9 tháng đầu năm TNGT được kéo giảm nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 21/10/2018 07:11

Trong 9 tháng đầu năm,TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn xảy ra TNGT nghiêm trọng,đặc biệt là số người chết vẫn chưa giảm theo mục tiêu.

 

Anh ATGT_1
 

TNGT tiếp tục được kéo giảm

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 13.242 vụ TNGT, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người; so với 9 tháng đầu năm 2017 giảm 1.120 vụ (-7,8%), giảm 113 người chết (-1,84%), giảm 1.467 người bị thương (-12,45%).

Trong đó, đường bộ xảy ra 13.055 vụ, làm chết 5.882 người, bị thương 10.265 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 1.102 vụ (-7.78%), giảm 97 người chết (-1.62%), giảm 1.472 người bị thương (-12.54%).

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân lớn nhất xảy ra TNGT là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm 25,3%. Về giới tính, tai nạn đối với nam giới chiếm 86,4%. Độ tuổi người bị nạn từ 27 đến 55 tuổi, chiếm 53,4%. TNGT trên quốc lộ chiếm 40,99%. Phương tiện bị tai nạn do xe mô tô, xe gắn máy chiếm 60,2%.Đường sắt xảy ra 114 vụ, làm chết 94 người, bị thương 49 người; so với cùng kỳ năm 2017 tăng 01 vụ (0,88%), giảm 4 người chết (-4,08%), tăng 16 người bị thương (48,48%). Trong đó, 62,86% nguyên nhân do phương tiện giao thông đi qua lối tự mở.

Cùng với đó, lĩnh vực đường thủy nội địa xảy ra 58 vụ, làm chết 32 người, bị thương 5 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 18 vụ (-23,68%), giảm 4 người chết (-11,11%), giảm 10 người bị thương (-66,67%). Lĩnh vực Hàng hải xảy ra 15 vụ, làm chết 4 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 01 vụ (-6,25%), giảm 8 người chết (-66,67%), giảm 01 người bị thương (-100%).

Vẫn còn áp lực lớn

Trước diễn biến phức tạp của TNGT, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá tuy TNGT tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí nhưng số người chết giảm 1,84% là chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ (giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí). Vấn đề này sẽ tạo áp lực lớn cho các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành mục tiêu về bảo đảm TTATGT trong quý IV.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, nguyên nhân khách quan xảy ra TNGT là do kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập, đặc biệt trên hệ thống đường sắt còn nhiều giao cắt đồng mức với đường bộ, nhiều đường ngang tự mở trái phép chưa được xử lý, các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm. Trên hệ thống đường bộ còn một số “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT chưa được xử lý; nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng, dẫn đến mật độ tham gia giao thông ngày càng tăng cao.

Đặc biệt, tình trạng một số bộ phận doanh nghiệp kinh doanh vận tải chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm TTATGT, dẫn đến nguy cơ mất ATGT đối với các phương tiện kinh doanh vận tải vẫn còn cao; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn.

Quyết tâm kiềm chế TNGT toàn diện

Trong quý IV, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT. Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản QPPL liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bảo đảm TTATGT, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014); Bộ ban hành theo thẩm quyền Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 91 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao điều kiện ATGT đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, như: Tăng cường xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống đường bộ; tiếp tục xây dựng gờ giảm tốc tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; cải tạo hệ thống thiết bị tín hiệu điện khí tại một số nhà ga đường sắt. Những nỗ lực đó nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực về điều kiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt; tập trung khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải có xe vi phạm; đôn đốc các đơn vị và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Ý kiến của bạn

Bình luận