Ngư dân Huỳnh Quốc Nam (thứ 2 từ trái qua, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) hành nghề bẫy ốc mực trên vùng biển. Ông Nam bị ông Lê Thanh Toàn thả chồng ốc lên để “phân chia địa bàn” - Ảnh: T.Trình |
Nhiều ngày theo các ngư dân đánh bắt trên biển, PV Tuổi Trẻ ghi nhận thực trạng vùng biển Tây Nam có những người được cho là đã “xí phần”, độc quyền khai thác một vùng nước rộng lớn để các tàu thuê bãi đánh bắt.
Phần lớn số ghe cào mà chúng tôi bắt gặp trong vùng biển nông thuộc hai huyện U Minh - Trần Văn Thời (Cà Mau) là các ghe có biển kiểm soát thuộc tỉnh Kiên Giang.
Một ngư dân giải thích vùng này do một “trùm” ở đây xí phần. Các tàu cá Kiên Giang lập thành nhóm và “làm ăn” với “thổ địa” ấy từ lâu nên khó để các tàu khác có thể vào được. Vùng biển này từ lâu còn là điểm nóng bởi những vụ trộm cướp, tranh giành cát cứ vùng nước...
Ông “trùm”
Theo các ngư dân, ông “trùm” được nhắc tới là một ngư dân có tiếng trong vùng biển phía Tây bởi những vụ trộm cắp, ở tù, tranh chấp ngư trường.
Sau khi ra tù, người này bất ngờ lên số má. Nhiều ngư dân hành nghề bẫy ốc mực trong vùng đã nhiều phen điêu đứng vì mất cắp, ngư trường của họ bị chiếm lấy và không thể trở lại đánh bắt.
Quá bức xúc, các ngư dân đã phản ảnh tình trạng này với cơ quan chức năng địa phương. Các cơ quan này cũng cử đoàn xác minh, nhưng đã dừng lại ở việc nghe khai báo rồi làm báo cáo... Sau đó, các ghe cào vẫn hoạt động rầm rộ trong sự điều phối của ông “trùm” này.
Theo các ngư dân này, hiện ông “trùm” đang độc quyền cát cứ vùng nước rộng hàng chục hải lý.
Vùng biển này được ông “trùm” cho các ghe cào vào khai thác và thu tiền với giá 500.000 đồng/đêm cho ghe cào chiếc nhỏ và 2,5 triệu đồng/đêm với mỗi cặp cào đôi (hai chiếc căng dàn ngang để kéo lưới).
Sau nhiều đêm theo ngư dân trên biển, chúng tôi mới phát hiện và chứng kiến được ông “trùm” điều phối địa bàn đánh bắt tên Toàn tại xã Khánh Bình Tây (H.Trần Văn Thời).
Ghe cào muốn vào vùng biển thuộc ranh giới do ông Toàn “xí phần” phải xin phép trước. Được Toàn đồng ý, khi đưa ghe đến nơi, các ghe phải liên hệ để ông này chỉ tọa độ vào đánh bắt.
Có khi do lượng ghe cào quá đông, Toàn chỉ luôn vào vị trí mà chủ ghe cào biết đang đặt bẫy ốc của ngư dân. Biết thế, nhưng ngư dân cũng ngậm bồ hòn làm ngọt.
Cũng không ít trường hợp, bất chấp khu vực đang thả ốc mực của dân địa phương, các ghe cào vẫn ngang nhiên cào cuốn phăng các chuỗi ốc. Sau một đêm, ngư dân rơi vào cảnh điêu đứng.
Ông Toàn chỉ đạo các ghe công khai qua sóng bộ đàm và giao dịch tiền bạc cũng chẳng giấu giếm. Thậm chí qua bộ đàm, một ngư dân còn “xin ý kiến” Toàn để “giải quyết” một ngư dân khác. Vì theo họ, chỉ cần ông Toàn đồng ý thì người này “không dám hó hé”.
Tuy đã đánh dấu “địa bàn” rộng lớn, nhưng do nhu cầu vào đánh bắt của các ghe cào quá đông, nên các trùm biển không ngừng mở rộng “quản lý” vùng nước. Cách duy nhất là họ lấn chiếm vùng nước mà hằng ngày các ngư dân khác thường tới lui đánh bắt.
Hàng loạt tranh chấp, nói chuyện phải quấy không xong thì thưa kiện, đâm va tàu, thậm chí đụng độ căng thẳng cũng đã xảy ra trên ngư trường.
Đến mức ngày 2-11-2015, UBND tỉnh Cà Mau phải có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Kiên Giang để “mắng vốn” sau vụ việc 20 ghe cào được cho là của tỉnh Kiên Giang chạm trán với 9 tàu cá của ngư dân Cà Mau để tranh giành vùng nước đánh bắt.
Cuộc “nội chiến” làm hai thuyền viên bị thương, tổn thất tài sản trên 400 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Tuấn (49 tuổi, xã Khánh Bình Tây) cho biết ông phải cho ghe nằm bờ vì vùng biển thả ốc lâu nay của ông đã bị một người tên Lê Thanh Toàn chiếm lấy từ nhiều tháng nay.
“Hôm đó biển động, tui cho chở ốc vào để vệ sinh, sửa sang lại thì bị Toàn cho người chở ốc tới đặt. Tui tới năn nỉ nó để phần cho tui kiếm sống nhưng nó không chịu”.
Mất vị trí đánh bắt rộng gần 1 hải lý, ông Tuấn đành ngậm đắng nuốt cay cho tàu nằm bờ. Trao đổi với chúng tôi, Toàn thừa nhận có chiếm vị trí mà ông Tuấn thường hay thả ốc với lý do: “Chỗ này trống thì tui thả ốc, tui không sai, biển đâu sở hữu của ai?”.
Thế nhưng, cũng chính ông Toàn là người cho thả ốc chồng lên vị trí mà ngư dân hàng xóm tên Huỳnh Quốc Nam đang thả ốc nhiều năm với lý do “vùng biển này là của tui”.
Không cam chịu như ông Tuấn, khi phát hiện ghe của gia đình ông Toàn thả ốc chồng lên dãy ốc mực của mình đang thả, ông Nam cho tàu chạy tới ngăn cản thì bị đâm hư tàu, phải chạy vào bờ để sửa.
Việc va chạm trên biển giữa ông Toàn và ông Nam đều được hai bên thừa nhận. Khi vụ việc đến cơ quan chức năng địa phương thì chuyện đâu vào đấy vì các cơ quan này cho rằng không có căn cứ xác định thiệt hại của ông Nam.
Nguy cơ “kéo dài xung đột”
Giải thích cho việc không ngừng chiếm vùng nước đánh bắt quen thuộc của các ngư dân khác, ông Toàn cho rằng do anh em nhà mình có đến... bảy ghe đi biển nên cần có vùng biển rộng để đánh bắt.
Qua tìm hiểu, ngư dân Lê Thanh Toàn đã điều phối hàng loạt ghe cào ra vào vùng biển có tranh chấp giữa các ngư dân để thu tiền.
Trao đổi với người được cho là “quyền lực ngầm” trên biển này, ban đầu ông Lê Thanh Toàn phủ nhận chuyện chiếm phần khai thác một vùng biển rộng nhiều hải lý, cho các tàu cào vào cày xới vùng biển cạn và cũng phủ nhận việc nhận tiền của các chủ ghe cào.
Thế nhưng, khi biết chúng tôi đã nhiều ngày trên biển thu thập được các chứng cứ để chứng minh việc sắp xếp cho các tàu đánh bắt ở nhiều vị trí khác nhau tại một vùng biển rộng cũng như chứng minh các ghe cào có chuyển tiền cho Toàn, người đàn ông này ấp úng: “Các anh ra tới biển rồi hả?”.
“Trùm” Toàn giải thích sở dĩ có chuyện điều phối các ghe cào vào đánh bắt là “để đừng đánh vào ốc của ngư dân” và “người ta thương người ta cho tiền, không đòi hỏi”.
Thế nhưng khi chúng tôi nói có thể chứng minh ông Toàn cho thuê bãi có giá cả, ông này lấp liếm: “Họ ghét thì nói sao không được”.
Theo ông Diệp Hoàng Ân - phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau, vùng biển kéo dài từ xã Khánh Hội (H.U Minh) đến Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời) có tình trạng ai muốn vào khai thác thì phải xin phép.
Có chuyện một người “xí phần” vùng biển diện tích vài chục kilômet vuông, nhưng vẫn muốn chiếm thêm để “tăng thu nhập”.
“Giống như tình trạng bảo kê ngư trường. Cũng đã có trường hợp rất manh động. Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì sẽ kéo dài xung đột rất nguy hiểm” - ông Ân nói.
Tổng rà soát, xử lý Ông Châu Công Bằng, phó giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, cho biết ông đã nghe phản ảnh tình trạng “xí phần” khai thác biển và đang cử thanh tra sở, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổng rà soát tình trạng trên toàn tỉnh. Sau đó sẽ tham mưu lãnh đạo có hướng xử lý. Ông Bằng thừa nhận rất khó để xử phạt tình trạng “xí phần” khai thác biển vì không có điều luật nào quy định. Về việc cát cứ, cho thuê bãi để các ghe cào vào khai thác, ông Bằng nói nếu có tình trạng này thì rất nghiêm trọng, có thể không dừng lại ở mức xử phạt hành chính. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.