10 điểm mới đáng chú ý sửa đổi Luật Giao thông đường bộ

Tác giả: hiểu lam

saosaosaosaosao
24/06/2020 08:26

Trong 12 năm qua, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 đã góp phần hữu hiệu trong công tác quản lý và phát triển mạng lưới GTVT. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB là điều rất cấp thiết đáp ứng thực tiễn cuộc sống và tầm nhìn trong tương lai.

Nhiều điểm mới của Dự thảo Luật Giao thông đường b
Nhiều điểm mới của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đề cập được dư luận quan tâm. Ảnh: Vũ Thành

12 năm làm nền tảng cho những kỳ tích

Thể hiện rõ nét nhất cho hiệu quả của Luật GTĐB 2008 là kết quả kéo giảm TNGT. Kể từ năm 2012 đến nay, TNGT liên tục được kéo giảm qua từng năm, từ trên 15.000 người thiệt mạng mỗi năm xuống mức dưới 8.000 người như hiện nay. Trong khi đó, mật độ phương tiện không ngừng gia tăng nhanh chóng, áp lực giao thông ngày càng lớn thì TNGT lại giảm mạnh mẽ, đây được xem là những kỳ tích mà Việt Nam đạt được nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Luật GTĐB 2008 thực sự là một công cụ hữu hiệu để giảm nỗi đau TNGT cho người dân.

Nhìn lại 12 năm thực hiện Luật GTĐB 2008, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN khẳng định, Luật đã đáp ứng và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đất nước trong thời gian qua. Đặc biệt nhất, Luật đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong hoạt động giao thông, là nền tảng quan trọng thiết lập trật tự ATGT, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong 12 năm qua, bức tranh GTVT của Việt Nam đã khởi sắc mạnh mẽ nhờ sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông, vươn mình từ vị trí 79 lên 28 thế giới.

Lý giải về việc sửa đổi Luật GTĐB, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong tình hình thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến hiệu quả chưa thực sự bền vững và rất cần phải được sửa đổi, bổ sung. Nổi bật nhất là 6 nội dung gồm: Quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện dẫn giải một số ví dụ minh chứng cho sự cấp thiết phải sửa đổi Luật GTĐB, trong đó có những yếu tố mới so với thời kỳ trước như: Giao thông thông minh; quy định pháp luật đối với đường cao tốc; ứng dụng công nghệ mới trong vận tải; xử phạt giao thông qua camera; diễn biến cạnh tranh trong vận tải...

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Luật GTĐB (sửa đổi) tới đây không chỉ cần đáp ứng được thực tiễn mới mà còn phải có tầm nhìn trong tương lai, đáp ứng được các dự báo về những yếu tố mới và phải phù hợp thực tế tối thiểu trong 10 năm tới. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

10 điểm mới nổi bật

So với các luật được sửa đổi, Luật GTĐB nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, bởi hầu hết người dân đều tham gia giao thông hằng ngày. Trong thời gian Bộ GTVT tiếp thu ý kiến từ người dân, doanh nghiệp, nhiều điểm đáng chú ý của Luật GTĐB (sửa đổi) 2020 được người dân quan tâm.

Trong đó, nổi bật như Dự thảo quy định nghiêm cấm tài xế sử dụng điện thoại di động khi điều khiển tất cả các loại phương tiện giao thông dưới mọi hình thức, trong khi hiện nay chưa cấm đối với tài xế ô tô. Dự thảo quy định người ngồi trên xe ô tô kể cả không phải ở ghế lái cũng phải bắt buộc thắt dây an toàn tại những vị trí có trang bị dây an toàn, trong khi quy định cũ chỉ bắt buộc người lái và ngồi cạnh ghế lái phải thắt dây an toàn. Dự thảo cũng quy định phân biệt rõ ràng giữa dừng xe và đỗ xe, điều vốn gây nhiều tranh cãi ở quy định cũ.

Dự thảo Luật GTĐB cũng nhận được sự quan tâm rất lớn đối với các quy định về giấy phép lái xe (GPLX). Hiện nay có 12 hạng GPLX và dự thảo đang đề xuất chia GPLX thành 17 hạng khác nhau. Thu hút sự quan tâm đông đảo trong xã hội là việc phân chia lại GPLX đối với xe máy. Theo đó, hạng A0 lần đầu tiên xuất hiện áp dụng với người lái xe có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 và xe máy điện dưới 4 kW. Hạng A1 được cấp cho người lái xe có động cơ từ 50 cm3 đến 125 cm3; giấy phép hạng A dành cho xe mô tô hai bánh trên 125 cm3 hoặc có động cơ điện trên 11 kW. So với trước đây, hạng A2 quy định cho xe trên 175 cm3; hạng A1 quy định cho xe từ 50 đến 150 cm3 thì nay bỏ hạng A2 thay thế bằng hạng A; giảm công suất động cơ hạng A1. Cùng với bằng lái xe do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp, dự thảo cũng quy định rõ ràng về việc được phép sử dụng GPLX nước ngoài phù hợp theo quy định pháp luật.

Một trong những điểm nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân trong dự thảo lần này là quy định không được vượt đèn xanh tại nút giao khi ùn tắc. Theo đó, phương tiện không được vượt đèn xanh trong trường hợp không thể thoát khỏi nút giao trước thời điểm đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao. Phương tiện phải dừng lại dù là tín hiệu đèn xanh, nếu nút giao đang ùn tắc.

Một trong những điều gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua là tình trạng phương tiện giao thông thông cố tình gây khói bụi, tiếng ồn. Trong dự thảo lần này có quy định để chấn chỉnh tình trạng cố tình gây ảnh hưởng tiếng ồn, khói bụi. Đối với đường cao tốc, dự thảo có nhiều quy định phù hợp với thực tế hơn, nổi bật là việc chỉ được chuyển một làn, tức là nếu người điều khiển ô tô phải chuyển một làn và di chuyển ổn định trên làn đường đó rồi mới được tiếp tục chuyển sang làn đường tiếp theo.

Trong quy định hiện hành chưa quy định cụ thể việc nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh, thì trong dự thảo mới đã quy định rõ ràng hơn về trường hợp này. Người điều khiển phương tiện cơ giới phải giảm tốc độ và khi cần thiết phải dừng hẳn lại để nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dừng, đón, trả khách trên đường. Ngược lại, người điều khiển xe buýt, xe đưa đón học sinh cũng phải luôn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông khác trong mọi trường hợp...

Ý kiến của bạn

Bình luận