Định hướng lớn thúc đẩy sản xuất, sử dụng xe điện 10 năm tới

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/07/2022 11:53

Trong 10 năm tới, ngành GTVT thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện.

Giai đoạn 2022-2030 thúc đẩy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện - Ảnh internet

Giai đoạn 2022-2030 thúc đẩy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện - Ảnh internet

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các - bon và mê-tan của ngành GTVT. Mục tiêu tổng quát của chương trình là phát triển hệ thống GTVT dùng điện, năng lượng xanh, đưa phát thải ròng khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050.

Thực hiện mục tiêu trên, chương trình đưa ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với các lĩnh vực GTVT: đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không và giao thông đô thị. Lộ trình chia thành giai đoạn: 2022-2030, 2031-2050 và các mục tiêu cụ thể.

Trong lĩnh vực đường bộ, giai đoạn 2022-2030: thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông đường bộ.

Đến năm 2040, từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô, môtô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ năm 2022, các tuyến đường sắt mới được đầu tư theo hướng điện khí hóa.

Từ năm 2022, các tuyến đường sắt mới được đầu tư theo hướng điện khí hóa.

Lĩnh vực đường sắt, giai đoạn 2022-2030: nghiên cứu thí điểm phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh các các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo hướng điện khí hóa.

Với đường thủy nội địa, khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng dụng điện, năng lượng xanh; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh.

Đối với hàng không: giai đoạn 2022-2030: thực hiện đồng thời toàn bộ các biện pháp tiềm năng để giảm phát thải khí các - bon. Từ năm 2027, nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần trong nhiên liệu hàng không.

Còn với giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45 - 50%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25 - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10 - 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Chính phủ giao Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì triển khai các nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu. 

Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các - bon và mê-tan của ngành GTVT xác định huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành GTVT.

Ý kiến của bạn

Bình luận