Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc gọi điện đến đường dây nóng của Tạp chí GTVT trao đổi về một số những bất cập trong việc đào tạo lái xe ô tô theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành và kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho thí điểm việc đào tạo lái xe trình độ sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Liên quan đến vấn đề này Tạp chí GTVT đã liên hệ với đại diện Cục Đường bộ Việt Nam và nhận được câu trả lời như sau:
Hình thức đào tạo
Theo quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề nói chung gồm 2 hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên được quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 3 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, cụ thể:
"Đào tạo chính quy là hình thức đào tạo theo các khóa học tập trung toàn bộ thời gian do cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp) thực hiện để đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Đào tạo thường xuyên là hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, được thực hiện linh hoạt về chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm đào tạo, phù hợp với yêu cầu của người học.".
Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 33/2018/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn quy định:
"Đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn là hình thức đào tạo nghề nghiệp Không tập trung theo đó người học chủ yếu tự học qua các học liệu (giáo trình, băng hình, ứng dụng đa phương tiện trên các thiết bị điện tử, bằng việc sử dụng các thiết bị các phương tiện nghe nhìn, phát thanh, truyền hình, các tổ hợp truyền thông đa phương tiện, mạng Internet) dưới sự tổ chức, trợ giúp của nhà giáo, nhà trường. Việc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn có thể thực hiện đối với từng môn học, mô đun, tín chỉ hoặc có thể thực hiện đối với cả chương trình đào tạo".
Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào cơ sở vật chất, ngành nghề đào tạo để lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp.
Quy định về đào tạo lái xe
Do công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, an toàn giao thông đường bộ, nên nghề đào tạo lái xe ngoài việc chấp hành các quy định chung về pháp luật dạy nghề còn phải chấp hành các quy định riêng để đáp ứng yêu cầu quản lý, được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 61 Luật Giao thông đường bộ:
"Cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề, phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được giấy cấp phép theo quy định.
Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình quy định cho từng loại, hạng giấy phép lái xe. Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1 phải được đào tạo. Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo.".
Theo đó, người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1 có thể tham gia các khóa đào tạo theo phương thức đào tạo không tập trung hoặc đào tạo từ xa hoặc đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe; người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo.
Đối với công tác đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1 các cơ sở đào tạo lái xe chủ động xây dựng chương trình đào tạo lái xe theo hình thức không tập trung hoặc đào tạo từ xa hoặc đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe, để đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe phù hợp với từng đối tượng đào tạo theo quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo lái xe nói riêng; đối với công tác đào tạo lái xe các hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F các cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình đào tạo lái xe theo hình đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe theo quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo lái xe nói riêng.
Cũng theo Cục Đường bộ Việt Nam, qua 13 năm triển khai đào tạo lái xe các hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F theo hình thức tập trung, đến nay nội dung đào tạo phần Lý thuyết không còn phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại 4.0 với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đã và đang được các quốc gia trên thế giới nghiên cứu triển khai mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả tích cực cho đổi mới sáng tạo dạy và học.
Do vậy, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) xem xét sửa đổi nội dung này; theo đó, cho phép người có nhu cầu học lái xe có thể lựa chọn hình thức đào tạo từ xa hoặc tự học có hướng dẫn đối với nội dung đào tạo phần Lý thuyết, để thống nhất với quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp nói chung, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.