Phối cảnh nút giao 3 tầng cầu Trần Thị Lý |
Nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm tại phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, TP Đà Nẵng đã kêu gọi đóng góp ý tưởng từ các chuyên gia, các nhà hoạch định, phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội facebook, trên các website chuyên ngành để vì một TP đáng sống không có cảnh tắc nghẽn giao thông.
Cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý là 2 biểu tượng mới tràn đầy sức sống của TP sôi động Đà Nẵng. Với ý nghĩa rồng vươn ra biển lớn (cầu Rồng) và cánh buồm căng gió chở nhịp sống thành phố vươn khơi (cầu Trần Thị Lý) đã là niềm tự hào của nhân dân TP thủ phủ miền Trung.
Tự hào là thế, nhưng với sự phát triển vượt bậc cùng sự hội nhập mạnh như vũ bão của Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã thu hút nhân tài cũng như người dân các tỉnh thành lân cận, mọi miền đất nước đổ về sinh sống tại TP này ngày càng theo cấp số nhân. Khiến cho bức tranh toàn cảnh giao thông nội đô càng trở nên bức bách. Nhất là trong những giờ cao điểm: đầu giờ sáng và tan tầm chiều. Đặc biệt là tại 2 “nút thắt” phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (bên bờ Tây sông Hàn- trung tâm Đà Nẵng) đã đến lúc khẩn thiết phải có phương án cải tạo để tránh xung đột, ùn ứ.
Chính vì điều đó mà sau thời gian kêu gọi ý kiến đóng góp trên website, facebook và các cuộc họp hội đồng kiến trúc- quy hoạch thành phố; thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP, Sở GTVT Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị tư vấn, cá nhân tham gia đề xuất hoàn chỉnh các phương án thiết kế nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Song hành, vẫn tiếp tục kêu gọi sự tham gia đóng góp thêm nhiều những ý tưởng độc đáo, phù hợp cho việc cải tạo này.
Nút giao thông phía Tây cầu Rồng đã có 10 phương án chia thành 3 nhóm giải pháp
Sau nhiều tháng hưởng ứng lời kêu gọi hiến kế đến các thành viên Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP, các cơ quan, Hội nghề nghiệp liên quan, ngày 22/9/2017, Sở GTVT Đà Nẵng đã nhận được 3 nhóm giải pháp chính gồm: Một là thiết kế tổ chức giao thông (TCGT) khác mức bằng 1 hầm (hầm đơn hoặc hầm đôi) thì có 4 phương án chi tiết do 2 tư vấn đề xuất. Hai là, thiết kế TCGT khác mức bằng 2 hầm đơn thì có 4 phương án chi tiết do 2 tư vấn đề xuất. Ba là, thiết kế TCGT giao cùng mức (dạng vòng xuyến lớn) thì có 2 phương án (tương ứng với 2 giai đoạn) do 1 tư vấn là cá nhân đề xuất.
Quan điểm của Sở GTVT Đà Nẵng nhận thấy phương án 1 hầm đơn theo hướng đường 2/9 qua Bạch Đằng kết hợp với bố trí đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Trần Phú- Nguyễn Văn Linh- Trưng Nữ Vương là phù hợp với các lý do: phương án có tính hiện đại và hiệu quả kinh tế cao, ít xáo trộn hiện trạng, thuận lợi cho việc kết hợp nghiên cứu cảnh quan khu vực; đáp ứng được nhu cầu hiện tại và đến năm 2025, thuận lợi phân kỳ thực hiện.
Phối cảnh cảnh nút giao cầu Trần Thị Lý |
Với nút giao thông này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị tổ chức thi tuyển quốc tế rộng rãi để chọn ra phương án tối ưu. Ngược lại, Sở GTVT Đà Nẵng lại cho rằng, việc tổ chức thi tuyển quốc tế tại thời điểm này sẽ làm kéo dài thời gian triển khai, không công bằng cho các đơn vị tham gia (một số đơn vị đã có thời gian nghiên cứu hơn 1 năm) và tốn kém chi phí nhưng chưa chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề, mục tiêu đề ra.
Bởi cũng theo Sở GTVT Đà Nẵng, trong quá trình nghiên cứu, Sở đã tổ chức họp bàn, lấy ý kiến của các sở ban ngành và báo cáo UBND TP, Hội đồng quy hoạch kiến trúc xem xét. Đồng thời, Sở cũng đã đăng tải các phương án đề xuất lên trang tin, facebook của Sở để lấy ý kiến rộng rãi rồi.
Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý có 8 ý kiến tham gia về phương án cải tạo
Phòng Kế hoạch Đầu tư, Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, đến nay đã có 8 ý kiến cá nhân và các tổ chức tham gia về phương án cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. Trong đó: Có 3 ý kiến thống nhất làm cầu vượt 2/9 và hầm chui hướng Duy Tân. 3 ý kiến không thống nhất phương án này với lý do hầm kín và hầm hở quá dài, kinh phí lớn, trong khi lưu lượng theo hướng Duy Tân nhỏ; cầu dầm thép liên hợp ảnh hưởng đến trường nhìn từ Tây sang Đông của TP, ảnh hưởng mỹ quan đô thị của khu vực. Nguyên nhân gây kẹt xe cục bộ là do các nhà hàng, tiệc cưới trên đường 2/9 tổ chức đồng thời, giải pháp cầu vượt hướng 2/9 không có tác dụng do nhiều loại phương tiện rẽ trái ra vào; giải pháp hầm chui còn bất cập, tốn nhiều kinh phí duy tu bảo dưỡng, mưa bão theo dòng chảy và gió tự gom rác, đồ rơi vãi có thể gây tai nạn cho phương tiên giao thông.
Còn 2 ý kiến là đề nghị rà soát xem xét lại. Liên hiệp các Hội KH&KT Đà Nẵng thì thống nhất về nguyên tắc việc cải tạo thành nút giao thông lập thể; tuy nhiên kinh phí lớn nên đề nghị xem xét phương án hầm chui theo đường 2/9 và phân kỳ đầu tư. Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng thì cho rằng việc xây dựng nút giao thông 3 tầng sẽ làm thay đổi về kiến trúc cảnh quan khu vực nên đề nghị kiểm tra, rà soát lại sự cần thiết đầu tư.
Phối cảnh 3D - một phương án cải tạo nút giao thông |
Với nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý, Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, trước thực trạng hiện nay và theo dự báo phát triển trong tương lai, đặc biệt là Cảng HKQT Đà Nẵng (trục sân bay- Duy Tân- qua cầu Trần Thị Lý- ra biển) thì việc nghiên cứu, đầu tư cải tạo nút giao này là điều cần thiết.
Phương án Nút giao 3 tầng cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay cũng như trong tương lai dài của nút. Tuy nhiên, kinh phí tương đối cao, chiều dài đoạn chờ đèn tại nút Tiểu La đến cầu ngắn (137m). Do vậy cần nghiên cứu: đề xuất phân kỳ đầu tư phù hợp, có giải pháp hợp lý để giải quyết ùn tắc trên cầu (có thể xảy ra) do chờ đèn Tiểu La (như phương án cải tạo đường và phân luồng giao thông trong khu vực nhà hàng tiệc cưới).
Theo số lượng của Tư vấn, lưu lượng chỉ tăng đột biến vào 1 số thời điểm cũng như để không ảnh hưởng đến một số nút mới cải tạo (Tiểu La- đường 2/9, Nguyễn Văn Linh- Nguyễn Tri Phương); kiến nghị phương án cải tạo kích thước hình học nút + lắp đèn tín hiệu để vận hành, theo dõi đánh giá cụ thể trước khi nghiên cứu phương án khác mức.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.