Áp lực giao thông ngày càng gia tăng điển hình như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm không khí… trong thời gian qua cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt giảm doanh số xe máy. Ảnh: Vũ Thành Vũ |
Trong quý III/2019, thị trường xe máy tại Việt Nam tiếp tục có dấu hiệu suy giảm. Thống kê của 5 nhà sản xuất xe máy lớn nhất gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM cho thấy, sức mua trong 3 quý đầu năm đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, quý I giảm 6,13%, quý II giảm 4,39% và quý III giảm 3,8% (tương đương 33.518 xe). Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm vừa qua, các hãng xe đã đồng loạt tung ra nhiều mẫu xe mới, các bản nâng cấp cùng nhiều ưu đãi để kích cầu khách hàng.
Trên thực tế, tổng lượng xe máy được tiêu thụ trên toàn thị trường sẽ cao hơn bởi đây chỉ là số liệu của 5 thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), còn tới 10 thương hiệu xe máy (gồm cả phân khối lớn) cùng các đơn vị nhập khẩu xe từ nước ngoài chưa được thống kê. Hiện tại, lượng xe máy của Việt Nam vẫn đang xếp thứ 4 trên thế giới sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện một cửa hàng ủy nhiệm (Head) của Honda cho hay, doanh số liên tục sụt giảm không chỉ riêng Head này mà là bối cảnh “bão hòa” chung của thị trường, khiến việc kinh doanh xe máy đang ngày một khó khăn hơn. Thậm chí, lĩnh vực kinh doanh xe máy có thể sẽ thu hẹp trong vài năm nữa khi nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng kinh doanh. Điều này không chỉ do sự cạnh tranh khốc liệt mà còn do nhu cầu của người tiêu dùng đang dần chuyển hướng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dấu hiệu giảm liên tục thời gian qua có thể chỉ phản ánh hiện trạng tạm thời chứ chưa thể khẳng định thị trường xe máy Việt Nam sẽ suy giảm, bởi đây vẫn là phương tiện chính đáp ứng nhu cầu, phù hợp với hạ tầng cũng như “túi tiền” của người Việt. Mặt khác, cũng nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển của ô tô, xe điện cùng áp lực giao thông ngày càng gia tăng điển hình như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm không khí… trong thời gian qua cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy giảm doanh số xe máy.
Trái ngược với đà giảm của xe máy, thị trường ô tô trong năm nay đã bắt đầu “khởi sắc” trở lại sau giai đoạn “chạm đáy” kỷ lục. Về xe nhập khẩu, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng 232,9% về số lượng và 213,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018 với gần 96.000 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Trong đó, Thái Lan vẫn là nguồn cung ở vị trí dẫn đầu, chiếm hơn 50% với gần 57.000 xe.
Ở thị trường xe trong nước, tình hình tiêu thụ có mức tăng trưởng cao trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ, dù có tháng giảm mạnh. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của các thành viên VAMA tăng 20% so với 8 tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, thị trường còn có nhiều hãng xe khác không công bố doanh số bán hàng.
Trong quý IV sẽ là thời điểm tiêu thụ phương tiện cơ giới lớn nhất trong năm bởi nhu cầu mua sắm tăng cao. Trước “thời điểm vàng” này, nhiều hãng xe đã công bố các gói ưu đãi kích cầu, chuẩn bị giới thiệu nhiều mẫu xe mới. Hơn 3/4 chặng đường năm 2019 đã qua, thị trường ô tô gần như có thể khẳng định sự tăng trưởng trở lại mạnh mẽ, trong khi đó tương lai cho sự tăng trưởng của xe máy tại Việt Nam vẫn còn đang bỏ ngỏ và chờ đợi những dấu hiệu tích cực hơn
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.