Vận tải tăng trưởng mạnh
Tại phiên họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận xét: Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài như tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, xung đột tại Ukraina, Dải Gaza kéo dài, đầu tư, thương mại toàn cầu suy giảm, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng..., song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng lòng, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), với sự tăng trưởng của ngành vận tải trong 11 tháng đầu năm, nhất là vận tải hàng hóa tăng cao (12,9%), đã tạo đà cho nền kinh tế phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, ngành vận tải nói chung đã tăng trưởng trở lại, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thông thương hàng hóa trong nước và quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua thống kê cho thấy, vận tải trong nước ước đạt 4.203,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và 181,9 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 9,7%; vận tải ngoài nước ước đạt 13,9 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 3,1 lần và 40,6 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước.
P11 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Trong tổng số hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 9,8 triệu lượt người, chiếm 87,3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1,3 triệu lượt người, chiếm 11,9% và gấp 4,1 lần; bằng đường biển đạt 87,9 nghìn lượt người, chiếm 0,8% và gấp 102,8 lần.Ổn định kinh tế vĩ mô
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hương, xét theo ngành vận tải, hầu hết các ngành GTVT 11 tháng đầu năm 2023 có tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước do vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng. Theo các chuyên gia kinh tế, vận tải là huyết mạch của nền kinh tế, vận tải tăng trưởng đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy và tạo đà xuất khẩu tăng - bảo chứng cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Qua theo dõi, tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 11, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, xuất siêu đạt 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 10,3 tỷ USD). Ngoài ra, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu 11 tháng gần 7,4 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4,16 tỷ USD, tăng 16,1% về lượng và 35,1% về giá trị so với cùng kỳ).
Theo đánh giá, nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,25% so với tháng 10; bình quân 11 tháng tăng 3,22% (thấp hơn nhiều mục tiêu khoảng 4,5% theo Nghị quyết của Quốc hội). Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định và tăng trưởng, tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế; xuất khẩu nông sản 11 tháng đạt 47,84 tỷ USD, trong đó rau quả đạt trên 5 tỷ USD, tăng gần 72%. Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 1,4% so với tháng 10; tính chung 11 tháng tăng 9,6%. Khách quốc tế tháng 11 đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 10,9% so với tháng trước; tính chung 11 tháng đạt hơn 11,2 triệu lượt, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9%. Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ (58,33%), số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, năm 2023 tiếp tục đánh dấu bước phát triển của ngành vận tải trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và chịu tác động mạnh mẽ bởi tình hình chiến sự ở một số nơi trên thế giới. Vận tải tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là vận tải hàng hóa, hành khách, từ đó tạo cơ hội mới cho đầu tư, thương mại, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Vận tải hành khách 11 tháng đầu năm 2023 phân theo ngành vận tải
Số lượt hành khách | Tốc độ tăng so với | |||
Vận chuyển | Luân chuyển | Vận chuyển | Luân chuyển | |
Tổng số | 4.203,5 | 222,5 | 11,5 | 23,9 |
Đường sắt | 5,6 | 2,1 | 38,2 | 38,8 |
Đường biển | 10,5 | 0,7 | 39,5 | 35,6 |
Đường thủy nội địa | 289,8 | 6,2 | 20,8 | 22,1 |
Đường bộ | 3.845,8 | 140,7 | 10,7 | 16,4 |
Hàng không | 51,8 | 72,8 | 15,8 | 40,8 |
Vận tải hàng hóa 11 tháng đầu năm 2023 phân theo ngành vận tải
Sản lượng hàng hóa | Tốc độ tăng/giảm so với | |||
Vận chuyển | Luân chuyển | Vận chuyển | Luân chuyển | |
Tổng số | 2.062,3 | 442,4 | 12,9 | 10,5 |
Đường sắt | 4,1 | 3,3 | -22,4 | -20,8 |
Đường biển | 108,6 | 232,9 | 9,9 | 8,5 |
Đường thủy nội địa | 431,4 | 96,9 | 18,5 | 14,9 |
Đường bộ | 1.517,9 | 101,9 | 11,7 | 10,9 |
Hàng không | 0,3 | 7,4 | 13,6 | 34,9 |
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Đón đọc : 10 dấu ấn nổi bật ngành GTVT năm 2023: 4. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, 3 "nhà" hưởng lợi
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.