10 dấu ấn nổi bật ngành GTVT năm 2023: 8.Giảm 145 người chết do TNGT

Chính trị 29/12/2023 09:57

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, quyết liệt của Bộ GTVT, trong vai trò cơ quan thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đã triển khai hàng loạt công tác phối hợp bảo đảm trật tự ATGT, năm 2023 TNGT tiếp tục được kéo giảm.

Tiếp tục kéo giảm số người chết do TNGT- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn tại địa bàn TP. Hà Nội

Số người chết do TNGT tiếp tục giảm

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 11 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 11.776 vụ TNGT, làm chết 6.381 người, bị thương 8.488 người, so với cùng kỳ năm 2022, giảm 145 người chết.

Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, mặc dù số vụ TNGT và số người bị thương tăng so với cùng kỳ trong bối cảnh bình thường trở lại sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên số người chết giảm so với cùng thời điểm năm trước rất đáng mừng.

Cũng theo ông Minh, 11 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch Năm ATGT 2023, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 149 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới. Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT, giúp nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Ban ATGT các tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 149 và Chỉ thị 23 của Chính phủ và Ban Bí thư.

Ngoài việc chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và bảo vệ hành lang ATGT, công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trong lĩnh vực đường bộ và thủy nội địa đã được tăng cường với quy mô lớn và rộng hơn. Đặc biệt, Bộ GTVT đã tổ chức thanh, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cũng như kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải trên cả nước, góp phần ngăn ngừa các vụ TNGT có nguyên nhân từ việc cấp giấy phép lái xe, vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải.

Đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2023, lực lượng CSGT đã triển khai đồng bộ trên cả nước theo 5 nhóm chuyên đề: Chuyên đề "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn"; Chuyên đề "Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm"; Chuyên đề "Cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ"; Chuyên đề "Vi phạm tốc độ"; Chuyên đề "Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện". Kết quả xử lý các chuyên đề, nhất là Chuyên đề "Vi phạm nồng độ cồn" được nhiều báo, đài, mạng xã hội thông tin, nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Có thể nói, câu chuyện về "xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình", tạo thành nếp nghĩ và hành động, cùng nhắc nhở nhau "Đã uống rượu, bia thì không lái xe", qua đó dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục ĐBVN, hiện nay cùng với xây dựng tiêu chuẩn trạm cân mới, Cục ĐBVN và các đơn vị đã và đang tổ chức triển khai thí điểm các trạm cân tự động tại Hải Phòng (QL5), trạm cân trên TL741 tại Bình Dương và dự án hệ thống các trạm kiểm soát tải trọng xe tự động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trạm kiểm soát tải trọng xe tự động bảo đảm khách quan, không cần lực lượng chức năng có thẩm quyền làm việc trực tiếp tại hiện trường; chi phí cho việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt rất thấp. Đồng thời, với việc tuyên truyền đến lái xe, chủ xe vi phạm bị phát hiện, xử phạt, tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, chấm dứt, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội nói chung và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng.

Bên cạnh việc đưa vào sử dụng trạm cân di động thì vai trò, sự phối hợp của Bộ Công an trong thời gian triển khai đồng loạt các biện pháp xử lý nghiêm xe chở quá tải trên địa bàn cả nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, muốn xử lý dứt điểm xe quá tải cần phải làm tận gốc. Theo đó, cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ các vi phạm tại đầu nguồn, bến bãi, không để các phương tiện vi phạm được phép lưu thông trên đường bởi theo quy định pháp luật thì các xe ra khỏi các mỏ, kho hàng, bến cảng đều phải cân tải trọng.

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, Đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định, thời gian tới các chuyên đề về xử lý nồng độ cồn và xe vượt quá tải trọng được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Trong 11 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 11.776 vụ TNGT, làm chết 6.381 người, bị thương 8.488 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tăng 342 vụ (2,99%), giảm 145 người chết (-2,22%), tăng 854 người bị thương (11,19%). Trong đó: Đường bộ xảy ra 11.655 vụ, làm chết 6.294 người, bị thương 8.459 người; so với cùng kỳ năm trước tăng 347 vụ (3,07%), giảm 105 người chết (-1,64%), tăng 850 người bị thương (11,17%). Đường sắt xảy ra 88 vụ, làm chết 67 người, bị thương 22 người; so với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ (-1,12%), giảm 2 người chết (-2,9%), tăng 2 người bị thương (10%). Đường thủy xảy ra 28 vụ, làm chết 18 người, bị thương 7 người; so với cùng kỳ năm trước giảm 3 vụ (-9,68%), giảm 28 người chết (-60,87%), tăng 2 người bị thương (40%). Hàng hải xảy ra 5 vụ, làm chết 2 người, không có người bị thương; so với cùng kỳ giảm 1 vụ (-16,67%), giảm 10 người chết và mất tích (-83,33%), số người bị thương không thay đổi.