Bàn cách xuất khẩu công nghệ giáo dục Việt Nam

22/12/2015 06:56

Hội thảo “Dạy - học - chia sẻ: Hội nhập quốc tế” do Hội đồng Quốc gia GD và Phát triển nhân lực và Bộ GD-ĐT đồng tổ chức (21/12) tại HN.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Ứng dụng công nghệ thông tin trong mô hình đào tạo từ xa; Mô hình giáo dục trường học kết nối cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin ở Philippines và xuất khẩu công nghệ giáo dục Việt Nam ra nước ngoài để thu ngoại tệ…

20151221164955-day-hoc
 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết ở lần đổi mới giáo dục này, việc đổi mới mục tiêu giảng dạy đã được xác định theo hướng phát huy năng lực của người học thay vì tập trung cung cấp kiến thức như trước đó.

Do đó cách dạy của người thầy và cách học của sinh viên cũng phải thay đổi. Ngoài đổi mới cách dạy và học truyền thống, chúng ta cũng phải nhanh chóng phát triển các phương thức dạy và học mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông.

“Việc dạy và học trong thời đại ngày nay không còn chỉ bó gọn trong phạm vi của từng trường, từng quốc gia mà là sự kết nối của nhiều nền giáo dục khác nhau. Tri thức ngày nay được phổ biến nhanh chóng thông qua các kênh thông tin, truyền thông. Nhờ vậy việc tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trở nên bình đẳng hơn đối với tất cả mọi người” – ông Ga nhấn mạnh.

Thảo luận tại hội thảo, TS Trần Đình Châu, Chánh văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đặt vấn đề, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay, giáo dục đối diện với nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi chúng ta phải chủ động hội nhập, “gạn đục khơi trong”, biết nắm bắt, học hỏi, chia sẻ với các nền giáo dục tiến bộ trên cơ sở điều kiện kinh tế chính trị, xã hội của nước ta. Việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho nguồn nhân lực nước ta là công việc không chỉ của ngành giáo dục mà là nhận thức chung của cả xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng ứng dụng CNTT và truyền thông là điều kiện rất quan trọng cho dạy – học – chia sẻ, trong hội nhập toàn cầu. Th.S Hoàng Thị Huệ (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng việc triển khai E-Learning (đào tạo trực tuyến) trong giáo dục đào tạo là một xu hướng tất yếu nhằm đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận với giáo dục thế giới.

PGS Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội còn khẳng định việc ứng dụng CNTT trong giáo dục từ xa, đào tạo trực tuyến là xu thế tất yếu của thời đại. Việc ứng dụng CNTT, triển khai đào tạo trực tuyến ở mỗi cơ sở đào tạo tùy thuộc vào mục đích, cách thức tổ chức và mức độ đầu tư, nhưng nhìn chung đều mang lại lợi ích xã hội…

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã cho phép triển khai chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến tại một số trường đại học như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng…

Ý kiến của bạn

Bình luận