Nghi lễ cầu nguyện trong Đại lễ Cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2016. |
Nỗi đau mang tên TNGT
Hàng năm, các Đại lễ của nhà Phật được tổ chức để cầu mong những điều tốt đẹp diễn ra với niềm hoan hỉ của hàng triệu nhân dân khắp cả nước. Nhưng khác với những Đại lễ khác, Đại lễ Cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT được tổ chức trong 5 năm qua lại mang nhiều dòng nước mắt chảy dài theo năm tháng. Đó là những dòng nước mắt đau xót tột cùng của những người đã mất đi điểm tựa trong cuộc sống và những giá trị yêu thương, ngọt ngào nhất trong cuộc đời.
Tại Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2016 được tổ chức tại chùa Yên Tử, Tp. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh ngày 13/11, những nét mặt trầm lặng và những ánh mắt xa xăm mang nặng nỗi buồn đau thương xót khiến những ai có mặt ở đây đều cảm thấy ngậm ngùi. Khi tiếng chuông cử hành Đại lễ vang lên, cũng là lúc xuất hiện những bàn tay vội vã đưa lên mặt để cố kìm nén lại những giọt nước mắt và cả nỗi đau mang tên tai nạn giao thông.
Những bàn tay gạt vội dòng nước mắt đớn đau do TNGT tại Đại lễ Cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2016. |
Với giọng nói thi thoảng nghẹn lại, ông Vũ Văn Thắng ở phường Yên Thanh, Tp. Uông Bí chia sẻ, TNGT đã cướp đi sinh mạng của đứa con trai mà ông hết mực yêu thương. Với ông, người con trai đã không còn ấy vốn dĩ là lẽ sống, là nguồn sống, là tất cả cuộc đời ông. Ông đặt ra tôn chỉ cho cuộc đời mình là luôn nỗ lực và sẵn sàng hy sinh bản thân để dành cho con cái những giá trị tuyệt vời nhất trong cuộc đời.
Ông Vũ Văn Thắng ở phường Yên Thanh, Tp. Uông Bí có người con trai tử vong sau va chạm với xe tải đâm trên đường trở về nhà khi hết giờ làm. |
Nhớ lại ngày ấy, ông Thắng cho nói: “Cả cuộc đời tôi phút chốc sụp đổ hoàn toàn trước mắt khi nghe tin đứa con trai của tôi bị một chiếc xe tải cán chết. Lúc ấy, cả nhà đang chờ nó về nhà ăn cơm sau giờ làm”.
Dù đã 6 năm trôi qua hay bao nhiêu năm nữa, nỗi đau ấy vẫn chưa từng vơi đi mà ngày càng xót xa hơn. “Trước đây, tôi vẫn luôn chăm lo cho nó dù cho nó đã lớn, đã là công nhân. Và ngay cả bây giờ nó không còn nữa, nhưng tôi cũng vẫn lo lắng lắm, lo nó có được bình an ở nơi suối vàng hay không. Thế nên tôi đến đây để cầu mong sự siêu thoát, bình an sẽ đến với linh hồn đứa con trai tôi”, ông Thắng nghẹn lời chia sẻ.
Cùng chung nỗi niềm đau xót, bà Bùi Thị Linh ở Khu 4 phường Đông Triều, Tp. Quảng Ninh có mặt tại Đại lễ từ rất sớm để cầu nguyện cho người em trai và em dâu của mình. Mang theo nỗi đau của cả gia đình đến Đại lễ, bà Linh chia sẻ, do bất cẩn của người tài xế lái xe tải, “hung thần xa lộ” ấy đã va vào vợ chồng người em trai bà khiến cả 2 ra đi mãi mãi. Trong 4 năm kể từ ngày ấy, bên cạnh nỗi đau tột cùng khi mất đi 2 người thân trong gia đình thì những cực nhọc và khốn khó kéo theo cũng rất thương tâm.
Vợ chồng em trai bà Bùi Thị Linh ở Khu 4 phường Đông Triều, Tp. Quảng Ninh tử vong do TNGT để lại đứa con thơ và cha mẹ già sống những ngày tháng khốn khó. |
“Gia đình tôi từ đó cũng rơi vào cảnh khốn khó vô cùng. Đứa cháu tôi khi ấy mới học lớp 6 đã phải trải qua những tháng năm đau khổ và khó khăn trong cuộc sống khi mất cả cha lẫn mẹ cùng lúc. Cả bố mẹ tôi cũng vậy. Ngưỡng tưởng, đứa con trai đã trưởng thành, có gia đình, có vợ con thì sẽ là điểm tựa vững chắc lúc tuổi già, ấy vậy mà giờ lại tiếp tục phải cố gắng nuôi đứa cháu thơ dại đơn côi”, bà Linh ngậm ngùi giãi bày.
Bà Linh cũng bày tỏ: “Những năm qua, các hoạt động tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT cũng như Đại lễ Cầu siêu được tổ chức đã an ủi được phần nào nỗi đau của gia đình, giúp bố mẹ tôi và cháu nhỏ có thêm động lực vững vàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tôi mong muốn Ủy ban ATGT Quốc gia, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các tổ chức xã hội sẽ tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn nữa để giảm bớt đi những cảnh đời khốn khó vì TNGT”.
Phía sau TNGT là những ánh mắt đau đớn cùng những dòng nước mắt chảy dài theo năm tháng. |
Trên thực tế, trong xã hội ta còn hàng vạn người đang gánh chịu những nỗi đau cùng cực ấy. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi ngày trôi qua, TNGT lại cướp đi khoảng 24 sinh mạng và khiến gần 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời.
Phía sau nỗi đau TNGT là những tiếng khóc than ai oán thấu tận trời xanh, là ánh mắt tuyệt vọng của những nạn nhân không còn khả năng lao động, là những em nhỏ mất đi cơ hội đến trường, những bậc cha, mẹ già không còn nơi nương tựa…. Cùng với đó là nguy cơ đói nghèo, là sự xói mòn những thành quả phát triển kinh tế, là sự sợ hãi lan tỏa trong xã hội, làm tổn thương nghiêm trọng hình ảnh yên bình, thân thiện của đất nước. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với một dân tộc đang sống trong hòa bình.
Hãy lái xe với khát vọng sống bình an
Xét trên góc độ sâu sắc của Phật pháp, Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ, sống chết là lẽ đương nhiên của kiếp người hữu hạn trên cõi đời này. Nhưng đối với sự sống thì ai cũng muốn được sống, còn đối với sự chết, thì không mấy ai chấp nhận. Tuy nhiên, con người lại rất hay bất cẩn khi tham gia giao thông, cũng như không tôn trọng luật pháp, phát luật TTATGT, không tôn trọn và bảo vệ tính mạng của chính mình và của người khác. Vì thế, đã biết bao người phải chết, và biết bao người bị thương tật suốt đời vì TNGT.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhìn nhận, những năm gần đây, số lượng người chết mỗi năm đều giảm so với năm trước. Tuy nhiên, trong năm nay xảy ra nhiều vụ TNGT rất thảm khốc, đặc biệt nghiêm trọng và thương tâm.
“Đây là lời cảnh báo nguy cấp mà mọi người trong xã hội có trách nhiệm phải quan tâm, nỗ lực tuyên truyền, phát động mạnh mẽ hơn nữa thành cao trào bảo vệ luật pháp, nghiêm chỉnh chấp hành luật Giao thông, an toàn xã hội, giữ gìn tính mạng như là giữ gìn hơi thở và trong mắt của mọi người, trong cuộc sống hôm nay và mai sau”.
Thượng tọa cho rằng, thái độ không tôn trọng pháp luật, không tôn trọn sự sống và không tôn trọng cộng đồng xã hội là nguyên nhân gây ra TNGT khiến bao cảnh con xa cha, vợ xa chồng, anh xa em, gia đình ly tán, đau thương trên nơi.
Theo đạo lý nhà Phật, vấn đề Nhân quả là chính. Tránh được nhân, thì quả không có. Từ đó, nếu áp dụng luật nhân quả, chúng ta sẽ nhận ra rằng: “Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn. Lùi một bước, thoát được tai ương”.
“Hãy lái xe với khát vọng sống bình an”, đó là lời kêu gọi của Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cùng với đó, Thượng tọa nhắn nhủ, người tham gia giao thông hãy lái xe bằng chính trái tim yêu thương, tâm hồn bình tĩnh, nhiếp tâm phải có sự thức tỉnh, chính niệm. Nói khác đi, nếu tôn trọng luật pháp, luật ATGT thì không phải chịu quả báo xấu, đưa đến tán thân, mất mạng, đau thương, tang tóc, chia ly, mà sẽ bảo vệ được tính mạng cho chính mình, cho người khác và cộng đồng xã hội, tạo được nét đẹp văn hóa, văn vinh, ATGT trên mọi nẻo đường đất nước Việt Nam.
Hiện nay, công tác tuyên truyền về ATGT đang được chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở Tự viện, Học viện Phật giáo Việt Nam, các Trường Phật học, các giảng sư, Pháp sư Giáo hội Phật giáo Việt Nam lồng ghép vào các thời giảng, các chương trình sinh hoạt tập thể để vận đồng Phật tử, đồng bào các giới hiểu rõ hơn, có trách nhiệm hơn trong công tác ATGT hàng ngày.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.