1/4 doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc chọn Việt Nam

Doanh nghiệp 22/11/2015 16:44

Nhân công giá rẻ, cơ sở hạ tầng cải thiện, cầu đường được xây dựng nên DN Nhật muốn mở rộng đầu tư, không chỉ gói gọn ở TP.HCM.

Đó là khẳng định của ông Yasuzumi Hirotaka - Giám đốc văn phòng Jetro ở TP.HCM, tại hội nghị đầu tư thường niên vào ĐBSCL lần thứ 3 năm 2015 do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ, ngày 20/11.

Theo ông Hirotaka, qua khảo sát doanh nghiệp Nhật đầu tư tại VN cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề như thông tin chưa rõ ràng, giá nhân công bắt đầu tăng lên.

Đặc biệt, công nghiệp phụ trợ VN vẫn còn yếu kém, doanh nghiệp cần 100% nguyên liệu thì chỉ 33% mua được ở VN nên cần sự hỗ trợ về thuế và ưu đãi khác để doanh nghiệp phụ trợ phát triển.

Cũng tại hội nghị, đại diện tổ chức thương mại Hàn Quốc cho rằng doanh nghiệp nước này chưa có nhiều thông tin về kinh tế nông nghiệp ở ĐBSCL, vì vậy các địa phương trong vùng cần cung cấp thông tin nhiều hơn, giới thiệu với các nhà đầu tư những lĩnh vực mà mình có thế mạnh thì mới thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đã đưa ra thông tin 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) khảo sát có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh.

1/4 doanh nghiep Nhat roi Trung Quoc chon Viet Nam
Doanh nghiệp Nhật từ chối thị trường Trung Quốc chuyển sang Việt Nam

Phân tích lý do vì sao VN được chọn, TS Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: "Mặc dù Trung Quốc vẫn được xem là “trục” công nghiệp của thế giới, nhưng gần đây chi phí hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng lên, đặc biệt là giá nhân công, nên cạnh tranh xét theo chi phí nhân công ở Trung Quốc không còn là lý tưởng.

Trong ASEAN - một khu vực kinh tế năng động, Việt Nam có những điểm hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản. Như nguồn nhân lực, dù chi phí hiện đang có xu hướng tăng, song vẫn tương đối thấp. Khả năng tiếp thu của người lao động VN được đánh giá tương đối tốt dù rằng không phải không có điểm doanh nghiệp Nhật Bản “chê” lao động Việt Nam.

Thứ nữa là vị trí địa - chính trị của Việt Nam. Việt Nam vừa nằm ở vị trí quan trọng về địa chính trị, ở vùng kết nối với thế giới, kết nối với khu vực thuận tiện. Điểm quan trọng làm tăng độ hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản còn là do việc làm ăn tại Việt Nam của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khá hiệu quả".

Theo ông Thành, Việt Nam có điều kiện và có thể là lựa chọn thay thế Trung Quốc của nhà đầu tư Nhật Bản. Điều quan trọng là Việt Nam phải cải thiện những điểm mà nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung đang “chê bai”.

Tuy nhiên, Việt Nam phải tăng tính cạnh tranh, độ hấp dẫn của nền kinh tế, đồng thời phải tiếp tục đảm bảo, duy trì ổn định về an ninh trật tự, kinh tế vĩ mô.

Bản thân Việt Nam phải cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, thấy Việt Nam đã và tiếp tục nỗ lực tạo dựng được môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh đàng hoàng, bình đẳng.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, việc Nhật lựa chọn Việt Nam để đầu tư là cơ hội tốt, nhưng để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, bên cạnh việc phải cải thiện thủ tục hành chính, rõ ràng Việt Nam phải có hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo giữa các bộ luật với nhau, giữa việc ban hành và thi hành luật, từ Luật đến Nghị định, Thông tư phải thống nhất, cụ thể, chính xác…

Mặc dù không có cơ sở khẳng định rõ Việt Nam là lựa chọn thay thế Trung Quốc của các nhà đầu tư Nhật Bản, song nhìn vào khu vực ASEAN, Việt Nam cũng là một trong những điểm đến mà các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt hướng tới.

Ông Thắng nhận định: "Đã đến thời kỳ Việt Nam nên tập trung quyết liệt thu hút đầu tư của nước ngoài vào các dự án lớn có tác động phát triển ngành và vùng kinh tế (đây là một định hướng đã được xác định từ nhiều năm qua) và nên dành ưu tiên thực hiện các dự án quy mô nhỏ, vừa mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được cho các doanh nghiệp trong nước để tạo thế cân bằng".

Ý kiến của bạn

Bình luận