ATGT đường thủy miền Trung Đôi điều suy nghĩ

Tác giả: Tôn Bảo

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 27/08/2018 13:25

Hệ thống bến cảng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực miền Trung được định hướng phát triển mạnh, cả về vận tải hàng hóa lẫn vận tải hành khách. Đây được xem là phương cách phát huy lợi thế địa hình có bờ biển, hệ thống sông ngòi cũng như để chia sẻ gánh nặng giao thông trên đường bộ.

 

NỘI-2
Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT ĐTNĐ

 

Hiện tại, các tuyến trên khu vực chủ yếu là các tuyến ĐTNĐ độc lập hoặc chỉ trong phạm vi địa bàn từng tỉnh (từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Nam). Các tuyến sông có địa hình dốc, nối từ cửa biển vào sâu trong nội địa đến các huyện vùng sâu của địa phương. Ở các vùng này, hàng năm vào mùa mưa lũ thường chịu ảnh hưởng rất lớn của lũ ống, lũ quét. Do đó, mực nước các sông dâng lên cao rất nhanh, dòng chảy mạnh nhưng mực nước cũng hạ xuống nhanh sau đó (chỉ sau lũ vài ngày). Phạm vi khai thác vận tải cho tàu sông biển chủ yếu từ QL1 trở ra biển, một số tỉnh có các tuyến sông có khả năng vận tải thủy vào sâu trong nội địa.

Qua đó, để đảm bảo ATGT trên tuyến đường thủy, các cơ quan chức năng khu vực miền Trung đã có những động thái cụ thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch tham gia các tour du lịch trên sông, biển.

Tại Đà Nẵng, UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 6651 quy hoạch chi tiết phát triển GTVT ĐTNĐ trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, Thành phố sẽ quy hoạch 8 tuyến vận tải du lịch, gồm: Tuyến cầu Sông Hàn - Trần Thị Lý, tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn - Hòn Chảo (đảo Ngọc), tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm, tuyến sông Hàn - Ngũ Hành Sơn, tuyến sông Hàn - Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, tuyến sông Cu Đê - Trường Định, tuyến sông Hàn - Vĩnh Điện và 38 vị trí đón, trả khách du lịch.

Bên cạnh những thuận lợi trong phát triển hạ tầng thì công tác đảm bảo TTATGT ĐTNĐ cũng gặp không ít khó khăn, do đặc thù của hệ thống giao thông cũng như ý thức của người dân còn chủ quan. Theo đó, để quản lý loại phương tiện này, Ban ATGT Thành phố đã yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai thực hiện nghiêm Quy định về đảm bảo an toàn phương tiện thủy nội địa hoạt động trên địa bàn.

Tuy nhiên, tại thời điểm đang vào mùa du lịch, một số địa phương khu vực miền Trung vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý bảo đảm ATGT đường thủy. Lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa Đại chia sẻ, thời điểm này đang là đợt cao điểm, lượng khách đổ về khu du lịch tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) rất đông, số lượng khách từ đây đi tham quan tại xã đảo Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm tăng cao, mỗi ngày có từ 2.000 - 2.500 lượt khách ra đảo. Trong khi đó, lượng phương tiện như ca-nô, tàu chợ, tàu vận chuyển du lịch hoạt động đưa đón khách luôn trong tình trạng tăng tần suất hàng ngày. Để bảo đảm TTATGT ĐTNĐ, các đơn vị, lực lượng chức năng thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến ĐTNĐ trọng điểm, tập trung kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy kinh doanh vận tải hành khách, không đảm bảo an toàn, chở quá tải hành khách.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 12 tuyến thủy nội địa. 5 tháng đầu năm 2018, số lượt hành khách đi từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn đạt 111.800 khách (tăng 46,6% so với cùng kỳ). Qua ghi nhận thực tế hoạt động vận tải khách du lịch tại một số tuyến cảng như Sa Kỳ - Lý Sơn, Đảo Lớn - Đảo Bé Lý Sơn và 10 tuyến trên lòng hồ thủy điện Đak Đrinh, công tác quản lý nhà nước về giao thông ĐTNĐ còn bộc lộ tồn tại, thiếu sót, người tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT đường thủy; các vi phạm về lấn chiếm hành lang ATGT đường thủy; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; bến khách ngang sông không đảm bảo điều kiện an toàn; phương tiện chở quá tải trọng, quá số người quy định; khai thác tài nguyên trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến... Trong 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 167 vụ TNGT ĐTNĐ, làm chết 68 người, bị thương 185 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 104 vụ (-38,4%), tăng 9 người chết (15,25%), giảm 138 người bị thương (-42,7%).

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, du thuyền rồng trên sông Hương đã trở thành nét đẹp tao nhã, một hình ảnh quen thuộc đối với du khách đến Huế. Mỗi tối, có hàng chục chiếc thuyền rồng neo đậu san sát tại bến thuyền Tòa Khâm, TP. Huế để chờ đón khách du lịch. Các phương tiện vận tải hành khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm, thuyền trưởng phải có bằng lái... Theo quy định, thuyền rồng trước khi xuất bến phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng luôn túc trực cử cán bộ trực tiếp xuống thuyền kiểm tra xem chủ thuyền bố trí áo phao, phao cứu sinh, phương tiện phòng cháy chữa cháy và lập danh sách du khách đi thuyền nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Tuy nhiên, vào những ngày cao điểm của mùa du lịch trên địa bàn còn tồn đọng nhiều bất cập tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy tại một số điểm như: Bến Minh Mạng (xã Hương Thọ), quán Đầm Chuồn Hương Quán (Phú An, Phú Vang), Bến Than (thôn Hải Cát Hạ, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), bến đò Cồn Tộc (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) hay một số địa phương nằm ven phá Tam Giang hiện đang xuất hiện loại “thuyền du lịch tự phát”. Các thuyền này vốn là thuyền làm nghề của ngư dân trên phá, khi du khách có nhu cầu dạo chơi trên đầm phá thì họ sẵn sàng dùng thuyền đưa, đón khách trên đầm phá có thu tiền. Hầu hết các thuyền tự phát kiểu “3 không” (không chứng chỉ đường thủy, không thiết bị cứu sinh và thuyền không đăng ký đăng kiểm) hoạt động tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy rất cao.

Từ thực tế cho thấy, vấn đề an toàn cho hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là khách du lịch trên tuyến đường thủy ở khu vực miền Trung còn rất nhiều bất cập, nhiều “lỗ hổng” trong quản lý nhà nước, đòi hỏi ngành chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để đảm bảo tuyệt đối ATGT, góp phần giảm thiểu TNGT đường thủy, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản

Ý kiến của bạn

Bình luận