10 thành phố có chi phí nuôi ô tô đắt nhất thế giới hiện nay

Tác giả: Huyền Thương

saosaosaosaosao
Văn hóa 16/02/2023 07:45

Giá xăng tăng đã khiến chi phí sở hữu ô tô bình quân trên toàn cầu tăng cao trong năm qua. Dù vậy, số lượng người mua ô tô vẫn không giảm.

Hồng Kông là thành phố có chi phí sử dụng ô tô đắt đỏ nhất thế giới, với mức “nuôi xe” trung bình khoảng 10.000 đô la Hồng Kông.

Hồng Kông là thành phố có chi phí lái xe đắt đỏ nhất thế giới, với mức “nuôi xe” trung bình khoảng 10.000 HKD, tương đương 30 triệu đồng/tháng - Ảnh: SCMP.

Theo bảng xếp hạng mới được công bố, Hong Kong là thành phố có chi phí lái xe đắt đỏ nhất thế giới. Lý do là giá xăng tăng vọt. Các cơ quan quản lý đã đề xuất người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy điện thân thiện hơn với môi trường, được cho là có chi phí vận hành rẻ hơn, ít nhất là "không tốn tiền mua xăng".

Cụ thể, theo bảng xếp hạng chỉ số giao thông hàng năm vừa được công bố của TomTom, doanh nghiệp công nghệ định vị của Hà Lan, các cư dân lái xe động cơ xăng ở Hong Kong phải chi trung bình 3.395 USD (hơn 80 triệu đồng) tiền mua nhiên liệu để có thể di chuyển quãng đường 16.000 km vào năm 2022, tăng 14% so với năm 2021.

Sau Hong Kong, thành phố lái xe đắt đỏ thứ hai là London ở mức 3.063 USD và Athens ở mức 2.841 USD. Ngoài ra, Oslo và Paris cũng nằm trong số 5 thành phố đắt đỏ nhất thế giới để lái một chiếc ô tô chạy bằng xăng, với chi phí mua nhiên liệu lần lượt là 2.825 USD và 2.738 USD mỗi năm.

sử dụng ô tô

Bản báo cáo được công bố dựa trên khảo sát 389 thành phố tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ cho biết: "Năm 2022 chứng kiến giá năng lượng tăng do một số yếu tố – như chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thời tiết xấu, đầu tư thấp hơn… và căng thẳng Nga - Ukraine cũng làm tình hình thêm trầm trọng".

Ngoài ra, khi giao thông tắc nghẽn, mức tiêu thụ nhiên liệu cũng tăng lên.

Theo báo cáo, các tài xế trên khắp thế giới đã chi số tiền trung bình nhiều hơn 27% mới đổ đầy bình xăng xe ô tô vào năm 2022 so với một năm trước, trong khi những người lái ô tô động cơ diesel chi nhiều hơn 48%.

Tuy nhiên, chi phí tăng cao vẫn không ngăn cản được nhiều người lái xe. "Điều thú vị là, mặc dù chi phí lái xe trên toàn cầu ngày càng tăng, nhưng ô tô vẫn tiếp tục là phương tiện giao thông chính ở hầu hết các thành phố", báo cáo cho biết, đồng thời thông tin thêm rằng thời gian tham gia giao thông cũng tăng lên tại hầu hết các thành phố.

Giá bán lẻ xăng ở Hong Kong đầu tuần này ở mức 23,09 đô-la Hong Kong (HKD), tương đương 2,94 USD và hơn 70.000 đồng mỗi lít, được xếp hạng cao nhất trên thế giới và cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 10,23 HKD mỗi lít, theo nền tảng nghiên cứu globalpetrolprices.com.

James Kong, Chủ tịch Viện Lái xe Cao cấp Hong Kong, cho biết chi phí lái xe tăng cao của thành phố chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng vọt trong hai năm qua. Ngoài nhiên liệu, người tham gia giao thông còn phải trả các chi phí khác bao gồm trung bình khoảng 7.800 HKD (23 triệu đồng) một tháng cho bãi đậu xe.

Mặc dù chi phí tăng cao, số lượng ô tô cá nhân của thành phố vẫn tăng lên. Tuy vậy, xu hướng sử dụng xe điện đang ngày càng tăng ở Hong Kong. Hơn một nửa trong số khoảng 30.000 ô tô cá nhân mới được bổ sung vào năm ngoái của thành phố là ô tô điện.

Ringo Lee Yiu-pui, chủ tịch Hiệp hội ô tô Hong Kong, cho biết ngoài việc ghi nhận giá nhiên liệu cao nhất, Hong Kong còn có chi phí cấp phép, đỗ xe và bảo dưỡng phương tiện cao nhất thế giới. Ông ước tính tổng chi phí hàng tháng cho một tài xế là khoảng 10.000 HKD (30 triệu đồng).

Lee cho rằng các chính sách của chính phủ đối với phương tiện cá nhân đã đẩy chi phí sở hữu ô tô ở Hong Kong đắt đỏ và kêu gọi các nhà chức trách xem xét các chính sách, giảm chi phí lái xe. Ông cho biết ô tô riêng đã trở thành một thứ "cần thiết" đối với một số cư dân để đi lại hàng ngày, thay vì là một thứ "xa xỉ".

Xe điện là một giải pháp thay thế tốt, có chi phí vận hành thấp hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và thân thiện với môi trường, nhưng chính phủ cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung thêm nhiều trạm sạc.

Tại Hong Kong, để tránh việc phải mua xăng giá cao do các loại thuế, nhiều trạm tiếp nhiên liệu di động, điểm bán xăng bất hợp pháp đã mọc lên trong hai năm qua. Mới đây, các nhà chức trách đã đóng bảy trạm tiếp nhiên liệu bất hợp pháp, tịch thu khoảng 30.000 lít dầu diesel và năm bồn chứa, trị giá khoảng 600.000 HKD.

Ý kiến của bạn

Bình luận