Người chiến sỹ Điện Biên - Đại tá Đặng Đức Song |
Những năm tháng hào hùng
Ngôi nhà Đại tá Đặng Đức Song nằm trong con ngõ nhỏ phố Pháo Đài Láng, Hà Nội. Đã bước sang tuổi 85, chân tay đã chậm hơn so với trước nhưng ông vẫn rất minh mẫn, đặc biệt là khi nhắc nhớ về những kỷ niệm nơi chiến trường Điện Biên năm xưa. Trong trang phục của người lính giản dị, ông kể cho chúng tôi nghe về những ký ức hào hùng của mình.
Là người con của mảnh đất Nam Sách (Hải Dương), tháng 4/1952, ông hăng hái lên đường nhập ngũ. Chiến sỹ Đặng Đức Song cùng đồng đội tham gia các mặt trận Tây Bắc, Đông Xuân 1953 - 1954 và nằm trong đội hình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu tới khi ta kết thúc thắng lợi. Trong những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm” đó, ông được mọi người biết đến nhiều hơn với hai trận đánh oanh liệt là trận phòng ngự ở Đồi Xanh và trận đánh chiếm lô cốt Cột Cờ trên đồi C1.
Ông kể, thời điểm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ông vừa tròn 20 tuổi, là chiến sỹ thuộc Đại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ phòng ngự ở Đồi Xanh - điểm cao 781. Đây là vị trí quan trọng ở phía Đông cụm cứ điểm Điện Biên Phủ. Sáng ngày 3/3/1954, địch dội mưa bom, đạn pháo đánh phá ác liệt để dọn đường cho hàng trăm tên chia làm 5 đợt kéo lên đánh chiếm các điểm cao. Trong tình thế giao tranh ác liệt đó, ông đã cùng đồng đội mưu trí dàn thế trận đánh chặn kẻ địch, bản thân ông đã bình tĩnh ngắm bắn hạ được viên chỉ huy và tên lính thông tin. Địch mất chỉ huy như rắn mất đầu và tan tác tháo chạy sau loạt lựu đạn tiếp theo của ta. Trong hai ngày tiếp sau, địch tổ chức tấn công lên đồi hòng chiếm vị trí thuận lợi nhưng đều bị đơn vị ông ngăn chặn quyết liệt.
Đại tá Đặng Đức Song tự hào nói: “Chỉ với 24 chiến sỹ trên đồi nhưng đơn vị tôi đã đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, đồng thời phối hợp với đơn vị pháo cao xạ bắn rơi máy bay địch, bảo vệ điểm cao 781”. Sau trận chiến đấu đó, toàn bộ 24 chiến sỹ đơn vị ông được tặng danh hiệu “Dũng sỹ Đồi Xanh”.
Trong trận chiến ở Đồi Xanh, ông bị thương mà không biết. Vài ngày sau trận đánh, vết thương sưng tấy khiến chiến sỹ Song phải đi tới trạm y tế dã chiến điều trị khoảng 10 ngày. Ngay khi trở về đơn vị, ông hăng hái nhận nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng xung kích, chỉ huy bộ đội đánh chiếm lô cốt Cột Cờ trên đồi C1. Khi nhắc đến trận chiến này, ông lại nhớ đến người đồng đội cùng vào sinh ra tử, hy sinh ngay trên tay mình. Đó là chiến sỹ Hựu - người dân tộc Cao Lan, khi cùng ông chuẩn bị cho trận đánh sắp tới thì bị địch bắn vào đầu. Ông nghẹn ngào: “Tôi chạy lại băng bó và bế Hựu vào lòng. Máu nóng của Hựu chảy vào da thịt tôi, ướt cả quần áo. Hựu bám chặt tay tôi từ từ nhắm mắt. Tự nhiên tôi thấy người mình lặng đi, rất khó thở”...
Ông cũng nhớ đến người chiến sỹ bị thương hai chân, tay lăm lăm cầm hai quả lựu đạn “chày” trao cho ông với giọng thều thào: “Địch... ở lô cốt Cột Cờ”, như thúc giục ông tiến lên phía trước. Những tấm gương anh dũng của đồng đội càng khiến ông quyết tâm cùng đơn vị xông lên đánh chiếm mục tiêu. Sau nhiều ngày đêm giao tranh ác liệt, Đặng Đức Song cùng đồng đội đã mưu lược chiến đấu, luồn trong mưa bom bão đạn để giành được thắng lợi. Với ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự mưu trí sáng tạo, Tiểu đội trưởng Đặng Đức Song và đồng đội đã buộc kẻ địch phải từ bỏ ý định đánh chiếm đồi C1. Trong trận chiến này, đơn vị ông đã diệt và bắt giữ hàng chục tên địch, thu được một số chiến lợi phẩm quan trọng, trong đó có hai khẩu trung liên của Mỹ quý giá, đồng thời với cách đánh phù hợp đã hạn chế tối đa thương vong ở phía ta.
Chiến thắng Đồi Xanh, đồi C1 cùng nhiều trận đánh khác của ông và đơn vị đã góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Khi nhắc lại khoảnh khắc nhìn thấy đại quân ta đánh chiếm thành công hầm chỉ huy của Pháp, ánh mắt ông rạo rực niềm vui, sự hào sảng như trận chiến mới diễn ra ngày hôm qua. Có lẽ, đó là kí ức đáng nhớ nhất trong cuộc đời người chiến sỹ Điện Biên…
Sau đúng 2 năm, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1956, xét những đóng góp của ông, chiến sỹ Đặng Đức Song được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Mãi mãi là chiến sỹ Điện Biên
65 năm đã qua, dù trong quân ngũ hay tham gia công tác tại địa phương, anh hùng Đặng Đức Song vẫn trọn một niềm tin với Đảng, với Bác Hồ. Niềm tin đó trở thành bản lĩnh, ý chí, động lực để ông vượt mọi khó khăn trong cuộc sống.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, anh hùng Đặng Đức Song được quân đội cử đi học tại Trường Đại học Bách khoa rồi về công tác tại Nhà máy M1 thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Với phẩm chất ngời sáng của người lính, ông đã hăng say học tập, phấn đấu công tác, không ngừng cống hiến dù ở trong vai trò là người thợ kỹ thuật hay ở vị trí giám đốc nhà máy. Năm 1990, sau 38 năm trong quân ngũ ông được nghỉ hưu theo chế độ với quân hàm đại tá.
Trở về địa phương, ông chỉ thực hiện chế độ “hưu” trên danh nghĩa chứ không có chút nào “nghỉ”. Anh hùng Đặng Đức Song tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh địa phương, được tổ chức và hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Kể từ khi tham gia sinh hoạt tại địa phương, ở cương vị nào ông vẫn luôn phát huy tinh thần chiến sỹ Điện Biên năm xưa, nỗ lực, tận tâm và trách nhiệm để hoàn thành mọi công việc được giao. Mọi người khi làm việc cùng ông đều có chung nhận xét ông là người miệng nói, tay làm, trung thực và giản dị. Việc trong Hội, việc ở địa phương dù nhỏ to, khó khăn đến đâu ông đều hăng hái tham gia giải quyết. Ngày trước, trên địa bàn có trường hợp mẹ liệt sỹ có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp nhưng do chiến tranh, hồ sơ bị thất lạc nên chưa được công nhận để hưởng chế độ của Nhà nước. Đại tá Song cùng các cựu chiến binh khác không quản khó khăn đi tìm nhân chứng, đồng đội của người đã khuất, đến các nghĩa trang liệt sỹ để thu thập đủ thông tin bổ sung hồ sơ. Sau gần một năm thu thập dữ liệu, ông cùng đồng đội đã hoàn thiện hồ sơ để cấp trên công nhận trường hợp này theo đúng chế độ quy định và kết quả người chiến sỹ đó được công nhận là liệt sỹ.
“Trong quá trình tìm kiếm, rất nhiều người đặt vấn đề biết đâu người chiến sỹ ấy không đủ tiêu chí là liệt sỹ nên không có giấy báo tử nhưng tôi không đồng tình. Tôi luôn nghĩ phải xử lý trên tinh thần đồng chí, đồng đội, dù có khó khăn mấy cũng phải làm rõ để có được kết quả đúng đắn, để những người đồng đội của tôi an tâm yên nghỉ”, Đại tá Đặng Đức Song chia sẻ.
Có thể thấy, trong những năm kháng chiến gian nan và khốc liệt, người chiến sỹ Đặng Đức Song không quản gian nguy, lửa đạn xung phong nơi trận mạc, sẵn sàng hy sinh xương máu để cùng đồng đội giành độc lập dân tộc. Còn ở thời bình, người quân nhân cách mạng không chút nghỉ ngơi, luôn tận tụy vì công việc chung, vì lợi của tập thể. Đó là những phẩm chất rất đáng quý của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, xứng đáng với những phẩm chất cao quý của anh “Bộ đội Cụ Hồ”
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.