Ảnh minh họa |
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi dư luận xôn xao về việc giá trị thanh lý xe công trung bình mỗi xe chỉ 46,2 triệu đồng.
Nội dung của văn bản cũng nêu: Các bộ ngành, địa phương chỉ đạo việc thanh lý tài sản nhà nước, trong đó có xe ô tô theo đúng quy định, đặc biệt về các điều kiện thanh lý xe công như: Tài sản phải đủ điều kiện thanh lý; tổ chức thực hiện thanh lý đúng thời hạn, công khai, minh bạch; việc bán đâu giá tài sản thanh lý; quản lý, sử dụng số tiền thanh lý thu được. Việc thanh lý xe ô tô công phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, pháp luật về bán đấu giá tài sản và các quy định liên quan.
Sau khi hoàn thành việc thanh lý tài sản, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức có tài sản thanh lý hạch toán giảm tài sản theo quy định. Đồng thời, báo cáo kê khai biến động tài sản để đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước. Các bộ ngành, địa phương tổng hợp tinh hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (trong đó có biến động về thanh lý xe ô tô) gửi Bộ Tài chính để tổng hơp, báo cáo Chính phủ.
Liên quan tới việc cơ quan nhà nước nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương kiểm tra, rà soát các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đã tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng (tính đến ngày 10/3/2017). Báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2017 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, năm 2016, các bộ ngành, địa phương đã thanh lý 761 xe ô tô công, tổng số tiền thu được là 35,15 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi xe công thanh lý thu được 46,2 triệu đồng/xe. Con số này khiến nhiều người khạc nhiên vì số tiền quá ít ỏi.
Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (QLCS) Bộ Tài chính cho rằng: Những xe đã được bán thanh lý đều có tuổi thọ trên 20 năm. Thậm chí có xe đã lên đến 30 năm tuổi. Hơn nữa, không phải xe nào cũng bán được với hàng chục triệu đồng, bởi có xe đã quá niên hạn sử dụng, có xe không còn chạy được nữa phải dỡ ra để bán như bán sắt vụn.
Theo Cục QLCS, trong số 761 xe dôi dư thực hiện thanh lý, có 135 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin về số tiền thu được; Có 34 xe báo cáo đã thanh lý, thực chất chỉ là bán phế liệu thu hồi, do không còn đủ niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định số 95/2009/ND-CP của Chính phủ; Có 102 xe đã quá cũ (trên 20 năm), lạc hậu (xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…).
Cục QLCS vẫn đang tiếp tục nhận báo cáo của các bộ, ngành và địa phương. Sau khi có kết quả tổng hợp đầy đủ số liệu, Cục QLCS sẽ trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý xe ô tô dôi dư (trong đó có cả số liệu về số tiền thu được từ thanh lý).
Một số chuyên gia trong ngành cho biết: Việc thanh lý số xe công dôi dư phải thực hiện công khai, minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước. Với các xe thuộc diện thanh lý khi đấu giá phải công khai rộng rãi, đấu giá ở phạm vi rộng để người dân cũng được tham gia mua. Mức giá phải hợp lý, có cơ quan thẩm định giá độc lập tính toán, nếu quá rẻ không chỉ thất thoát mà không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu. Những ai được tham gia đấu giá cũng cần công khai, có sự giám sát của cơ quan cấp trên và tổ chức xã hội độc lập, tránh tình trạng lợi ích nhóm, quân xanh, quân đỏ, đấu giá xe sang giá bèo làm thất thoát tài sản công.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.