Vào ngày 24/7, một vụ vỡ đập thủy điện xảy ra tại Lào đã khiến hàng trăm người mất tích và ít nhất hơn 20 người thiệt mạng. Hiện tại, lực lượng cứu hộ vẫn đang gấp rút dùng trực thăng và thuyền để cố gắng tìm kiếm những người mất tích và sơ tán người dân bị mắc kẹt trong vùng lũ.
Bên cạnh sự việc vừa xảy ra tại Lào, trên thế giới đã từng xảy ra nhiều vụ vỡ đập mang tầm thảm họa khác, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và thiệt hại tới hàng chục triệu USD.
1. Vỡ đập Bản Kiều (Trung Quốc)
Đập Bản Kiều thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc được xây dựng trên sông Nhữ vào đầu những năm 1950 như một phần của công trình chống lũ lụt và sản xuất điện. Năm 1975, cơn bão Nina đã tàn phá khu vực này với những trận mưa lớn nhất trong lịch sử. Lượng mưa trong cả năm đã đổ xuống chỉ trong 24 giờ khiến chiếc đập này không chống chịu nổi.
Đập Bản Kiều sau thảm họa. (Ảnh: litverse) |
Thảm họa này gây ra một cơn sóng khổng lồ trải rộng gần 10km, cao từ 3-7,5m lao đi với vận tốc khoảng 48km/giờ. Từ 170.000 đến 240.000 người đã thiệt mạng trong vụ vỡ đập này, tuy nhiên con số chính thức mà chính quyền công bố chỉ là 85.600 người chết. Mức độ thiệt hại của thảm hoạ này chỉ được tiết lộ sau khi nó xảy ra hàng thập kỷ.
2. Vỡ đập Kelly Barnes (Mỹ)
Kelly Barnes là con đập đắp bằng đất ở bang Georgia, Mỹ. Sau 1 trận mưa rất lớn kéo dài từ trưa đến đêm 5/11 sáng sớm ngày 6/11/1977, vào lúc 1h30, con đập đã vượt qua giới hạn chịu đựng và ồ ạt tuôn nước về phía hạ lưu. Ít nhất 39 người thiệt mạng, 18 ngôi nhà bị cuốn trôi cùng với nhiều cây cầu ở vùng hạ lưu bị tấn công.
Hiện trường sau vụ vỡ đập Kelly Barnes năm 1977 |
Theo điều tra sau đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố là khi xây dựng các kĩ sư đã tính toán sai về độ dốc mái đập. Điều này đã làm thay đổi trọng tâm và khả năng chịu lực của con đập trong điều kiện trời mưa lớn. Con đập này đã không bao giờ được xây dựng lại và tại nơi xảy ra sự cố người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm để thu hút khách du lịch.
3. Vỡ đập Machchu-2 (Ấn Độ)
Vào ngày 11/8/1979, đập Machchu - 2 nằm trên sông Machchu đã bị vỡ, tạo ra một bức tường nước khổng lồ, quét qua thị trấn Morbi gây ra thiệt hại rất lớn khi số người thiệt mạng ước tính lên đến 25.000 người.
Hình ảnh về đập đất Machchu - 2 bị vỡ do mưa lớn |
Nguyên nhân của sự cố là những trận mưa lớn ở đầu nguồn, làm con đập đắp bằng đất dài 4km bị tan rã. Khả năng thiết kế của đập chỉ chịu được lưu lượng 5.663 m3/s trong khi trận mưa lớn năm đó làm lưu lượng lên đến 16.307 m3/s, gấp 3 lần sức chịu đựng của công trình.
Trong vòng 20 phút, nước lũ đã dâng từ 3.7 lên 9.1m, nhấn chìm toàn bộ thị trấn công nghiệp Morbi nằm sau con đập 5km. Trong quá trình tái xây dựng, con đập mới đã được tăng cường khả năng chịu đựng với lưu lượng lên đến 21.000 m3/s.
Vụ vỡ đập Machchu - 2 đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness như một thảm họa kinh hoàng nhất từng xảy ra trên thế giới.
4. Vỡ đập South Fork (Mỹ)
Tại Mỹ, vụ vỡ đập South Fork xảy ra năm 1889 đã đi vào lịch sử nền kinh tế số 1 thế giới với 2.209 người thiệt mạng.
Trước khi "thảm họa" xảy ra, con đập ở bang Pennsylvania liên tục được cảnh báo rò rỉ nước ở nhiều chỗ nhưng các kỹ sư… không thể vá xuể. Và chuyện gì tới cũng phải tới, khi lượng mưa vào tháng 5/1889 vượt quá sức chứa của hồ thủy điện này, 20 tấn nước đã khiến đập South Fork đổ sập và gây thiệt hại ít nhất 17 triệu USD, đồng thời khiến 2.209 người chết.
5. Đập Vajont (Italia) - chưa vỡ đã khiến hơn 2000 người thiệt mạng
Đập Vajont, Italia là nơi xảy ra một thảm họa hy hữu nhất thế giới khi mà đập chưa vỡ, chưa xả đáy nhưng hơn 2000 người dân vẫn thiệt mạng vì nước lũ.
Cảnh tượng trước và sau khi xảy ra sự cố ở Vajont, Italia. Ảnh: Geoengineer |
Vajont là một trong những con đập lớn nhất thế giới, cao 262m, dày 27m ở đáy và 3.4m ở mép trên cùng. Thế nhưng đến năm 1963, một vụ sạt đất đã xảy ra trên sườn núi Monte Toc, những khối đất khổng lồ lao xuống lòng hồ với tốc độ 110km/h khiến mực nước trong lòng hồ dâng nhanh kinh hoàng, tràn ra khỏi mép đập và lao thẳng xuống ngôi làng bên dưới. Kích thước khổng lồ của Vajont đã không thể cứu được những người dân của ngôi làng phía dưới. Quá trình dự báo ban đầu đã bị sai lệch do chủ quan của cơ quan cảnh báo.
Hiện nay, đập Vajont đã bị bỏ hoang không còn sử dụng nữa.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.