Phát triển năng lượng sạch đang trở thành một ưu tiên quan trọng trên toàn cầu. Những năm vừa qua, các quốc gia đều nỗ lực đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông xanh như xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, động cơ hybrid và xe chạy bằng hydrogen. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, Chính phủ nhiều nước đã ban hành các chính sách khuyến khích và áp dụng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn.
Chẳng hạn, Tiêu chuẩn khí thải Tier 4 của Hoa Kỳ được ký vào năm 2004 và đã được triển khai từ năm 2008 đến 2015, yêu cầu các nhà sản xuất động cơ mới với công nghệ kiểm soát khí thải tiên tiến. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) đã áp dụng Tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và Euro 6 cho các phương tiện đường bộ mới. Trung Quốc cũng đã áp dụng chuẩn khí thải Euro 5 từ tháng 1/2017 với bộ 5 nguyên tắc khí thải phương tiện giao thông, tương đương với chuẩn khí thải Euro 5 áp dụng cho ô tô dùng động cơ xăng và diesel đã được áp dụng ở châu Âu.
Việt Nam cũng không nằm ngoài lề xu hướng này. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 26), Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chống lại biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững. Để hiện thực hóa cam kết này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 cho các loại xe ô tô.
Theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2011, tất cả các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải tuân thủ tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) từ ngày 1/1/2022. Quyết định này không chỉ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí mà còn khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Tiêu chuẩn khí thải Euro 5 là một trong những tiêu chuẩn khí thải hiện hành trên thế giới. Tiêu chuẩn này đặt ra các hướng dẫn cụ thể về lượng khí thải tối đa cho phép từ xe ô tô trong quá trình vận hành. Các chất như bụi mịn (PM), hydrocarbon (HC), oxit nitơ (NOx) và khí carbon monoxide (CO) được kiểm soát và giảm thiểu theo tiêu chuẩn này.
So với các tiêu chuẩn áp dụng trước đây, Euro 5 chặt chẽ hơn về mức phát thải các chất gây ô nhiễm. Đối với nhiên liệu, các loại xăng và dầu diesel phải đáp ứng các tiêu chuẩn về hàm lượng lưu huỳnh thấp, như xăng RON 95-V và dầu DO 0,001S-V, nhằm giảm thiểu khí thải độc hại.
Các giới hạn khí thải của Euro 5 được thiết kế rất chi tiết để đảm bảo tính hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm. Đối với xe sử dụng động cơ xăng, giới hạn khí thải CO là 1,00g/km, HC là 0,10g/km, NOx là 0,06g/km và PM là 0,005g/km. Trong khi đó, đối với xe diesel, giới hạn CO là 0,50g/km, HC + NOx là 0,23g/km, NOx riêng lẻ là 0,18g/km và PM là 0,005g/km hoặc 6,0x10^11/km. Những con số này phản ánh mức độ nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Euro 5 trong việc kiểm soát các chất gây ô nhiễm từ phương tiện giao thông.
Việc sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn khí thải Euro 5 mang lại nhiều lợi ích quan trọng.
Thứ nhất là bảo vệ sức khỏe con người. Cụ thể, sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn Euro 5 giúp giảm mạnh các chất gây ô nhiễm. NOx và PM là 2 trong số các chất ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Chúng có thể gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ung thư. Giảm thiểu các chất này trong không khí có thể giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Thứ hai là bảo vệ môi trường. Giảm phát thải CO2 và các khí nhà kính khác là một trong những mục tiêu quan trọng của tiêu chuẩn Euro 5. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc chống biến đổi khí hậu. Khí thải từ phương tiện giao thông là một trong những nguồn phát thải lớn nhất. Do đó, việc giảm thiểu chúng sẽ có tác động tích cực đến môi trường.
Thứ ba là tiết kiệm năng lượng và chi phí. Xe sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn Euro 5 thường được trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống cảm biến khí thải OBD và các thiết bị lọc khí. Những công nghệ này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tối ưu hóa hiệu suất động cơ, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm chi phí vận hành cho người sử dụng.
Thứ tư là tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường uy tín quốc gia. Việc áp dụng tiêu chuẩn Euro 5 không chỉ là tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế mà còn thể hiện sự cam kết của quốc gia trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Điều này cũng giúp cải thiện uy tín và hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các cam kết về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ngày càng trở nên quan trọng.
Và một lợi ích không thể không nhắc đến là khuyến khích phát triển công nghệ xanh. Việc áp dụng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt như Euro 5 thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ xanh. Các nhà sản xuất xe phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp mới để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Điều này không chỉ tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn góp phần thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế bền vững.
Thực tế, ngay từ khi Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã chủ động lên kế hoạch đầu tư và nâng cấp thiết bị, công nghệ cho các mẫu xe để đáp ứng tiêu chuẩn mới. Hiện tất cả các hãng xe thuộc VAMA đều đã sẵn sàng đưa ra thị trường các dòng xe đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5 theo đúng lộ trình.
Tuy nhiên, khó khăn về nguồn cung nhiên liệu là một rào cản lớn đối với áp dụng chuẩn Euro 5 tại Việt Nam. Cho đến nay, cả 2 loại nhiên liệu đạt chuẩn là RON 95-V và dầu diesel là DO 0,001S-V đều chưa sản xuất được tại Việt Nam và vẫn phải nhập khẩu.
Nguồn cung xăng RON 95-V được bán phổ biến hơn. Vì vậy, người sở hữu ô tô máy xăng gặp trở ngại ít hơn trong việc tiếp cận nhiên liệu đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với dầu DO 0,001S-V, số lượng cửa hàng bán hiện nay rất hạn chế. Ô tô máy dầu và nhiều dòng xe gầm cao sử dụng động cơ diesl, đặc biệt là ở các vùng xa trung tâm, đang phải đối mặt với khó khăn khi nguồn cung dầu DO 0,001S-V rất hạn chế. Nhiều chủ xe đã phản ánh không thể tìm ra nguồn nhiên liệu dầu DO 0,001S-V và buộc phải sử dụng loại dầu dưới tiêu chuẩn.
Thống kê cho thấy, hiện nay TP. HCM chỉ có khoảng 70 trạm bán dầu DO 0,001S-V trong tổng số hơn 580 trạm xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 12%. Còn tại Hà Nội, con số đó là khoảng 76 trạm trong tổng gần 500 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Tính trên toàn quốc, có khoảng 1.200 trạm bán dầu DO 0,001S-V, trong tổng số 17.000 trạm, chiếm tỷ lệ chỉ 7%. Tình trạng này khiến người tiêu dùng không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn, lo ngại gây ảnh hưởng đến động cơ và các vấn đề bảo hành của xe, đặc biệt là không đạt kiểm định khí thải định kỳ. Bởi lẽ, các trung tâm đăng kiểm sẽ tiến hành kiểm tra lượng phát thải của phương tiện để đảm bảo xe đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành. Khi phát hiện lượng phát thải vượt quá giới hạn cho phép, phương tiện sẽ không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, gây khó khăn và tốn kém cho chủ xe.
Thực tế, ngoài việc đưa ra thị trường các dòng xe đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5, VAMA cũng như các hãng xe còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về tiêu chuẩn khí thải mức 5. Theo đó, các diễn đàn, hội thảo chuyên ngành đã được tổ chức. Các hãng xe cũng xây dựng bộ nhận diện dành riêng cho các xe đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5. Nhân viên bán hàng và đội ngũ kỹ thuật của các hãng cũng được đào tạo để tư vấn và hỗ trợ khách hàng tìm hiểu và nắm rõ các khuyến cáo quan trọng về việc sử dụng xe và nhiên liệu nhằm giảm thiểu rủi ro.
Ford Việt Nam, hãng xe nỗ lực nhất trong mục tiêu nâng tiêu chuẩn khí thải ô tô, đã khuyến cáo khách hàng không nên sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn như DO 0,05S-II (Euro 2), vì có hàm lượng lưu huỳnh cao gấp 50 lần so với DO 0,001S-V (Euro 5). Theo hãng ô tô Mỹ, sử dụng nhiên liệu tiêu chuẩn thấp lâu dài sẽ làm tắc bộ xúc tác, ngăn cản quá trình đốt cháy muội than trong bộ lọc hạt bụi (DPF). Hậu quả là DPF bị kẹt, xe phải tái tạo liên tục hoặc thường xuyên, và động cơ có thể gặp các vấn đề như giảm công suất, rung giật và dầu nhớt nhanh hỏng. Ngoài ra, khi xe đời mới dùng nhiên liệu không đảm bảo chất lượng, động cơ dễ xuất hiện các vấn đề như công suất giảm, máy rung giật, dầu nhớt bên trong giảm tuổi thọ.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Euro 5, Ford đã tích hợp các hệ thống xử lý khí thải tiên tiến trên các dòng xe của mình, bao gồm bộ lọc hạt bụi diesel (DPF) giúp loại bỏ các hạt bụi mịn (PM) từ khí thải động cơ diesel. Ngoài ra, hãng ô tô Mỹ cũng tích hợp hệ thống tuần hoàn khí thải (EGR) giúp giảm thiểu lượng oxit nitơ (NOx) phát thải bằng cách tuần hoàn lại một phần khí thải vào buồng đốt. Bộ chuyển đổi xúc tác chọn lọc (SCR) cũng được ứng dụng, sử dụng dung dịch urea để chuyển đổi NOx thành nitơ và nước, giảm lượng NOx phát thải.
Có thể thấy, việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch là xu hướng tất yếu toàn cầu giúp nâng cao hiệu suất của phương tiện, bảo vệ môi trường và đóng góp vào phát triển bền vững. Các hãng xe cũng đã có những hành động thiết thực và kịp thời trong quá trình này, như cải tiến công nghệ động cơ, đào tạo và hỗ trợ đại lý, triển khai các chiến dịch truyền thông và khuyến cáo khách hàng… Tuy vậy, công cuộc hướng đến sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam vẫn cần sự chung tay phối hợp giữa Chính phủ, các bộ, ban, ngành hữu quan cùng các nhà sản xuất và phân phối ô tô cũng như người tiêu dùng, để vượt qua rào cản.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.