5 gia đình đau khổ vì phút bốc đồng của nam sinh lớp 11

Đường dây nóng 26/12/2017 17:02

Bị cáo 17 tuổi bật khóc trước tòa, thừa nhận do thiếu kiềm chế đã đánh bạn tử vong và kéo ba người khác vào tù.

keo-ban-vao-tu-2-1660-1514221282
Bốn bị cáo được cảnh sát dẫn giải tại sân tòa. Ảnh: Đức Hùng

Suốt phiên xử mở tại TAND Hà Tĩnh vào trung tuần tháng 12, Nguyễn Phi Long (17 tuổi) cùng ba người bạn liên tục khóc, bày tỏ sự hối hận khi gây ra cái chết đối với nam sinh lớp 11. Dưới hội trường, nhiều người thở dài, tiếc nuối cho những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, vì những phút thiếu suy nghĩ mà vướng lao lý.

Theo bản án, ngày 24/11/2016, Long gọi điện rủ Trần Huy Đức (17 tuổi), Phan Cao Trọng (20 tuổi), Nguyễn Hồng Sơn (21 tuổi) tới trường THPT Lý Chính Thắng (huyện Hương Sơn) tìm Lê Mạnh Quyền (học sinh lớp 11) để "nói chuyện".

Tới nơi, Sơn đứng ngoài cổng, Long cầm côn nhị khúc đi vào lớp, Trọng và Đức theo sau. Giáp mặt, Long cầm côn đánh một phát trúng đỉnh đầu khiến Quyền ngã gục... Trận đòn khiến Quyền tổn hại sức khỏe 100%, phải sống thực vật, tử vong sau hơn một năm.

Tại tòa, vẻ mặt lo lắng, sợ hãi, Long trình bày trước thời điểm gây án vài tháng có đăng một bức hình của mình lên mạng xã hội. Quyền thấy vậy đã bình luận: "Nhìn bố bình thường mà sinh ra người con đẹp trai". Cho rằng Quyền xúc phạm mình, Long viết lại với những lời thách thức, hàm ý sẽ trả thù.

Long khai nghe mình kể chuyện, Sơn, Trọng và Đức khuyên nên "cảnh cáo nhẹ tay" vì đó là chỗ quen biết. Song khi ẩu đả, Long đã ra tay rất mạnh. "Bị cáo không thể kiểm soát được hành động của bản thân, sự việc xảy ra ngoài ý muốn", Long nói.

Chủ tọa đặt câu hỏi: "Biết việc làm đó là sai, tại sao lại rủ thêm các bạn cùng làm theo?". Long đáp, nhờ có Sơn, Đức và Trọng đi cùng mới đủ tự tin đi tìm Quyền để đánh. Không có các đàn anh, nếu bị những người trong trường tấn công lại thì bị cáo không thể đáp trả.

Hai bàn tay run run, Trọng cho hay thời điểm đó đi làm công nhân ở miền Nam, trở về để chuẩn bị cho đám cưới của chị gái. "Khi nghe cậu em nhờ vả, vì tính cả nể nên bị cáo không thể từ chối", Trọng nói.

Chung suy nghĩ, Sơn và Đức trình bày, trước cuộc gọi điện thoại nhờ vả của người bạn, người em, không biết trả lời như thế nào cho vừa lòng. Nếu từ chối, Long sẽ cho rằng thiếu nhiệt tình. Suy nghĩ nhiều lần, cả hai đưa ra quyết định sẽ giúp, song đề nghị chỉ lúc nào Long thất thế mới ra tay can ngăn.

"Hành vi của ba bị cáo là đồng lõa, giúp sức cho Long thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Nếu các bị cáo từ chối đi theo sẽ không xảy ra hậu quả khôn lường như vậy", chủ tọa nói.

Ông Phạm Lĩnh (bố Quyền) trình bày, từ ngày con bị đánh dẫn tới nằm liệt giường rồi qua đời, gia đình suy sụp, kinh tế sa sút, phải vay mượn nhiều nơi. "Con dại cái mang, nếu gia đình các bị cáo đồng ý bồi thường thỏa đáng, chúng tôi sẽ yêu cầu giảm nhẹ hình phạt", ông nêu ý kiến.

Trước yêu cầu bồi thường 700 triệu đồng từ phía bị hại, Long, Sơn và Trọng trình bày mong có thể giảm bớt, vì bố mẹ làm nông, kinh tế khó khăn, rất khó có thể gom đủ số tiền. Đức khóc, nói bố mẹ đã ly hôn từ nhỏ, được bà ngoại nuôi lớn khôn. "Bà bây giờ kiếm tiền trăm đã khó, huống gì tiền triệu", bị cáo nói.

Được nói lời sau cùng, bốn bị cáo với khuôn mặt búng ra sữa òa khóc, khoanh tay cúi gập người trước bố mẹ bị hại xin lỗi. Họ mong muốn được tha thứ, bỏ qua sai lầm quá lớn này để có thể đứng dậy sau khi vấp ngã.

Nhận định Long là người chủ mưu, HĐXX tuyên phạt 8 năm tù; Trọng, Sơn và Đức mỗi người lĩnh 2 năm tù cùng về tội Giết người. Bị cáo Long và Đức có tình tiết giảm nhẹ do đang ở tuổi vị thành niên. Gia đình Sơn và Trọng đều có công với cách mạng.

Tòa yêu cầu các bị hại phải bồi thường 380 triệu đồng tổn thất vật chất và tinh thần. Trong đó, Long phải chịu 55%, số còn lại chia đều cho Sơn, Đức và Trọng.

keo-ban-vao-tu-1-7529-1514221282
Những ông bố, bà mẹ tranh thủ giờ nghị án để động viên con. Ảnh: Đức Hùng

Có mặt tại phiên xử, Bí thư đoàn trường THPT Lý Chính Thắng chia sẻ, tuy không tham gia dạy bốn em nhưng thầy rất đau lòng khi chứng kiến cảnh này. "Qua sự việc này, mong tất cả các trường học cần tuyên truyền, giáo dục để ngăn tình trạng bạo lực học đường, tránh những sự việc tương tự xảy ra", thầy giáo nói.

Rời phiên tòa với các bản án tù giam, bốn bị cáo ngơ ngác, rảo bước đi theo cảnh sát trở về trại giam. Trong cái rét mùa đông, những ông bố bà mẹ lỉnh kỉnh tay mang đồ tiếp tế sụt rùi, dặn con phải biết cố gắng cải tạo. "Sau này mong các cháu đừng đi lại vết xe đổ do chính mình tạo ra", một ông bố nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận