Ấn Độ thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng GTVT như thế nào?

Thị trường 01/05/2016 14:02

Đường bộ đóng vai trò chủ đạo trong mạng lưới giao thông Ấn Độ, chiếm khoảng 85% lượng vận tải hành khách và 65% lượng vận tải hàng hóa. Với tổng chiều dài đường sá lên tới hơn 3,34 triệu km, Ấn Độ sở hữu hệ thống đường giao thông lớn thứ 2 trên thế giới.

Duong cao toc Yamuna o An Do
Đường cao tốc Yamuna ở Ấn Độ

Theo thống kê của Bộ Giao thông Đường bộ và Cao tốc Ấn Độ, tổng chiều dài quốc lộ của quốc gia này là hơn 65 nghìn km; tổng chiều dài các xa lộ liên tiểu bang là khoảng 130 nghìn km, còn lại là khoảng 3,14 triệu km đường nối liền các quận chính, đường nông thôn và các đường khác. Lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường tăng trưởng đều đặn 10% mỗi năm, trong khi số lượng phương tiện tăng gần 12% mỗi năm. Điều này khẳng định sự cần thiết trong việc phát triển mạng lưới giao thông trong tương lai gần. 

Chính sách khuyến khích vốn đầu tư

Nhận thức được sự cần thiết trong việc phát triển giao thông đường bộ, từ đầu những năm 2000 đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã tăng cường mở rộng hệ thống cao tốc, với hàng loạt kế hoạch "khủng" như: Chương trình phát triển quốc lộ với vốn đầu tư 

60 tỷ USD, Kế hoạch xây dựng 18.637km đường cao tốc trên toàn quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2022, Chương trình tăng tốc phát triển đường bộ ở khu vực Đông Bắc để tăng cường kết nối đến các vùng hẻo lánh ở Ấn Độ với vốn đầu tư khoảng 2,53 tỉ USD...

Để tìm nguồn vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông khổng lồ, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Cụ thể, Ấn Độ cho phép 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) dưới lộ trình tự động hóa được dùng để hỗ trợ cho công tác vận hành cầu vượt cao tốc, đường thu phí, hầm đường bộ; các dịch vụ xử lý bốc dỡ hàng hóa liên quan đến vận tải đường bộ; công tác xây dựng, nâng cấp, bảo trì cầu, đường; công tác xây dựng, bảo trì các tuyến đường, cao tốc BOT, bao gồm cả hệ thống thu phí… Điều này đã mang lại một nguồn tiền không nhỏ cho các dự án hạ tầng giao thông, khi Ấn Độ được biết đến là một trong những quốc gia thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới.

Các dự án mở rộng đường cao tốc được tạo điều kiện miễn/ giảm thuế trong vòng 10 năm theo Khoản 80 IA, Luật Thuế lợi tức Ấn Độ. Bên cạnh đó, Chính phủ còn trợ cấp vốn lên đến 40% chi phí dự án tùy từng trường hợp; miễn 100% thuế trong vòng 5 năm và giảm 30% thuế trong vòng 5 năm tiếp theo. Một số trường hợp được xem xét miễn/ giảm thuế lên tới 30 năm.

Không chỉ ưu đãi các công ty nước ngoài, Ấn Độ cũng đưa ra nhiều hình thức khuyến khích khác dành cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước. Cụ thể, Chính phủ sẵn sàng chi trả nhiều loại chi phí trong quá trình triển khai dự án như: Chi phí nghiên cứu khả thi, chi phí xây dựng trạm nghỉ bên đường, chi phí giải phóng mặt bằng môi trường, chi phí đốn hạ cây xanh… Ngoài ra, Chính phủ còn miễn thuế nhập khẩu các thiết bị máy móc tải trọng lớn và hiện đại phục vụ cho công tác thi công dự án; nâng hạn mức vay nợ nước ngoài của lĩnh vực hạ tầng giao thông từ 100 triệu lên 500 triệu USD; miễn toàn bộ thuế hải quan cơ bản cho nhựa đường và các máy móc phục vụ việc xây dựng quốc lộ; trao quyền thu phí cho các nhà đầu tư; trao quyền đầu tư các dự án giao thông khác mà không cần thông qua đấu thầu như là phần thưởng cho các nhà đầu tư…

Những con số tích cực

Đáp lại những chính sách ưu đãi hấp dẫn từ Chính phủ Ấn Độ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bắt tay với các công ty trong nước để thành lập các tập đoàn quốc tế và tham gia vào những dự án đường bộ. Kết quả là lượng vốn FDI đổ vào các hoạt động xây dựng hạ tầng giao thông tăng đáng kể. Thống kê của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy, lượng vốn FDI cho các hoạt động xây dựng hạ tầng đường bộ từ tháng 4/2000 đến tháng 7/2011 ở Ấn Độ là 9,3 tỷ USD, chiếm 6,4% tổng FDI cả nước. Mặt khác, các công ty xây dựng trong nước cũng nhận được lượng lớn đơn đặt hàng cho các dự án BOT.

Các ngân hàng lớn trên thế giới cũng tích cực "mở hầu bao" cho các dự án hạ tầng giao thông Ấn Độ. Ngân hàng thế giới đã ký với Bộ Giao thông Đường bộ và Cao tốc Ấn Độ thỏa thuận cho vay 975 triệu USD để bước đầu phát triển giao thông vùng sâu vùng xa ở phía đông Ấn Độ, một phần của Dự án Hành lang vận tải Ấn Độ. Dự án Hành lang vận tải Ấn Độ còn thu hút 14,56 tỉ USD từ Ngân hàng Hợp tác Công nghiệp Nhật Bản cho giai đoạn đầu tiên, dự kiến khởi công vào năm 2016.

Không dừng lại ở đó, Ấn Độ đã ký kết được nhiều hợp đồng hợp tác để xây dựng các dự án lớn khác như: 350 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để phục vụ Dự án Nâng cấp xa lộ liên tiểu bang Karnataka thứ 2; 301,38 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á để hỗ trợ Dự án xây dựng, nâng cấp và cải thiện 433km đường giao thông ở 6 tiểu bang Đông Bắc…

Vô số nhà đầu tư nước ngoài đã tìm thấy cơ hội đầu tư ở giao thông Ấn Độ như: Isolux Corsán, Vinci, Lighteon của Australia và nhiều công ty của Nga, Trung Quốc, Malaysia, chưa kể các nhà đầu tư trong nước như: DS Construction Ltd., GMR Infrastructure Ltd., Hindustan Construction Company, Larsen & Toubro Ltd., Ideal Road Builders Infrastructure Developers, Gammon Infrastructure Projects Ltd. và Soma Enterprises Ltd… Đáng chú ý, Isolux Corsán đã ký hợp đồng liên doanh với Quỹ Hạ tầng Morgan Stanley (MSI) để đầu tư 400 triệu USD vào các dự án phát triển hạ tầng đường bộ Ấn Độ. Phần thưởng mà Chính phủ Ấn Độ dành cho Isolux Corsán là quyền được xây dựng và thu phí 3 dự án đường cao tốc thuộc Chương trình BOT của Cục Quốc lộ Ấn Độ. Chương trình BOT của Cục Quốc lộ Ấn Độ là một chương trình "khổng lồ" được khởi động từ năm 1999, với mong muốn phát triển hệ thống đường bộ ở Ấn Độ trở thành tập hợp các dự án PPP lớn nhất trên thế giới. Ước tính chương trình này tiêu tốn gần 50 tỷ USD khi hoàn thành.

Chương trình BOT của Ấn Độ đã tạo thêm cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư tư nhân khi càng ngày càng có nhiều dự án được triển khai theo hình thức PPP. Nhiều tiểu bang Ấn Độ đã xây dựng các chính sách PPP để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào các dự án đường quan trọng như: Cầu đường bộ Delhi-Noida, đường thu phí Vadodara-Halol, đường bờ Tây và đường xa lộ liên bang Bangalore-Mysore... Trong tương lai, tiềm năng phát triển đường bộ ở Ấn Độ vẫn rất lớn khi mà quốc gia Nam Á này luôn đòi hỏi một cơ sở hạ tầng giao thông mang đẳng cấp thế giới để đáp ứng sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận