Ý tính đưa 4 cảng biển lớn vào Vành đai, Con đường

Chính trị 21/03/2019 07:16

Ý đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành quốc gia G7 đầu tiên gia nhập Vành đai, Con đường khi các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Rome đã sẵn sàng cho việc kết nối 4 cảng biển đắc địa vào sáng kiến của Bắc Kinh.


 

cang-triester-15530502536971639013281
Cảng Trieste hướng ra biển Adriatic của Ý - Ảnh: Adriaports.com

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Ý - nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro kể từ ngày mai (21-3).

Chuyến thăm châu Âu của ông Tập diễn ra trong bối cảnh đang có sự bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu về các mối đe dọa an ninh từ các tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Chính quyền của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã làm nóng chuyến thăm từ nhiều tuần trước khi úp mở việc ký kết một số thỏa thuận gia nhập Vành đai, Con đường (BRI).

Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 19-3 dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Rome đã sẵn sàng mở cửa 4 cảng biển trước dòng vốn của Trung Quốc, bao gồm cả cảng lớn nhất nước nằm ở Genoa.

Các cảng khác là Silicia nằm hướng ra Địa Trung Hải ở vùng Palermo phía nam và Trieste, Ravenna nằm ở phía bắc, hướng ra biển Adriatic.

Trieste sẽ là con gà đẻ trứng vàng cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh được tiếp cận, báo SCMP bình luận. Đây được xem là cửa ngõ tiến ra Địa Trung Hải gần nhất của một loạt các quốc gia nằm sâu trong lục địa như Áo, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Slovenia.

"Trieste có tiềm năng trở thành một trong những hải cảng quan trọng bậc nhất, nếu không muốn nói là số một ở châu Âu trong 'Con đường tơ lụa' trên biển. Nó nên được mở cửa để đón nhận tiền đầu tư của Trung Quốc" - ông Michele Geraci, thứ trưởng Bộ phát triển kinh tế Ý, khẳng định sau chuyến đi đến Trieste hồi tháng trước.

Chính phủ của ông Conte lập luận rằng sự tham gia của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc trong việc quản lý hay có cổ phần trong các cảng biển của Ý sẽ có lợi cho việc mở rộng và nâng cấp chúng.

Để trấn an các quốc gia châu Âu khác, ông Conte khẳng định sẽ không phớt lờ các nguyên tắc của Liên minh châu Âu về minh bạch thương mại và an ninh quốc gia.

Người đứng đầu chính phủ Ý khẳng định những thỏa thuận mà ông sẽ ký kết với ông Tập sẽ không ảnh hưởng đến vị trí địa chính trị quan trọng của Ý.

Các nhà phân tích dự đoán hai bên sẽ chỉ ký các biên bản ghi nhớ không có hiệu lực bắt buộc trong chuyến thăm Ý lần này của ông Tập. Mặc dù vậy, điều này đã đủ để mở đường cho việc Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - một định chế tài chính của Bắc Kinh - rót vốn vào Ý.

Yếu tố Trung Quốc tại các cảng biển châu Âu không phải là điều mới mẻ. Tập đoàn Cosco Shipping Ports thuộc nhà nước Trung Quốc đã vận hành cảng container tại Piraeus của Hy Lạp kể từ năm 2008.

Kể từ lúc đó, Cosco đã đặt chân đến Rotterdam (Hà Lan), nơi nó sở hữu 35% cổ phần của cảng Euromax, 20% cổ phần của Antwerp ở Bỉ và đang lên kế hoạch xây một cảng mới tại Hamburg (Đức).

Ý kiến của bạn

Bình luận