Áp lực kiếm tiền của du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc

Lao động việc làm 16/12/2019 09:36

Dù chỉ được làm thêm 20-28 giờ một tuần, Minh Quân (20 tuổi, quê Hà Nội) vừa học tiếng Hàn Quốc, vừa làm thêm tại một quán ăn tới gần 60 giờ.

shutterstock-583601698-1576341-1633-5877-157634196
Du học sinh Việt Nam thường làm phục vụ nhà hàng tại các con phố đông đúc. Ảnh: Shutterstock

3h chiều, Minh Quân rời lớp học tiếng Hàn tại một trường đại học ở Busan, Hàn Quốc, nhanh chóng ra bến xe bus về nhà, chuẩn bị cho ca làm thêm buổi tối.

"Ca làm việc bắt đầu lúc 4h chiều, kết thúc 11h tối. Vì 3h chiều tan học, đi bus mất một tiếng từ trường về nhà nên lúc nào em cũng vội vàng sợ muộn giờ", Quân kể. Làm việc tại một quán ăn ở Busan 7 tiếng mỗi ngày trong tuần và 12 tiếng vào ngày cuối tuần, Quân chia sẻ cảm giác tủi thân khi "mình đi làm, còn bạn bè chụp ảnh, gọi video khoe đang đi chơi phố đi bộ".

Quân sang Hàn gần hai năm, sắp hoàn thành chương trình học tiếng Hàn và các môn liên quan theo visa D4-1 để chuyển tiếp lên đại học. Theo quy định, du học sinh có visa D4-1 chỉ được làm thêm 20-28 giờ một tuần, số giờ phụ thuộc vào kết quả chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK. Tuy nhiên, Quân cho rằng nếu không có học bổng của chính phủ hoặc nhà rất giàu, sinh viên Việt Nam du học dạng tự túc sẽ "không chịu được nhiệt", phải làm thêm quá giờ cho phép.

Quân làm phép tính, lương một giờ làm thêm khoảng 140.000 đồng, nếu đi làm "đúng luật" một tháng được 13-15 triệu đồng. Trong khi đó, học phí học tiếng Hàn một tháng của Quân khoảng 5-6 triệu đồng. Ngoài ra, Quân mất 10 triệu đồng hàng tháng cho sinh hoạt phí. Cậu tự nhận đó là mức chi tiêu "điều độ vì nhiều người thích mua sắm thì tiền sinh hoạt tháng lên tới 20 triệu đồng".

Để giải bài toán này, du học sinh thường chọn cách làm thêm quá giờ quy định. Sinh viên và chủ doanh nghiệp thường làm một hợp đồng ghi đúng số giờ làm việc quy định tại visa. Hàng tháng, tiền lương theo số giờ ghi trong hợp đồng được chuyển vào tài khoản ngân hàng đăng ký với chính phủ Hàn Quốc, đính kèm cùng visa D4-1. Phần thù lao của số giờ dư, du học sinh được nhận tiền mặt hoặc ông chủ sẽ chuyển vào một tài khoản ngân hàng khác.

Hiện, tổng thu nhập từ việc làm thêm quá giờ của Quân là 28 triệu đồng một tháng, 18 triệu chuyển vào thẻ và 10 triệu nhận tiền mặt. Quân giải thích, sở dĩ các ông chủ Hàn "bắt tay" với sinh viên trong việc làm thêm quá giờ quy định vì nhu cầu lao động tại đây cao, nhất là lao động trẻ trong những công việc chân tay nặng nhọc.

Cũng như Minh Quân, Hồng Thúy (22 tuổi, quê Phú Thọ) đang đi làm thêm quá thời gian quy định tại Hàn Quốc. Học hết cấp ba, xác định không đỗ đại học, lại được mẹ gợi ý cho đi Hàn học, Thúy đồng ý ngay.

Được giới thiệu đến trung tâm tư vấn của một người quen mới mở tại Phú Thọ, Thúy mất gần một năm học tiếng ở Việt Nam với chi phí 7 triệu đồng. Sau đó, cô phải đóng trọn gói khoảng 200 triệu đồng để sang Hàn. Số tiền này đã bao gồm vé máy bay, tiền học tiếng một năm ở Hàn, sách vở, bảo hiểm, ký túc xá.

Bay sang Hàn Quốc vào tháng 3/2017, Thúy được đưa tới một trường học trên núi ở Daegu, cách khu phố tấp nập chừng 30 phút xe bus. Cả trường khi ấy chỉ có gần 100 sinh viên ngoại quốc, chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam.

Trung tâm tư vấn ở Việt Nam nói tiền ký túc xá hơn 40 triệu đồng, nằm trong số tiền đã đóng. Thế nhưng tới nơi, Thúy không được ở ký túc xá của trường mà phải ở một khu của trường khác, xa và đắt đỏ hơn. Sáu tháng sau, cô mới được chuyển về, mất thêm chi phí phát sinh 10 triệu đồng.

Theo quy định, sau 6 tháng học, sinh viên có thể đi làm thêm. Nhưng suốt một năm học tiếng, trường của Thúy thắt chặt, không cho sinh viên ra ngoài làm. Khi sang cầm theo 20 triệu đồng, hết tháng thứ ba cũng hết tiền, Thúy sợ hãi vì không biết lấy gì ăn trong khi không được đi làm.

"Do học 3 tháng được nghỉ 15 ngày, các chị đi trước giới thiệu cho mình làm bất hợp pháp tại một xưởng sản xuất điện thoại, kiếm được vài triệu đồng. Mình phải ăn tiêu dè sẻn cho tới đợt nghỉ tiếp theo. Lúc nào bí quá, mình lại gọi về xin bố mẹ gửi sang 5-7 triệu đồng. Lay lắt cũng vượt qua năm đầu", Thúy nhớ lại.

Học xong một năm tiếng, Thúy xin visa D-2 (thời hạn hai năm) để học tiếp bậc đại học. Do trường cũ cấm đi làm trong năm tiếp theo, Thúy làm hồ sơ xin chuyển trường. Bị gây rắc rối nhiều lần, cuối cùng cô được sang một trường mới cách trường cũ khoảng 45 phút đi tàu điện. Ở đây, trường tạo điều kiện cho Thúy đi làm thêm.

Luật cho phép sinh viên làm 20 tiếng các ngày trong tuần và làm thoải mái vào cuối tuần, mỗi ngày Thúy đi làm khoảng 5 tiếng trong bếp của một quán ăn, quá số giờ quy định. Dù vậy cô cũng chỉ kiếm được khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, tiền học phí một kỳ kéo dài 3 tháng đã là 60 triệu đồng, chi phí thuê nhà 6 triệu đồng, điện nước 2 triệu đồng cùng tiền ăn dè sẻn 4 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền đi làm vì thế không đủ chi phí.

Áp lực kiếm tiền trả nợ đè nặng khiến Thúy nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ học. Được gia đình động viên, lại thấy lực học khá, có kỳ còn kiếm được học bổng nên cô cố gắng thu xếp đến trường.

Cả Minh Quân và Hồng Thùy đều cho rằng sau sự việc 161 sinh viên Việt Nam theo học tại Đại học Quốc gia Inchoen "mất tích", chính phủ Hàn Quốc sẽ thắt chặt việc nhập cảnh và gia hạn visa đối với sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, việc du học sinh làm thêm quá giờ cũng bị kiểm tra gắt gao hơn.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Ý kiến của bạn

Bình luận