Theo MIT TechnologyReview, một nghiên cứu mới cho hay, nếu chúng ta không bắt đầu cắt giảm khí thải CO2 sớm, thế hệ trẻ ngày nay của chúng ta sẽ phải tốn một khoản tiền lên đến 535 nghìn tỷ USD để thanh lọc khí quyển tính đến năm 2100. Con số này đồng nghĩa với khoảng bảy lần giá trị của toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Ngược lại, nếu thế giới bắt đầu cắt giảm lượng khí thải với mức 6% mỗi năm cho tới năm 2021, thì sẽ chỉ tốn từ 8 cho đến 18,5 nghìn tỷ USD để lọc vừa đủ lượng khí thải các-bon mà vẫn tránh được những mối nguy hiểm tồi tệ nhất có thể đến từ sự biến đổi khí hậu, hoặc 100 tỷ USD mỗi năm ở mức thấp.
Từ lâu chúng ta đã biết rằng việc cắt giảm phát thải khí nhà kính bằng cách chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch chắc chắn sẽ rẻ và ít rủi ro hơn so với bất kỳ phương pháp kỹ thuật lọc khí CO2 chưa qua kiểm nghiệm nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu được dẫn dắt bởi một nhà nghiên cứu khí hậu nổi tiếng trên thế giới, James Hansen, giáo sư của Viện Địa cầu Columbia, đã tìm kiếm những con số cứng rắn để tăng thêm trọng lượng về mặt khoa học cho một vụ án được theo dõi chặt chẽ, trong đó có 21 nguyên đơn đã kiện chính phủ liên bang vì sự thiếu thỏa đáng trong việc chống biến đổi khí hậu. Đầu năm nay, một thẩm phán ở Oregon đã ra phán quyết rằng vụ việc có thể sẽ tiến triển.
Hansen, là một nguyên đơn trong vụ kiện đó, được nhiều người coi là "cha đẻ" của nghiên cứu về khí hậu, nhờ nghiên cứu mô hình hóa của ông với tư cách là một nhà khoa học tại NASA và lời khai của ông tới quốc hội, được cho là đã thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng đến vấn đề sự nóng lên của Trái đất.
Tuy nhiên, theo nhiều cách, cuộc nghiên cứu này là một thí nghiệm tưởng tượng (thought experiment) nhiều hơn là một dự đoán về kết quả trên thực tế. Thật vậy, có một số lý do tại sao nó có thể đánh giá quá cao các chi phí cuối cùng.
Đáng chú ý là viễn cảnh đầu tiên của nghiên cứu giả định rằng lượng khí thải CO2 sẽ tiếp tục tăng lên 2% mỗi năm xuyên suốt thế kỷ. Tuy nhiên,có những dấu hiệu đáng khích lệ rằng mọi chuyện sẽ không tồi tệ đến vậy. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lượng khí thải toàn cầu đã được giữ nguyên trong vòng 3 năm qua. Hơn nữa, gần 200 quốc gia đã ký kết hiệp định về khí hậu ở Paris, cam kết cắt giảm đáng kể lượng phát thải trong những năm tới - cụ thể, xuống 40% dưới mức năm 1990 cho đến năm 2030 đối với Liên minh châu Âu EU.
Đã đến lúc cắt giảm khí CO2
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy để viễn cảnh đầu tiên xảy ra sẽ đòi hỏi phải trích xuất hơn 1.000 gigaton carbon dioxide, so với 150 gigaton nếu chúng ta bắt đầu cắt giảm lượng khí thải này cho tới năm 2021, trong đó, theo ước tính, 2/3 lượng khí thải có thể được hấp thụ vào khí quyển thông qua các hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp tốt hơn.
Lượng còn lại trong cả hai trường hợp sẽ phải được giải quyết thông qua một số công nghệ thu hồi và lưu trữ khí CO2, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể thực hiện được với giá thành rẻ hay quy mô lớn ở thời điểm hiện tại
Yếu tố cản trở ở đây đó là rất khó để có thể ước lượng được chính xác giá cả của một công nghệ chưa được phát triển đầy đủ, đặc biệt là hàng thập kỷ trong tương lai. Nghiên cứu này dựa vào chi phí ước tính trước đó từ một nghiên cứu năm 2016 về biến đổi khí hậu tự nhiên.
"Chúng ta không thể loại trừ khả năng giảm chi phí khai thác CO2 trong tương lai", báo cáo ghi nhận, "nhưng với yêu cầu về năng lượng cần để loại bỏ và những con số đầy lạc quan theo ước tính của chúng tôi, chúng tôi chưa tính toán thêm về khả năng cắt giảm chi phí".
Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không cần phải bàn cãi rằng nó sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc chuyển đổi sang công nghệ năng lượng sạch trong tương lai gần. David Keith, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Harvard, cho biết ít nhất trong vài thập kỷ tới, việc triển khai các công nghệ để thu thập CO2 từ bầu không khí thực sự chỉ có ý nghĩa nếu chúng trở nên rẻ hơn hoặc sạch hơn so với giảm phát thải. Ông nói trong một email: "Cho đến khi phát thải ròng (net emissions) bằng không, một tấn được chiết lọc có cùng lợi ích đối với khí hậu như một tấn không phát ra".
Một lý do để giải thích cho việc chi phí cao khác thường mà Hansen và các đồng nghiệp đã phát hiện ra, đó là nghiên cứu không chỉ đơn giản là ước tính chi phí để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên đến 2°C so với nhiệt độ trước thời kỳ công nghiệp, ngưỡng chuẩn mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách về khí hậu đang hy vọng và mục tiêu đề ra trong thỏa thuận Paris. Thay vào đó, nghiên cứu ước lượng lượng cắt giảm khí thải CO2 cần thiết để giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển từ mức 400 phần triệu hiện tại,xuống còn 350. Điều này sẽ giúp ổn định nhiệt độ trung bình toàn cầu, tăng lên 1,3°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, và khoảng 1°C so với các mức đó vào cuối thế kỷ.
Hansen đã nhiều lần cảnh báo rằng 2°C không phải là ngưỡng an toàn. Và Michael Prather, đồng tác giả của bài báo và là giáo sư khoa học hệ thống trái đất tại Đại học California, Irvine, lưu ý rằng chi phí ước tính cao hơn các nghiên cứu trước vì nghiên cứu này khám phá việc làm thế nào để giữ mức nóng lên ở dưới 1,5°C. Nhưng trong một email, ông cho biết nghiên cứu này đại diện cho "một 'ước tính tốt nhất' cho chi phí trì hoãn việc giải phóng khí carbon trong xã hội của chúng ta".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.