Hiện trường vụ tai nạn |
Theo một số người dân sinh sống ngay gần lối vào công trường cho biết: vào khoảng hơn 9 giờ sáng, mọi người thấy có tiếng hô hoán liền nhìn vào khu vực công trường thì thấy có 2 công nhân rơi xuống nước. Phải đến 15 phút sau mới có công nhân khác đến khu vực vũng nước để cứu hộ. Tại thời điểm đó, các công nhân cứu hộ xác định đã có 1 công nhân tử vong, một người thoi thóp, nhưng khi đưa lên cũng đã chết sau đó.
Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Bình, chủ tịch UBND xã Lý Bôn bức xúc cho biết: ngay sau khi được quần chúng nhân dân địa phương báo tin. Lãnh đạo xã Lý Bôn đã làm việc theo đúng quy định của pháp luật, đã cử công an xã, chỉ huy quân sự đến hiện trường để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên Ban chỉ huy công trường, đơn vị thi công có người chết đã không hợp tác với chính quyền địa phương. Họ không cung cấp danh tính nạn nhân đã chết, cũng không nói là xác các nạn nhân đã chết giờ để ở đâu, khiến chính quyền địa phương cũng lúng túng, chỉ biết báo cáo lại cho cấp trên để cấp trên chỉ đạo, xử lý theo đúng pháp luật.
Bà T, nhà gần ngay công trường thì cung cấp thông tin cho phóng viên biết: người đầu tiên bị chết, khi cho vào cáng khênh lên đã “tím đen”, sau đó thi thể người này được đơn vị thi công nhanh chóng cho lên một chiếc xe ô tô biển kiểm soát 24N rồi chở theo hướng lên TT Bảo Lâm, sau đó mất hút. Người thứ 2 được đưa lên, cũng có thấy sơ cứu nhưng sau vài chục phút thì người này cũng đã tử vong. Cho đến buổi trưa thì toàn bộ thi thể của các nạn nhân không rõ “đi đâu”.
Liên lạc với ông Tuấn, thư ký của lãnh đạo UBND Tỉnh Cao Bằng, ông Tuấn cho biết: ngay sau khi tiếp nhận được thông tin về vụ việc tai nạn lao động tại công trình thủy điện Bảo Lâm 1, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo UBND Bảo Lâm sớm làm rõ thông tin sự việc trên.
Qua điều tra ban đầu, chúng tôi được biết: Công trình thủy điện Bảo Lâm 1 thuộc công trình cấp II, tổng mức đầu tư 915 tỷ đồng do Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng tại điểm nhập lưu của sông Nho Quế với sông Gâm và nằm ở thượng lưu cầu Lý Bôn (Bảo Lâm) dài 500 m, có tọa độ địa lý 22 vĩ độ bắc, 105 kinh độ đông. Diện tích lưu vực 10.356 km2, chiều dài sông chính 123 km.
Nhà máy có thiết kế, kết cấu theo kiểu đập bê tông trọng lực có cao trình đỉnh đập 169 m, cao độ mặt sàn cửa lấy nước 171,5 m, công suất tổ máy 15 MW, công suất bảo đảm 29,9 MW với 2 tổ máy hoạt động chính có điện lượng trung bình năm 109,4 triệu KWh. Theo kế hoạch, công trình được thi công trong thời gian 2 năm và dự kiến phát điện lên lưới điện Quốc gia vào cuối năm 2016. Công trình này được chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây lắp điện 1 (PCC1) khởi công xây dựng vào ngày 12/11/2014. Người chịu trách nhiệm chính của chủ đầu tư là ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Nhà thầu chính là Công ty cổ phần công nghiệp xây dựng Toàn Phát(TOPACO) do Ông Nguyễn Ngọc Vinh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh doanh nghiệp Toàn Phát thi công này còn có nhà thầu khác là Công ty Sông Đà 5 thi công.
Phóng viên đã liên lạc với ông Ước, chỉ huy trưởng của công trường về sự cố 2 người chết nói trên, tuy nhiên ông Ước cũng “ngạc nhiên” bảo không biết việc này. Có gì sẽ công bố sau, kể cũng lạ.
Theo nhiều người dân địa phương sinh sống ở đây cho biết: nhà máy này cũng chỉ do doanh nghiệp đầu tư tại địa phương, nhưng đã gây nhiều phiền toái đến cuộc sống của người dân như xe quá tải phá nát đường, lắp đặt trạm trộn bê tông gây ô nhiễm, đổ đất thải xuống ven dòng sông, gây ô nhiễm nặng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng cần sớm làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.