Làng chài Sê San nổi giữa lòng hồ trong những ngày cận Tết |
Trong tiết trời se lạnh của buổi sáng hay nắng hanh khi về trưa của thời tiết đặc trưng vùng biên giới Tây Nguyên những ngày cuối năm, thấp thoáng phía sau những ngọn núi hùng vĩ xuất hiện từng mái nhà được kết lại trên những chiếc bè nằm sát nhau, lưng tựa vào núi, tạo ra một khung cảnh yên bình và đẹp đến mê hồn. Xung quanh được núi bao bọc, không gian yên bình của làng chài trên biển nước mênh mông như một bức tranh thủy mặc được khắc họa rõ nét đến từng chi tiết.
Trên chiếc thuyền nhỏ, ông Nguyễn Văn Triều (trưởng thôn 7, xã Ia Tươi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) đón chúng tôi ra thăm làng chài trên lòng hồ thủy điện Sê San. Lòng hồ thủy điện lúc này mực nước khá thấp, để lộ ra những mô đá lởm chởm, những gốc cây cổ thụ cắm sâu dưới lòng hồ. Chiếc thuyền chầm chậm luồn qua những khe núi dựng đứng, trùng điệp. Sau một hồi chèo lái, ông Triều lau giọt mồ hôi trên má chỉ tay về phía giữa lòng hồ nơi có gần 30 chục nóc nhà đang nổi bồng bềnh trên mặt nước. Ông Triều nói: “Đây là làng chài giữa lòng hồ Sê San, chắc các chú rất hiếm gặp ở Tây Nguyên này”.
Sau khi đưa khách đi dạo quanh làng chài một vòng, chiếc thuyền rẽ nước lướt bồng bềnh trên mặt sông tiến lại gần những căn nhà nổi. Không khí càng trở nên náo nhiệt bởi tiếng thuyền máy chạy xình xịch, tiếng ngư dân gõ thuyền đuổi cá, tiếng tíu tít của trẻ nhỏ khi thấy người lạ vào nhà.
Sau khi được trưởng thôn giới thiệu, ông Nguyễn Vân Tùng, sinh năm 1950 hồ hởi: “Gia đình tôi từ tỉnh An Giang lên đây sinh sống tại ngôi làng này đã được hơn 3 năm, tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng bù lại có được tình cảm đầm ấm của làng xóm, sự tận tình giúp đỡ của chính quyền sở tại nên gia đình cảm thấy rất yên tâm. Trước đây, tôi chỉ hình dung Tây Nguyên hoang sơ, kỳ bí lắm nhưng khi đến đây, mọi thứ không như tôi nghĩ, người dân hiền hòa, thiên nhiên thuận lợi. Tôi tuổi đã già nhưng khi sống ở đây vẫn có thể kiếm ra tiền, bởi chỗ này có rất nhiều tôm, cá, cứ mang lưới ra thả một lúc là có cá bán, cá ăn”.
Tiếp lời ông Tùng, ông Triều giãi bày: “Năm 2009, quê tôi (An Giang) bị mất mùa dữ lắm, miếng ăn cũng thiếu, nói gì cho con cái học hành, lúc đó có người mách tôi lên Tây Nguyên mà sống. Mới đầu chân ướt chân ráo tới đây, gia đình tôi được một số hộ dân trên bờ cưu mang, nhưng khi đó một tấc đất cắm dùi không có, không nghề nghiệp, thêm vào đó giấy tờ hành chính cũng bị thất lạc. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ dựng tạm cái chòi bên mép sông để bắt con tôm, con cá làm kế sinh nhai rồi tính tiếp, dần dà tôi chọn lòng hồ này làm nơi định cư lúc nào không biết. Dọc lòng hồ tôm cá rất trù phú, cứ thả lưới xuống là cá dính đen lưới, sướng lắm. Từ đó, tôi xác định đây là quê hương mới của tôi và gia đình.
Nghe tiếng ông Triều lên Tây Nguyên làm ăn được, nhiều hộ dân nghèo từ quê hương cũng theo ông lên đây làm ăn, sau này có thêm nhiều hộ ở các tỉnh khác cũng tìm đến để mưu sinh trong khu vực hồ thủy điện. Từ đó, một làng chài được mọc lên giữa bốn bề rừng núi.
Dẫn chúng tôi thăm một vòng quanh khu vực nuôi cá lồng của gia đình, anh Huỳnh Văn Tầng (quê ở tỉnh An Giang) phấn khởi: “Cơ ngơi được như thế này cũng vất vả lắm. Lúc mới đến, tất cả bà con ở đây đều không có đầy đủ các giấy tời pháp lý, phải chạy trốn suốt. Khi đó, chúng tôi ở bên kia phía sông của tỉnh Gia Lai, nhìn thấy cán bộ đi kiểm tra thủ tục hành chính là cả làng lên thuyền xuôi qua Kon Tum rồi ngược lại. Nhiều lúc nghĩ lại thấy buồn, sao số phận mình cứ như dòng nước lênh đênh mãi. Chạy trốn mãi cũng không ổn, chúng tôi tập trung viết đơn tập thể, mong được đăng ký thường trú ở phía sông bên tỉnh Kon Tum. Đến nay, toàn bộ 26 hộ dân của làng chài đã yên ổn, các cháu nhỏ đã được đến trường”.
Cháu Nguyễn Thị Diễm Hương - học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Quốc Tuấn ríu rít: “Hàng ngày chúng cháu được ba chở vào bờ để đến trường đi học. Trường học của cháu không xa lắm, ở trường chúng cháu luôn được sự quan tâm của thầy cô giáo và các bạn. Tết đến, có năm ba má cho chị em cháu về quê để chơi với cô bác họ hàng, nếu không về quê thì ở đây chúng cháu cũng được lên bờ đi chơi Tết với các bạn, ngày Tết có rất nhiều các cô, các chú ở trong bờ ra làng cháu chơi và chúc Tết”.
Tết cổ truyền đang tới gần, người dân làng chài cũng gấp rút thu xếp công việc, dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa. Không cầu kỳ, xa hoa, những người dân làng chài chuẩn bị sắm sửa cho năm mới trong không gian yên tĩnh, giản dị của một làng quê thanh bình giữa dòng Sê San thơ mộng.
Vừa đi mẻ cá trên bờ về, bà Lê Thị Giấm, sinh 1962 cho biết: “Tết đến với chúng tôi ở đây đơn giản lắm, khoảng vào ngày 24, 25 âm lịch, dân làng chúng tôi mới đi sắm Tết. Chúng tôi chủ yếu mua ít thịt, rau củ quả, nước uống và đồ cúng ông bà tổ tiên thôi, còn cá tôm thì hầu như nhà nào cũng có…”.
Cũng theo bà Giấm, người dân sống ở làng chài nằm tách biệt với bên ngoài nên mọi thứ ở đây đều nghèo nàn, khó khăn, người dân quanh năm chỉ trông chờ vào con cá, con tôm. Do nằm giữa lòng sông Sê San nên hầu như mọi thứ đều phải đi mua, không có thứ gì tự làm ra ngoài tôm, cá. Về vấn đề này, ông Triều cho biết thêm: “Làng chài có 26 hộ với hơn 70 nhân khẩu, cuộc sống người dân chỉ là hoạt động đánh bắt cá trên sông, giá cả bán ra thất thường, thương lái thường xuyên ép giá nên người dân vô cùng vất vả. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, bà con cũng chỉ làm mâm cỗ cúng tổ tiên, còn mọi thứ thì vẫn như ngày thường thôi”.
Chia sẻ về cuộc sống của người dân tại làng chài, Chủ tịch UBND xã Ia Tươi Chế Hồng Quyền cho hay: “Với bà con nhân dân làng chài, thường ngày họ mải mê, cần cù mưu sinh với cuộc sống đánh bắt cá tôm trên sông, chỉ đến khi Tến đến xuân về họ mới tranh thủ nghỉ ngơi vài ngày, rủ nhau lên bờ thăm thú cũng như hòa mình vào không khí xuân trên đất mẹ. Hầu như năm nào chính quyền xã cũng luôn chủ động, phối hợp với các đoàn thể đến để chia vui, động viên bà con với tinh thần tương thân, tương ái để bà con đón Tết thêm vui vẻ, ấm áp.
Để bà con làng chài có cuộc sống ổn định hơn, UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện đề nghị lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư làng chài. Xã cũng đã khảo sát, chọn vùng đất dự kiến để đưa bà con lên bờ, an cư lạc nghiệp, ổn định và phát triển cuộc sống
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.