Những biện pháp trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran có thể sẽ đẩy giá xăng, dầu lên cao. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8.5 cho biết Mỹ sẽ bắt đầu khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông sẽ không phải là nơi duy nhất bị ảnh hưởng.
Theo thỏa thuận năm 2015, Mỹ và các nước khác đồng ý dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Iran kiềm chế chương trình hạt nhân của mình. Thỏa thuận hạt nhân đã giúp mở cửa nền kinh tế Iran cho các công ty phương Tây mong muốn tận dụng dân số trẻ, có học vấn và tầng lớp trung lưu đang phát triển.
Các hãng hàng không, nhà sản xuất ô tô, tập đoàn khách sạn và các công ty dầu mỏ đều đã ký hợp đồng với Iran. Ngành dầu mỏ của nước này bùng nổ và nền kinh tế tăng trưởng đáng kể. Nhưng những doanh nghiệp như vậy giờ đây có thể phải đối mặt với không ít tổn thất.
Nhà Trắng nói rằng “những người kinh doanh ở Iran sẽ được cấp một khoảng thời gian để cho phép họ giảm dần hoạt động”.
Dưới đây là những lĩnh vực và công ty có nguy cơ bị tổn thương lớn, theo tổng hợp từ CNN.
Xăng, dầu
Iran có trữ lượng dầu thô lớn thứ tư trên thế giới và chiếm gần một phần năm lượng khí tự nhiên trên thế giới. Sau khi lệnh trừng phạt được nới lỏng, quốc gia Trung Đông đã tăng sản lượng lên khoảng 3,8 triệu thùng/ngày.
Những biện pháp trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ gây ra một khoảng trống trong nguồn cung toàn cầu và có thể đẩy giá xăng, dầu lên cao đột biến. Theo AAA Gas Prices, giá xăng của Mỹ hôm nay tăng lên 2,82 USD/gallon, cao hơn so với mức 2,66 USD hồi tháng trước và 2,35 USD một năm trước.
Boeing và Airbus
Các thỏa thuận lớn nhất mà Iran ký kết với các công ty nước ngoài đa phần là với các hãng sản xuất máy bay. Tuy nhiên, các hợp đồng này có khả năng sẽ sớm phải dừng lại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 8.5 nói với các phóng viên rằng giấy phép để Boeing và Airbus xuất khẩu máy bay thương mại, các bộ phận và dịch vụ liên quan đến Iran sẽ bị thu hồi sau khoảng thời gian 90 ngày.
Boeing đã lên kế hoạch bán 80 máy bay phản lực cho Iran Air. Các máy bay phản lực đầu tiên sẽ được giao trong năm nay. Nhà sản xuất máy bay Mỹ cũng đồng ý bán 30 chiếc 737 MAX cho Aseman Airlines, một hãng vận tải khác của Iran. Trong một tuyên bố Boeing cho biết sẽ tham khảo ý kiến với chính phủ Mỹ về các bước tiếp theo.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo chỉ dẫn của chính phủ Mỹ”, Boeing nói.
Airbus, đối thủ châu Âu của Boeing có một nhà máy ở Alabama, cũng đồng ý bán 100 máy bay phản lực cho Iran. Nhưng hãng này đã chuẩn bị để đặt phanh lên các hợp đồng với Iran.
“Chúng tôi đang phân tích cẩn thận tình hình và sẽ đánh giá các bước tiếp theo phù hợp với chính sách nội bộ của chúng tôi, cũng như tuân thủ đầy đủ các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu”, Airbus cho hay.
General Electric, Volkswagen và Total
Lo ngại về khả năng lệnh cấm vận quay trở lại đã khiến nhiều công ty nước ngoài đứng bên lề trong các giao dịch với Iran. Trong khi đó một số ít công ty tham gia giao dịch hiện nhiều khả năng phải đối mặt với những nguy cơ không nhỏ.
Hãng dầu khí của Pháp Total đã ký một thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD nhằm giúp phát triển mỏ khí khổng lồ South Pars của Iran, cùng với hãng dầu mỏ quốc doanh Trung Quốc CNPC. Hiện Total đang lo rằng thỏa thuận này có thể sẽ sụp đổ khi các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra.
General Electric (GE) đã nhận được hàng triệu USD giá trị đơn đặt hàng từ quốc gia Trung Đông vào năm 2017 cho hoạt động kinh doanh dầu khí của nước này, bao gồm những đơn hàng cho các bộ phận máy và thiết bị được sử dụng trong các nhà máy khí. GE cho biết trong một tuyên bố rằng công ty vẫn đang xem xét các quyết định.
“Chúng tôi sẽ điều chỉnh các hoạt động của mình khi cần thiết để phù hợp với những thay đổi theo luật pháp Mỹ. Các hoạt động của GE tại Iran cho đến nay đã được hạn chế và tuân thủ các quy định và chính sách của chính phủ Mỹ”, theo GE.
Trong năm 2017, hãng xe Đức Volkswagen thông báo rằng công ty sẽ bán xe hơi ở Iran lần đầu tiên sau 17 năm.
“Volkswagen bắt đầu xuất khẩu xe sang Iran vào năm ngoái. Do đó, chúng tôi theo dõi và xem xét các diễn biến kinh tế - chính trị trong khu vực rất chặt chẽ. Về nguyên tắc, Volkswagen tuân thủ tất cả các luật và quy định xuất khẩu của quốc gia và quốc tế”, Volkswagen cho biết.
Các hãng hàng không và khách sạn
Nhiều nhà khai thác du lịch đã tận dụng Iran như một điểm đến kinh doanh và du lịch mới khi các lệnh cấm vận được nới lỏng. Các hãng hàng không châu Âu như British Airways và Lufthansa đã nối lại các chuyến bay trực tiếp đến Iran, và các nhà chức trách nước này cũng đã giải quyết những yêu cầu về thị thực.
Accor của Pháp là chuỗi khách sạn quốc tế đầu tiên được mở tại Iran vào năm 2015. Melia của Tây Ban Nha và Rotana của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã công bố kế hoạch mở các khách sạn ở Iran.
Nền kinh tế Iran
Tăng trưởng kinh tế đã trở lại với Iran trong những năm gần đây, nhưng sự phục hồi vẫn còn mong manh. Lệnh trừng phạt e rằng sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn nhiều.
Đồng Rial Iran đã giảm so với đồng USD trong những tháng gần đây. Tính riêng trong năm qua, đồng Rial đã mất hơn 22% giá trị. Sự sụt giảm này đã khiến cho hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn. Được biết, một số người Iran đang dùng tiền tiết kiệm để mua USD và euro.
Theo Jason Tuvey, nhà kinh tế Trung Đông tại Capital Economics, tình hình chính trị không chắc chắn sẽ gây hại cho đầu tư. “Một sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng có thể được kích hoạt nếu Iran đấu tranh để tiến hành các giao dịch tài chính quốc tế”, ông Tuvey nói.
Valiollah Seif, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran, nói rằng Iran có đủ ngoại tệ để tài trợ cho việc mua các mặt hàng cơ bản và nguyên liệu thô. “Bất kể quyết định của Mỹ là gì, thì nền kinh tế của chúng tôi cũng sẽ không bị gián đoạn”, ông Seif nói hôm 8.5, theo hãng tin Mehr.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.