Mặc dù được mở rộng thêm làn đường nhưng đường Trần Quốc Hoàn thường xuyên kẹt xe - Ảnh: HỮU KHOA |
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mêkong và Công ty Cổ phần hạ tầng Đông Á vừa đề xuất với sở về dự án xây dựng hệ thống đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) với đường Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) theo hình thức đầu tư PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác).
Đây là dự án nhằm giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến có vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.
Theo đó, hệ thống đường trên cao (còn gọi cầu cạn) có tổng chiều dài 5.010m và rộng từ 7,5 đến 12,5m tùy theo đoạn.
Trong đó, cầu chính dài 2.665m từ đường Trường Sơn (sau ngã ba đường Cửu Long) đi vào nhà ga Quốc tế T2 nối tiếp cầu đã xây dựng tại đây và sau đó xây dựng cầu mới chạy qua trước nhà ga Quốc nội T1 và nối đến nhà ga T3 (dự kiến sẽ xây dựng).
Sau đó tiếp tục xây cầu đi dọc tuyến đường Thăng Long, vòng qua đường Phan Thúc Duyện, xuyên qua công viên Hoàng Văn Thụ và tiếp đất tại đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi.
Đồng thời, xây dựng thêm 6 nhánh cầu gồm:
- Nhánh cầu N1 bắt đầu từ cầu chính trên đường Trường Sơn, cầu rẽ trái đi cạnh phía nam nhà để xe quốc nội đi vào nhà ga T3 và sau đó vòng lên cập vào cầu chính phía đường Thăng Long dài khoảng 1.100m.
- Nhánh cầu N2 từ cầu chính trên đường Trường Sơn cầu rẽ trái đi xuống và tiếp cận nhà để xe quốc nội dài 230m.
- Nhánh cầu N 3 bắt đầu từ đường ra của nhà ga phía trước tòa nhà Sasco đi vòng để kết nối vào cầu chính tại khu vực nhà ga T3 dài 370m.
- Các nhánh cầu N 4, N5, N6 là các nhánh cầu nối xuống các đường Thăng Long, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ…
Theo ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự án tuyến đường trên cao trên sẽ được kết nối với tuyến đường trên cao số 1 - TP.HCM (đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) - Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - cầu Phú An (Q.Bình Thạnh).
Đồng thời để tạo thuận lợi cho hành khách đi từ sân bay vào Trung tâm TP, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết có nhà đầu tư nước ngoài đang đề xuất xây dựng tuyến metro kết nối vào sân bay.
Như vậy, khi hàng loạt dự án trên đưa vào sử dụng sẽ giải quyết giao thông thông suốt cho cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2016 dự kiến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 30 triệu lượt hành khách/năm sẽ tiếp tục quá tải so với quy hoạch 25 triệu lượt hành khách/năm (năm 2015 đã đón 26,5 triệu khách).
Sở này cho biết để khai thác với công suất này, hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh sân bay phải được xây dựng đồng bộ như xây dựng đường trên cao, đường sắt đô thị, các nút giao thông khác mức,…
Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông vẫn chưa được thực hiện theo đúng quy hoạch và chỉ có một lối ra vào sân bay duy nhất là đường Trường Sơn, Q.Tân Bình nên đã xảy ra tình trạng quá tải của hệ thống giao thông xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.