Xung quanh việc đổi tên Trường Đại học Y Dược TP. HCM

Tác giả: Phan Văn Khôi

saosaosaosaosao
23/09/2019 15:42

Dư luận đang bàn luận sôi nổi về chuyện đổi tên Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Chung quy có hai câu hỏi: Có cần thiết thay tên Trường đó hay không và thay bằng tên gì? Bài viết của PGS. TS. Phan Văn Khôi sẽ góp phần trả lời hai câu hỏi trên.

dai-hoc-y-duoc-tphcm-tuyen-sinh
Biển hiệu ghi “ĐẠI HỌC...” là không chuẩn mực 

Chuyển đổi tên là cần thiết

Hiện nay, có nhiều TRƯỜNG ĐẠI HỌC tự gọi mình là ĐẠI HỌC. Trường Đại học Y Dược TP. HCM là một trong số đó. Ví dụ, ta thấy biển hiệu của trường là Đại học, và ở các cổng khác của trường cũng ghi như thế. Điều đó khiến nhiều người không phân biệt được sự khác nhau giữa Trường Đại học và Đại học, không biết rằng biển hiệu ghi như thế là sai, dẫn đến hiểu nhầm rằng Bộ Y tế giữ nguyên từ ĐẠI HỌC, chỉ đổi Y DƯỢC thành SỨC KHỎE.

Các tên gọi “Trường Đại học” và “Đại học” đã được định nghĩa trong Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13, năm 2012. Theo Luật này và các sửa đổi Luật sau đó, tên gọi Đại học ghi trên biển hiệu của Trường Đại học Y Dược TP. HCM hiện nay là không chuẩn mực. Bởi thực chất nó chỉ là Trường Đại học, chịu sự chỉ đạo của Bộ. Cấp dưới của Trường chỉ là các Khoa.

Trong khi đó, Đại học là một tổ chức giáo dục lớn ngang một Bộ: có con dấu hình quốc huy; Ban Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng của Đại học do Thủ tướng bổ nhiệm; trực tiếp làm việc với các Bộ và Tỉnh hay Thành phố; báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, không phải thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo như các Trường Đại học; được Nhà nước tập trung đầu tư và nhiều ưu thế khác nữa; cấp dưới của Đại học là các Trường Đại học, các Viện, Học viện thành viên. Mô hình tổ chức của nó tương tự như hai Đại học quốc gia và hai Viện Hàn lâm hiện có của nước ta.

Vì vậy, chuyển từ Trường Đại học thành Đại học không phải là việc đổi tên đơn thuần, mà là sự nâng cấp tổ chức, với mô hình, quy mô, vị thế cao hơn hẳn.

Với vị thế lớn trong nước và đặc biệt với quốc tế như thế, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu, giảng dạy và phòng thí nghiệm sẽ ngày càng tốt hơn, chủ động thu hút được nhiều giảng viên giỏi, kể cả các nhà khoa học danh tiếng nước ngoài, do đó chất lượng đào tạo và nghiên cứu sẽ cao hơn. Nhiều trường muốn như vậy cũng chưa được, ngay cả Trường Đại học Y Hà Nội uy tín lẫy lừng cũng chưa đến lượt.

Dự kiến nâng cấp Trường này thành Đại học đã có từ lâu. Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (mang tên này vào năm 1976) là một trường trọng điểm, có truyền thống và đủ điều kiện, nên từ năm 1990, Ban lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TP. HCM đã bàn bạc và thống nhất với Bộ Y tế (thời Bộ trưởng, GS.Phạm Song) về việc xây dựng VIỆN ĐẠI HỌC SỨC KHỎE. Ngoài ra, trong công bố sứ mệnh và tầm nhìn của Trường, từ những năm trước, đã có kế hoạch phát triển thành ĐẠI HỌC KHOA HỌC SỨC KHỎE. Như vậy từ “Sức khỏe” cũng đã xuất hiện từ trước.

Khi thành Đại học, trong Đại học này, tất nhiên, vẫn có các Trường Đại học Y và Dược, trở lại gần giống như tên gọi tiền thân của nó năm 1961, để không làm mất đi thương hiệu, và nhiều trường, viện, bệnh viện, vv. khác nữa.

Với những lí do trên, việc nâng cấp Trường Đại học Y Dược TP. HCM thành một Đại học là một đòi hỏi của sự phát triển và hội nhập.

Dùng tên gọi nào là thích hợp?

Khi thành Đại học, tên tiếng Anh, theo thông lệ nhiều nước trên thế giới, có thể sẽ là “Vietnam National University of Health Scienses Ho Chi Minh City”; còn trong tên tiếng Việt, nếu chuyển “Health” thành “Sức khỏe” thì nghe không thuận tai đối với nhiều người. Và đây chính là lí do khiến dư luận phản đối.

Vậy thì còn có thể chuyển “Health” thành “Y tế” như hiện đang dùng trong tên gọi của  Bộ Y tế - Ministry of Health  và của Tổ chức Y tế thế giới – World Health Organization (WHO).

Cuối cùng tên tiếng Việt có thể tham khảo là “Đại học Y tế quốc gia TP Hồ Chí Minh”.

Tùy theo quy hoạch của Nhà nước, nếu chỉ là một đại học vùng, tên gọi của nó sẽ là “University of Health Scienses Ho Chi Minh City”  và “Đại học Y tế TP Hồ Chí Minh”.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận