Xóa cơ chế "xin - cho" trong kinh doanh vận tải

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 21/12/2015 06:34

Năm 2015, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện (KSTTPT), quản lý giá, nâng cao chất lượng và dịch vụ vận tải... Điều này góp phần cải thiện môi trường kinh doanh vận tải và cạnh tranh quốc gia.

1_mkou

Bước đột phá kinh doanh vận tải

Dưới góc nhìn từ các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (HHVTOTVN) cho rằng, trong năm vừa qua, ngành GTVT Việt Nam đã có những bước đột phá quan trọng, được Quốc hội, Chính phủ, người dân, doanh nghiệp… ghi nhận và đánh giá cao. Cụ thể, hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể với việc thu hút nhiều nguồn vốn BOT; nhiều dự án giao thông trọng điểm cán đích sớm, tạo điều kiện cho phát triển chung của toàn Ngành cũng như người dân và doanh nghiệp; TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí; nhiều chính sách mới của Bộ GTVT được dư luận quan tâm và ủng hộ. Đặc biệt, việc hoàn thành sớm hai dự án trọng điểm QL1 và QL14 mang lại niềm vui lớn cho giới kinh doanh vận tải, góp phần hạ chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và đa dạng hóa mạng lưới vận tải khách.

Cùng với những thành quả đạt được trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, trong năm vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63 đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của đông đảo doanh nghiệp vận tải.

Người đứng đầu HHVTOTVN cho rằng, những nội dung bổ sung, sửa đổi Thông tư 63 được nêu trong Thông tư 60 đã chứng tỏ, vị “tổng tư lệnh” ngành GTVT đã lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị mà các doanh nghiệp trình bày tại các buổi đối thoại trực tuyến, đặc biệt ở Hội nghị Đối thoại giữa Bộ trưởng và các doanh nghiệp vận tải được tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua tại Hà Nội. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, sự tâm huyết của người đứng đầu ngành GTVT với sự sống còn và phát triển của lĩnh vực vận tải.

Thông tư 60 được xem là bước đột phá lớn trong việc tổ chức quản lý trong việc cải cách hành chính, đồng thời giảm tối đa các khoản chi phí không cần thiết trong quá trình đăng ký khai thác tuyến của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc Bộ GTVT đồng ý bỏ chấp thuận tuyến là bước đột phá để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phát triển. Sự khác biệt cơ bản của quy định bỏ chấp thuận tuyến được Bộ thông qua là việc công khai quy hoạch chi tiết trên từng tuyến vận tải. Điều này góp phần ổn định thị trường vận tải và xóa được cơ chế “xin - cho”, quan liêu, bao cấp.

 “Nhiều doanh nghiệp vận tải của Hiệp hội cho biết, việc Bộ GTVT yêu cầu bỏ chấp thuận khai thác xe khách tuyến cố định hai đầu tuyến sẽ tạo điều kiện, thông thoáng về mặt thủ tục, đơn giản, rút ngắn thời gian đăng ký cho doanh nghiệp. Nhưng, Bộ GTVT cần hoàn thiện bộ quy chuẩn cho doanh nghiệp khi đăng ký tuyến với những tiêu chí bắt buộc, đó là: Phải đăng ký trong luồng tuyến được cấp có thẩm quyền công bố, không thể đăng ký vu vơ, không có trong quy hoạch”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh phấn khởi cho biết, Hiệp hội là cơ quan đứng ra chủ trì tập huấn cho các doanh nghiệp. Trong đó, công tác tập huấn cho lái, phụ xe sẽ tùy vào điều kiện của từng doanh nghiệp để triển khai. Những doanh nghiệp lớn, đủ năng lực có thể tự tổ chức, không cần đến sự chủ trì của Hiệp hội cơ sở. Các doanh nghiệp nhỏ có thể đề nghị Hiệp hội cơ sở tổ chức, trong trường hợp địa phương chưa có Hiệp hội cơ sở, doanh nghiệp đề nghị trực tiếp Hiệp hội Trung ương tổ chức tập huấn.

Hiến kế “chữa bệnh nan y” trong lĩnh vực vận tải

Kể từ khi Bộ GTVT có chủ trương xã hội hóa lực lượng vận tải, đổi mới công tác quản lý vận tải, các thành phần kinh tế đã phát triển mạnh mẽ, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với sự phát triển của lực lượng vận tải, công tác quản lý hoạt động vận tải cũng đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng được hoàn thiện.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ vận tải và ATGT, làm hạn chế những thành công trong quá trình phát triển của vận tải đường bộ. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chở quá tải… diễn ra phổ biến. Hiện tượng “xe dù”, “bến cóc”, đón trả khách không đúng nơi quy định, tranh giành khách, bán khách, bảo kê xe khách… vẫn tồn tại; công tác quản lý nhà nước về vận tải tuy không ngừng được hoàn thiện và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa thật sự được đổi mới, chưa theo kịp với sự phát triển và những diễn biến của hoạt động vận tải; công tác quản lý của các đơn vị vận tải còn nhiều yếu kém; TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do xe ô tô gây ra còn chiếm tỷ lệ cao và chưa có chiều hướng giảm.

Để khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành Vận tải một cách ổn định, theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn với chất lượng dịch vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều hiệp hội vận tải cơ sở thẳng thắn đề xuất với Bộ GTVT một số vấn đề còn nổi cộm trong thời gian vừa qua.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch HHVTOT Hà Nội nêu quan điểm: "Hiện nay, tình trạng "xe dù", "bến cóc" ở các thành phố lớn đang có những diễn biến bất thường và chưa có dấu hiệu đi vào nền nếp. Hệ lụy của vấn nạn “xe dù” núp bóng chạy tuyến cố định đã phá vỡ các quy hoạch về bến bãi vận tải hành khách tại các thành phố lớn, gây UTGT, tệ nạn phát sinh do xe vào nội thành gây mất an ninh xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vào bến làm ăn chân chính, bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư bến bãi theo đúng quy hoạch của Nhà nước. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT cần tiếp tục rà soát và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà xe thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 86 và Thông tư 60, trong đó xe hợp đồng, du lịch phải báo cáo về việc thực hiện hợp đồng, từ đó làm cơ sở xử lý vi phạm đối với những xe cố tình vi phạm”.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần sớm xây dựng được bộ quy chuẩn hợp quy để đánh giá được chất lượng vận tải đối với xe khách, hướng tới xây dựng thành công các doanh nghiệp, tập đoàn vận tải kiểu mẫu, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong tình hình mới.

Đại diện HHVTOT Quảng Bình lại có góc nhìn khác: Trong thời gian tới đây, ngành GTVT cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải; xử phạt mạnh thông qua thông tin cung cấp từ thiết bị giám sát hành trình; các bến xe cần đẩy mạnh thực hiện bán vé điện tử và tổ chức thường xuyên đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải…

Liên quan tới việc Bộ GTVT triển khai sàn vận tải Việt Nam trong năm 2015, đại điện HHVTOTVN hồ hởi cho rằng: “Nhiều quốc gia trong khu vực đã triển khai sàn giao dịch vận tải và lợi ích mang lại rất hữu ích cho người dân và doanh nghiệp. Sàn giao dịch giúp công khai minh bạch nhu cầu vận tải, nhu cầu cần tới vận tải và khả năng cung ứng của các đơn vị vận tải. Đây có thể là "cú hích" tiên phong trong việc xây dựng nền vận tải cạnh tranh lành mạnh”.

“Về phía Hiệp hội, chúng tôi rất mong sự ra đời và phát triển của sàn giao dịch vận tải. Trong vai trò, trách nhiệm của mình, Hiệp hội VTOTOVN sẽ tích cực động viên các hội viên tham gia và sẵn sàng tham gia đóng góp ý kiến soạn thảo các văn bản liên quan đến hoạt động sàn giao dịch” - ông Thanh cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận