ATGT đường sắt có những diễn biến rất phức tạp kể từ đầu năm đến nay |
GIA TĂNG HƠN, THẢM KHỐC HƠN
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 2 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 32 vụ TNGT đường sắt, làm 25 người thiệt mạng, 16 người bị thương. Chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua (từ 26/01 - 01/02/2017), cả nước xảy ra 8 vụ TNGT đường sắt, làm chết 6 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2016, TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Nhìn lại những vụ TNGT đường sắt gần đây đang diễn biến ngày càng phức tạp với những thiệt hại, mất mát vô cùng to lớn. Chỉ trong ngày 4/02 có tới hai vụ tai nạn đường sắt khiến người dân vô cùng hoang mang. Đầu tiên là vụ xe du lịch 16 chỗ mang biển số tỉnh Yên Bái khi cố vượt qua đường ngang dân sinh tại huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định đã bị đoàn tàu Thống Nhất mang số hiệu TN1 đâm phải. Một tiếng sau khi xảy ra tai nạn, trên địa bàn xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, một ô tô 5 chỗ trong lúc nỗ lực vượt qua đường sắt tại đường ngang dân sinh đã bị tàu LP5 đâm vào làm 3 người bị thương, trong đó có 01 người bị thương nặng.
Hay vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào ngày 20/02 giữa đoàn tàu SE2 va chạm với xe ô tô tải mang biển số 75C- 02691 tại Khu gian Lăng Cô - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế khiến 3 người chết tại chỗ và 4 người bị thương. Vụ tai nạn này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ATGT đường sắt đang thực sự “có vấn đề”.
Mới đây nhất vào cuối tháng 2 vừa qua, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công văn gửi Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Đồng Nai đề nghị điều tra xác minh nguyên nhân, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm để ngăn chặn TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn. Trước đó vào ngày 01/02, tại Km1701+205 tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn TP. Biên Hòa xảy ra vụ TNGT giữa tàu SQN1 và xe ô tô 16 chỗ làm chết 02 người, bị thương 7 người. Tiếp đó, ngày 24/02/2017, tại Km1684+800 tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom xảy ra vụ TNGT giữa xe máy biển kiểm soát 68S-378.32 và tàu TN2 làm 02 người tử vong tại chỗ.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu vẫn do người dân vi phạm quy định pháp luật khi qua khu vực giao cắt đường sắt - đường bộ (chiếm đến 54%). Tuy nhiên, quá nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ (gần 6.000 điểm, tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%) cũng là nguyên nhân dẫn tới tai nạn và 80% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt này.
Những tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra khiến dư luận đặt câu hỏi: Vậy lỗi tại ai khi có 3 “đối tượng” tham gia vào thảm cảnh này - đó là tàu hỏa, phương tiện giao thông đường bộ và điểm giao cắt. Tàu hỏa mặc định không có lỗi vì đường sắt là đường dành riêng cho tàu hỏa và khi đi qua các đường ngang giao cắt thường xuyên có còi và đèn báo hiệu cách đó hàng trăm mét, đồng thời không thể dừng lại ở khoảng cách gần. Vậy thì lỗi lớn nhất nằm ở đối tượng thiếu ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ ATGT, khi đi qua đường sắt không dừng lại, chú ý quan sát tàu hỏa, cố tình cho xe vượt ẩu qua đường sắt, gây tai nạn cho đường sắt.
Thứ hai, những kẽ hở tại các tuyến đường cắt ngang với đường bộ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn thương tâm. Việt Nam hiện có khoảng gần 6.000 điểm cắt ngang với đường bộ, trong khi mạng lưới đường bộ của Việt Nam khoảng 300.000km. Trong đó, có khoảng trên dưới 2.000 điểm giao nhau trực tiếp giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn và cảnh báo. Do vậy, lượng phương tiện đường bộ cắt ngang qua đường sắt lên đến hàng chục nghìn lượt mỗi ngày, trong khi đường sắt vẫn phải hoạt động bình thường, không thể dừng để nhường đường cho các phương tiện đường bộ được.
Mặt khác, các đường ngang có barie, các điểm gắn đèn tín hiệu cảnh báo an toàn cũng rất ít, chỉ chiếm khoảng 10 đến 12% trong tổng số các điểm giao cắt. Vì vậy, nhiều điểm giao cắt, tầm nhìn cũng rất hạn chế, dẫn đến việc khi hai bên quan sát thấy nhau thì đã muộn. Sau nữa là do sự bùng nổ các phương tiện ô tô cá nhân ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư gây UTGT tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.
Bên cạnh đó, một số biển báo hiệu đường tuy có nhưng đã bị nghiêng, đổ, thiếu vạch dừng, gờ giảm tốc. Thậm chí, tại một số đường ngang còn thiếu biển báo đường bộ. Việc chôn, cắm các biển báo hiệu phụ theo quy định của Bộ GTVT vẫn chưa được thực hiện chặt chẽ.
TNGT đường sắt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương |
Một nguyên nhân khác, hiện nay trên địa bàn cả nước chỉ mới có 20 tỉnh tổ chức cảnh giới 183 điểm “đen” TNGT đường sắt, 13 tỉnh có đường sắt đi qua gần như “không động tĩnh gì”, có địa phương tổ chức cảnh giới nhưng lại để phát sinh thêm các đường dân sinh, đơn cử như tỉnh Hà Nam trong năm 2016 đã phát sinh đến 26 lối đi dân tự mở qua đường sắt.
Hiện nay, công việc giải tỏa những vi phạm hành lang ATGT đường sắt đang gặp rất nhiều khó khăn do ý thức của các hộ dân sống dọc ven đường sắt không chấp hành luật lệ ATGT đường sắt.
Công tác quản lý nhà nước về hành lang ATGT đường sắt còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết. Một số chính quyền địa phương buông lỏng, thậm chí còn ra các quyết định vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ ATGT đường sắt như cấp đất cho người dân trên đất dành cho hành lang ATGT đường sắt.
Để giảm thiểu, chấm dứt các vụ TNGT đường sắt, trước hết cần quán triệt người dân tham gia giao thông có ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh về TTATGT đường sắt, xử lý các điểm giao cắt với đường bộ. Từng điểm giao cắt cần bố trí rào chắn, lắp đặt thêm đèn và hệ thống tín hiệu cảnh báo.
“Giải pháp trước mắt cần thực hiện để kiềm chế TNGT đường sắt là làm gờ giảm tốc tại các đường ngang không có người gác, đường dân sinh”, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.