 29/5 đến 13/6/2018, lực lượng TTGT đã lập biên bản xử lý 12 xe chở quá tải qua cầu Đuống. Với mức vi phạm nói trên, các tài xế bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 17 triệu đồng và tước GPLX từ 1 đến 2 tháng. Ngoài ra, theo thống kê của TTGT đội Gia Lâm, từ đầu năm đến nay đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quá tải, vệ sinh môi trường với số tiền gần hàng trăm triệu đồng. |
Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.