1. Chính thức cấp phép mạng 4G tại Việt Nam
Vào tháng 10/2016, Bộ TT&TT đã ban hành giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G trên băng tần 1800 MHz cho hai nhà mạng Viettel và VNPT Vinaphone. Tới ngày 3/11, Vinaphone đã chính thức khai trương dịch vụ 4G trên băng tần 1800MHz tại Phú Quốc, qua đó trở thành nhà mạng đầu tiên chính thức triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam.
Ngoài Vinaphone khai trương mạng 4G, các nhà mạng khác như MobiFone cũng đã công bố giá cước 4G. Tuy nhiên, cho đến nay sau 2 tháng được cấp phép dịch vụ 4G vẫn chưa được phủ sóng diện rộng ở các thành phố lớn. Viettel dự kiến cung cấp dịch vụ vào quý 1/2017. MobiFone chưa tiết lộ kế hoạch chi tiết. Trong khi đó, FPT Telecom chưa đưa ra thông tin gì về việc thử nghiệm 4G. Nhà mạng Vietnamobile cho biết cũng chưa tham gia vào cuộc đua cung cấp dịch vụ 4G.
Những thử nghiệm trước đó cho thấy tốc độ truy cập Internet tối đa của VinaPhone 4G có thể đạt 300Mb/s. So với tốc độ trung bình của mạng 3G, tốc độ truy cập mạng VinaPhone 4G cao hơn 7 đến 10 lần.
2. Dự thảo quy định kinh doanh trái phép trên mạng phải đi tù
Thời gian qua, dư luận và đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp, CNTT đã "dậy sóng" vì điều 292 Bộ luật Hình sự. Hầu hết đều lo sợ điều luật này nếu áp dụng trong thực tế sẽ hình sự hóa và đe dọa các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ nhỏ, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ luật hình sự đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép nhưng Điều 292 lại quy định tội "kinh doanh trái phép trên mạng". Cũng những lĩnh vực kinh doanh nêu tại Điều 292 nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Đây là một sự bất bình đẳng. Các hiệp hội lớn như Vinasa, VCCI đều đã kiến nghị bỏ điều 292 ra khỏi BLHS 2015. Ngày 1/9, Thủ tướng đã đề nghị bãi bỏ Điều 292 trong dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
3. Smartphone LG biến mất khỏi thị trường
Sau nhiều tháng giới thiệu LG G5 nhưng không bán tại Việt Nam, vào tháng 8/2016 có tin đồn cho rằng LG sắp dừng kinh doanh mảng di động vì không có thị phần, hãng điện thoại Hàn Quốc có thể sắp dừng kinh doanh di động tại Việt Nam. Nhiều hệ thống bán lẻ chính hãng trong nước đã không còn đăng bán các smartphone của thương hiệu này.
Đại diện LG Việt Nam sau đó đã phản hồi rằng tin đồn nói trên là không chính xác. Đại diện này nhấn mạnh, LG vẫn sẽ bán điện thoại cho người dùng Việt Nam. Có điều, quy trình phân phối smartphone LG chính hãng tại nước ta sẽ được làm mới. Đơn vị chịu trách nhiệm cho hoạt động bảo hành các sản phẩm chính hãng vẫn là LG Việt Nam.
Tinh tới nay, LG vẫn chưa giới thiệu một smartphone mới nào tại thị trường Việt Nam. Flagship mới của hãng, chiếc LG V20 được công bố vào tháng 10/2016 nhưng là dành cho thị trường Mỹ và Hàn Quốc. Người dùng Việt có thể mua máy dưới dạng hàng xách tay với giá 14,99 triệu đồng.
Tất nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh, trong vài năm trở lại đây, di động đã không còn là mũi nhọn của LG tại thị trường Việt Nam. Thay vào đó, thương hiệu Hàn Quốc lại tập trung vào các thiết bị thuộc ngành hàng tiêu dùng phổ thông như: TV, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt...
4. Vietnam Airlines bị tin tặc tấn công
Những vụ tấn công mạng quy mô lớn đã trở nên tương đối phổ biến trong những năm gần đây, và 2016 càng cho thấy vấn đề này ngày càng đáng lo ngại ở Việt Nam. Cuối tháng 7/2016, màn hình thông tin chuyến bay tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ đăng các thông tin kích động, xúc phạm Việt Nam và Philippines, xuyên tạc các nội dung về Biển Đông. Hệ thống phát thanh của sân bay cũng phát đi những thông điệp tương tự.
Cùng thời điểm, trên website của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng bị thay đổi nội dung. Ngoài ra, tin tặc còn tung lên mạng thông tin của hơn 400.000 thành viên Golden Lotus. Vụ tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào hệ thống thông tin của Vietnam Airlines này được cho là do nhóm tin tặc Trung Quốc 1937cn thực hiện.
Sau khi hệ thống thông tin bị tấn công, nhà chức trách đã tắt toàn bộ mạng nội bộ, nhân viên phải làm thủ tục check-in bằng tay thay vì máy. Ngày 30/7, Cục Hàng không Việt Nam đã xác nhận vụ việc làm hơn 100 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó hàng chục chuyến khởi hành chậm từ 15 phút cho đến hơn một tiếng.
Trước đó, vào tháng 5/2016, ngân hàng TPBank cho biết hồi cuối năm 2015 từng phát hiện một số yêu cầu chuyển khoản đáng ngờ từ thông qua các tin nhắn của hệ thống chuyển tiền SWIFT nhằm chuyển hơn 1 triệu Euro. Ngân hàng này sau đó đã nhanh chóng ngăn chặn việc chuyển tiền của bọn tội phạm bằng cách liên hệ với các bên có liên quan.
5. Thu hồi Galaxy Note 7
Samsung đã thu hồi 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7, đồng thời khai tử dòng sản phẩm này sau khi xảy ra ít nhất 25 trường hợp cháy nổ. Mặc dù ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị cháy nổ nhưng việc thu hồi Galaxy Note 7 vẫn diễn ra.
Xét về tác động đến nền kinh tế, đại diện của Samsung Việt Nam cho biết "do chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn, sự cố Note 7 ảnh hưởng không đáng kể đến tình hình sản xuất kinh doanh và kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam trong năm 2016".
Song theo báo cáo tài chính của Samsung Electronics, từ vị thế là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống trên toàn cầu, Samsung Bắc Ninh đã phải ghi nhận lỗ hơn 147 tỷ Won – tương đương 3.000 tỷ đồng - trong quý 3. Cùng với đó, doanh thu sụt giảm 30%, tương ứng giảm hơn 32.000 tỷ so với quý trước.
6. SAM Media móc túi thuê bao di động 230 tỷ đồng
Việc nhà mạng tự động kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng đã xảy ra trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, chúng ta mới thực sự sốc khi báo cáo kết quả thanh tra công ty SAM Media được công bố vào tháng 9/2016.
Cụ thể, từ đầu năm 2013 đến tháng 3/2016, thuê bao di động của Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã bị móc túi tổng số tiền là 230,5 tỷ đồng. Số lượng khách hàng bị trừ tiền dịch vụ tính đến ngày 19/7 là gần 94.000 thuê bao. Trong đó, nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền. Ngay sau đó, cả 3 nhà mạng lớn đều cho biết đã dừng hợp tác với Công ty ACOM (đơn vị cung cấp dịch vụ của SAM Media trên các mạng di động ở Việt Nam).
7. Thu hồi hơn 10 triệu SIM rác
Tính đến cuối tháng 11/2016, các nhà mạng đã thu hồi hơn 10,7 triệu sim kích hoạt sẵn, đăng kí sai thông tin đã bị khóa dịch vụ. Như vậy, sau 3 tuần Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh kiểm tra, giám sát cam kết của 5 nhà mạng (GTel, Mobifone, Viettel, VNPT Vinaphone, VietNammobile) về thu hồi Sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối thì đã có một lượng sim rác lớn nhất từ trước tới nay bị thu hồi so với những đợt thanh tra, kiểm tra trước.
Các doanh nghiệp viễn thông di động cũng đã xác định trên hệ thống kỹ thuật được hơn 12 triệu thuê bao tồn đọng trên các kênh phân phối, đồng thời nhắn tin đến các thuê bao để những SIM nào đã được bán đến tay người sử dụng cần đăng ký lại thông tin.
Sau 15 ngày các SIM đang tồn trên kênh phân phối hoặc không đăng ký lại thông tin sẽ bị thu hồi, khóa dịch vụ. Việc thu hồi sim kích hoạt sẵn cũng thể hiện quyết tâm nâng cao hiệu quả sử dụng kho số trong môi trường thông tin di động; xử lý triệt để cá nhân, tổ chức ẩn danh gây mất trật tự xã hội.
8. Thương mại điện tử Việt Nam đang bị thâu tóm?
Đầu tháng 4/2016, Alibaba (Trung Quốc) đã chính thức làm chủ sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada tại Đông Nam Á sau khi hoàn tất thương vụ trị giá 1 tỉ USD. Như vậy, gã khổng lồ bán lẻ Alibaba đã đặt chân vào lĩnh vực TMĐT ở khu vực Đông Nam Á - nơi Lazada đang hoạt động tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cuối tháng 4/2016, Rocket Internet, chủ sở hữu Zalora Việt Nam, đã bán lại sàn TMĐT này cho Central Group của Thái Lan. Central Group là một trong những hãng bán lẻ lớn nhất khu vực và đang "bành trướng" tại Việt Nam, Malaysia, Indonesia… Mới đây nhất, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cho biết đang có kế hoạch mở rộng hoạt động bán lẻ tại Việt Nam, đồng thời sẽ mở trang TMĐT vào cuối năm nay sau khi ra mắt kênh Lotte Shopping TV vào năm 2012.
Những con số thống kê trước đó của Bộ Công Thương cho thấy thị trường TMĐT ở Việt Nam rất khả quan. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh trong nước phải tỉnh táo hơn bởi khi hội nhập, doanh nghiệp ngoại sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Với tiềm lực mạnh mẽ cùng cách làm chuyên nghiệp, họ có thể "đè bẹp" doanh nghiệp trong nước.
9. Đài truyền hình quốc gia VTV bị khoá kênh Youtube
Từ ngày 29/2, người dùng Internet đã phát hiện VTV Go, kênh YouTube chính thức của Đài truyền hình Việt Nam, đã bị ngừng hoạt động. Khi truy cập vào kênh này, giao diện chỉ hiển thị thông báo hàng loạt chiếc TV - dấu hiệu của một kênh YouTube đang ngưng hoạt động.
Nguyên nhân vụ việc trên được cho là do kênh YouTube VTV Go đã sử dụng những hình ảnh flycam từ kênh Yamaha Trung Tá mà mà chưa được sự đồng ý của tác giả. Ông Bùi Minh Tuấn, chủ sở hữu kênh YouTube Yamaha Trung Tá, đã báo cáo (report) ba video của VTV, cả ba đã ngừng phát trên YouTube và kênh VTV Go cũng ngưng hoạt động. Việc bị Youtube khóa kênh không phải là điều quá mới, nhưng trường hợp của VTV Go là lần đầu tiên một đài truyền hình quốc gia bị khóa kênh Youtube.
10. Tắt sóng truyền hình analog
Vào ngày 15/8/2016 tất cả các kênh truyền hình analog tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. HCM và Cần Thơ đã tắt sóng hoàn toàn. Người dân tại 5 thành phố này và các vùng lân cận có thể dùng đầu thu kỹ thuật số mặt đất DVB-T2 hoặc tivi tích hợp DVB-T2 để thu sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 miễn phí, số kênh thu được có thể từ 26 kênh lên đến hơn 70 kênh tùy thuộc vào từng khu vực.
Việc tắt sóng truyền hình analog tại 4 thành phố lớn vào ngày 15/8/2016 vừa qua đã đánh dấu giai đoạn 1 của lộ trình số hóa truyền hình chính thức hoàn thành. Theo lộ trình số hóa truyền hình được Chính phủ phê duyệt, tới ngày 31/12/2016 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của lộ trình số hóa. Trong đó, có thêm 26 tỉnh thành thuộc nhóm 2 sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.