Saritha Vankadarath là nữ tài xế xe buýt đầu tiên của Delhi |
An tâm hơn với tài xế nữ
Toàn Tp. Delhi có 5.000 xe buýt. Đường phố trong giờ cao điểm khiến khách đi xe buýt cảm thấy như thể tài xế của họ đang phải tranh giành gay gắt với những chiếc xe tải, xe chuồng gà, xe đạp, xe máy, ô tô con và đôi khi là cả những con voi để giành lấy khoảng đường trống. Chiếc xe buýt màu xanh này cũng vậy, điều khác duy nhất là người cầm lái nó là một phụ nữ, chị Saritha Vankadarath - nữ tài xế xe buýt đầu tiên trong thành phố 17 triệu dân này.
Saritha Vankadarath, 30 tuổi bắt đầu làm công việc lái xe buýt từ tháng 4/2015. Ngoài việc hàng ngày phải đối mặt với không khí ô nhiễm ở Delhi, cô không thấy công việc có gì quá khó khăn: “Một vài hành khách tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi nhưng tôi nghĩ họ vẫn sẽ cảm thấy an toàn với tài xế nữ. Nhiều người đến điểm dừng đỗ đã khen tôi lái rất tốt”.
Tuyển dụng tài xế nữ là một giải pháp trong chiến dịch được phát động nhằm chống lại những hành động quấy rối, lạm dụng tình dục trên xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác xảy ra thường xuyên ở quốc gia này. Delhi là thành phố đứng thứ 4 trong danh sách những thành phố nguy hiểm nhất đối với phụ nữ khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (đứng trước là Bogota, Mexico city và Lima).
Tháng 12/2012, vụ cưỡng hiếp tập thể và giết chết một phụ nữ 23 tuổi đã làm dấy lên làn sóng phản đối trên toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, hàng nghìn người đã xuống đường đòi pháp luật trừng phạt những hành động tương tự một cách nghiêm khắc, một chính sách tốt hơn và phương tiện giao thông công cộng an toàn hơn. Liên hiệp quốc cũng chính thức yêu cầu chính phủ Ấn Độ phải có những biện pháp tích cực để đảm bảo an toàn cho phụ nữ. Sau vụ cưỡng hiếp tồi tệ kia một năm, hai cô gái khác được vinh danh vì họ đã dám đánh trả lại một nhóm thanh niên quấy rối tình dục và định làm nhục họ trên một chiếc xe buýt cách Delhi một giờ lái xe.
Phụ nữ Ấn Độ thường xuyên phàn nàn về việc phải chịu đựng những ánh mắt theo dõi, những hành động quấy rối của đàn ông trên xe buýt. Ayesha Shah, 20 tuổi nói: “Họ động chạm vào phụ nữ, nói những điều tục tĩu hoặc nhìn chằm chằm vào phụ nữ suốt chuyến đi. Nếu họ tôn trọng người phụ nữ lái xe buýt, có thể họ sẽ tôn trọng cả hành khách nữ nữa”.
Tuyển dụng nữ tài xế khó khăn
Ấn Độ là nền kinh tế mới nổi nhưng bảo thủ. Ở các thành phố lớn mới chỉ bắt đầu xuất hiện sự thay đổi trong vài năm trở lại đây. Ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm và đi lại một mình. Saritha Vankadarath nói: “Chính vì có quá nhiều hành động bạo lực chống lại phụ nữ, phụ nữ càng phải vùng lên. Tôi đang cố gắng làm công việc của mình thật tốt và hy vọng mình có thể gây cảm hứng cho những phụ nữ khác tiến lên, làm những công việc trước đây chỉ do đàn ông đảm nhận. Rất nhiều phụ nữ đã nói với tôi rằng nhìn thấy tôi khiến họ cảm thấy tự tin hơn”.
Các quan chức ngành Giao thông cho biết, họ đăng nhiều quảng cáo trên các tờ báo địa phương để tuyển dụng phụ nữ làm lái xe. Có 7 người nộp đơn, 5 người qua được vòng phỏng vấn nhưng 4 người không đủ sức khỏe sau khi được kiểm tra. Saritha Vankadarath là phụ nữ duy nhất trúng tuyển, cô được huấn luyện bốn tuần để ghi nhớ lộ trình chở khách.
Câu chuyện cuộc đời Saritha Vankadarath cũng giống như hàng triệu người khác ở Delhi. Cô sinh ra trong một ngôi làng nghèo khó cách Thủ đô hơn 1.000km. Là con út trong gia đình có 5 con gái, cô bỏ học lúc 16 tuổi và thay cha lái xe ôm khi ông bị ốm. Tiền kiếm chỉ đủ để chạy chữa cho ông bố và làm của hồi môn cho một người chị gái.
Sau đó, cô chuyển tới Delhi - thành phố tràn ngập những người lao động nông thôn tìm kiếm một tương lai bớt đói khổ hơn. Hiện giờ, mỗi tháng cô kiếm được 22.000 rupee với 48 tiếng làm việc một tuần. Hiện tại, cũng có một số tài xế nữ ở những vùng khác trên lãnh thổ Ấn Độ; nhưng các nhà chức trách vẫn gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng. Gần đây, hơn 4.500 mẩu quảng cáo tuyển dụng nữ ở tỉnh Andhra Pradesh đã được đăng tải nhưng không một ứng viên nào nộp hồ sơ. Một quan chức nói rằng có thể họ đã yêu cầu quá cao về trình độ lái xe cũng như sức khỏe.
Nữ lái xe cần có lòng dũng cảm
Saritha Vankadarath cho biết, đồng nghiệp của cô rất tốt và ủng hộ cô làm việc, hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử hay kỳ thị giới tính. Rajinder Singh, 58 tuổi, lái xe buýt từ năm 1982 nói: “Chúng tôi cảm thấy vui khi có một đồng nghiệp nữ. Chúng tôi muốn có nhiều phụ nữ gia nhập đội ngũ hơn nữa. Rất nhiều hành khách nữ nói rằng họ thích lái xe buýt là phụ nữ.
Hiện nay, Delhi vẫn là thành phố thiếu đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng. Toàn thành phố có khoảng 4.500 xe buýt trong khi London con số này là gấp đôi dù dân số London chỉ bằng một nửa Delhi. Với số lượng xe hơi cá nhân đang bùng nổ trong vài thập kỷ trở lại đây, Delhi cũng trở thành một trong những thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới.
Saritha Vankadarath cảm thấy cô như người đi tiên phong trong giới nữ trên khắp Ấn Độ: “Đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng trong mọi mặt cuộc sống. Phụ nữ cũng có năng lực, sức khỏe và sức mạnh để làm bất cứ điều gì. Bạn cần phải có đủ lòng dũng cảm”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.