Ba trở ngại trong bồi dưỡng giáo viên theo chương trình phổ thông mới

09/06/2019 07:47

Những môn như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên không được đào tạo cho cấp tiểu học nên thiếu hiểu biết tâm lý lứa tuổi.

a1-trang17-009_ircl
Ảnh minh họa

Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1. Từ nay đến đó chỉ còn một năm học 2019-2020 để bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. Từ góc độ quản lý, TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ những trở ngại trong công tác bồi dưỡng giáo viên tại hội thảo do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng 8/6.

Theo TS Tài, toàn quốc hiện có khoảng 400.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ giáo viên trên lớp bình quân cả nước đạt 1,42. Trong đó, số giáo viên chưa vào biên chế chiếm 15%, rơi vào nhóm dạy môn chuyên như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật. Điều này đặt ra thách thức cho công tác điều động giáo viên môn chuyên tham gia tập huấn chương trình phổ thông mới. Bởi tại một số huyện, việc điều động sẽ không bao gồm giáo viên chưa vào biên chế.

Trở ngại thứ hai là trong số giáo viên tiểu học hiện nay, nhóm sẽ về hưu sau 5-7 năm chiếm 7-10%. Nhóm này gặp khó khăn khi bồi dưỡng, nếu cố gắng tiếp thu chương trình mới, họ chỉ làm được vài năm là nghỉ hưu. "Giả sử một xã có một trường tiểu học nằm sâu trong vùng núi, giáo viên của trường rơi vào nhóm độ tuổi này, việc tập huấn sẽ trở nên khó khăn. Khi một điểm không thực hiện tốt sẽ trở thành điểm bất cập khiến dư luận quan tâm", ông Tài nói.

Trình độ của giáo viên môn chuyên là trở ngại thứ ba khiến TS Tài băn khoăn. "Hiện tại một số địa phương, môn Tin học có thể nói là con số 0; môn Tiếng Anh vô cùng thấp; môn Âm nhạc, Mỹ thuật gặp nhiều bất cập", ông nói. 

Những môn như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên không được đào tạo cho cấp tiểu học. Giáo viên đang dạy các môn này ở bậc tiểu học được đào tạo từ trường đại học sư phạm để giảng dạy cho cấp cao hơn. Do nhu cầu và điều kiện thực tế, họ chọn dạy ở trường tiểu học. "Nhiều người có thể rất giỏi kiến thức chuyên môn, nhưng thiếu nghiệp vụ sư phạm, thiếu hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, rất đáng lo ngại", ông Tài nói.

Đề cập giải pháp, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, cho rằng không nên đặt nặng bồi dưỡng kiến thức mà cần chú trọng nghiệp vụ. Giáo viên phải có khả năng thu hút, cảm hóa và làm cho học sinh tin cậy. Khi yêu quý giáo viên, học sinh sẽ chú tâm học tập. Tiếp theo, giáo viên cần được bồi dưỡng để tạo động lực cho học sinh, nhưng cần xác định áp lực "vừa sức", nếu "quá sức" học sinh sẽ không thực hiện được và quay ra chống đối.

Về vấn đề kiến thức của giáo viên, ông Hùng đề xuất tổ chức tập huấn, làm sao để giáo viên nắm vững chương trình môn học, mục tiêu dạy học, tư tưởng của sách giáo khoa, từ đó có khả năng tự phát triển chương trình, nội dung dạy học. "Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi giáo viên luôn luôn phải dạy học sinh phát triển năng lực, phẩm chất thông qua từng bài giảng, từng nội dung học tập", ông Hùng nhận xét và lưu ý giáo viên phải có năng lực tự học, tự nghiên cứu, từ đó mới có khả năng phát triển năng lực này cho học sinh.

Ý kiến của bạn

Bình luận