Bàn giải pháp để người dân đi xe buýt nhiều hơn

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Xã hội 05/12/2015 07:16

Hàng loạt những ý kiến, giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhằm mục đích phát triển loại hình xe buýt thu hút người dân thành phố.

h2
Các chuyên gia, nhà khoa học phân tích mổ xẻ đưa ra các giải pháp nhằm phát triển loại hình vận tải công cộng xe buýt.

Hành khách đi xe buýt giảm liên tục

Sáng ngày 4/12, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức Hội thảo “Bàn về các giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TP.HCM”.

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Trải qua hơn 12 năm phục hồi và phát triển, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang bão hòa và hành khách đi lại có xu hướng giảm dần qua các năm gần đây, do chất lượng dịch vụ không đảm bảo, tính tiện lợi và độ tin cậy chưa cao, xe buýt đang lưu thông chung với các phương tiện khác, chưa có làn dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt hoạt động. Mặt khác phương tiện cá nhân đang có xu hương tăng nhanh qua các năm, (tính đến ngày 15/7/2015, thành phố đang quản lý 7.201.351 phương tiện với 659.401 xe ôtô và 6.541.950 xe mô tô)”.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng năm 2013 có 5.761 trường hợp mất chuyến, năm 2014 xảy ra 5.724 trường hợp và 11 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra đến 7.925 trường hợp mất chuyến. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình ùn tắc giao thông, xe buýt về bến trễ hơn so với thời gian dự kiến. Qua thống kê này cho thấy xe buýt hiện nay luôn luôn không đúng giờ và đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ. Và đây chính là nguyên nhân có thể dẫn đến hành khách quay lưng với xe buýt.

Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM cho biết: “Vào các giờ cao điểm sáng, trưa, chiều thường xuyên xảy ra ùn ứ nên xe buýt về bến trễ từ 15 phút đến 20 phút. Khi có mưa lớn thì thời gian về bến của xe buýt từ 40 phút trở lên. Tính đến nay, toàn Liên hiệp có khoảng trên 2.000 chuyến xe bị huỷ (mất chuyến, bỏ chuyến) so với kế hoạch, hầu hết các tuyến xe buýt đều không hoàn thành sản lượng được giao trong tình hình hiện nay, chỉ đạt tỷ lệ ở mức 85% đến 90%. Điều đó dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm sút do giảm nguồn thu từ bán vé, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của chủ phương tiện. Đặc biệt, do làm việc trong môi trường thường xuyên kẹt xe, tạo tâm lý mệt mỏi, chán nản nên nhiều lái xe đã xin nghỉ để chuyển sang đi xe đường dài, xe hợp đồng,… dẫn đến đội ngũ lái xe thiếu hụt trầm trọng.

Ông Minh cho biết: “Trong thời gian qua, để cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở GTVT TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như: Triển khai đề án đầu tư xe buýt mới để thay thế các xe buýt cũ đã xuống cấp, chấn chỉnh thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của ngành (năm 2013 đã xử lý 12.470 trường hợp vi phạm, năm 2014 đã xử lý 9.422 trường hợp vi phạm và 11 tháng đầu năm 2015 đã xử lý 9.988 trường hợp vi phạm), rà soát điều chỉnh luồng tuyến xe buýt cho phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế của hành khách (như điều chỉnh thời gian hoạt động trong ngày, thời gian giãn cách vào giờ cao điểm và thấp điểm, bố trí chủng loại phương tiện, điều chỉnh lộ trình và điểm đầu cuối tuyến,…), triển khai kế hoạch lắp đặt camera trên xe buýt, ứng dụng dụng phần mềm trên thiết bị di động cho hành khách tra cứu lộ trình và xác định thời gian xe buýt đến tại các trạm, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bến bãi và đường giao thông…”

Mổ xẻ tìm giải pháp

Trước tình trạng loại hình vận tải công cộng xe buýt giảm dần qua các năm ông Lâm Thiếu Quân - Đại biểu HĐND TP.HCM nêu ý kiến: “Nên hỗ trợ bằng chính sách thay cho trợ giá xe buýt, tức là phát triển hệ thống vận tải công cộng hiện đại, khai thác tối đa lợi thế các nguồn thu quay lại phục vụ, không trở thành gánh nặng ngân sách. Nên có tuyến đường dành riêng cho hệ thống xe buýt nhanh chất lượng cao, quy hoạch mở rộng lòng đường tại trạm chờ, nhằm giảm ùn xe và tai nạn xung quanh trạm chờ. Thúc đẩy người dân giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân bằng giải pháp tăng dần phí sử dụng vỉa hè để đậu xe, thu phí đỗ xe dưới lòng đường lũy tiến theo thời gian, thu phí xe ô tô vào trung tâm và các đường thường ùn tắc…”.

h3
Thạc sĩ Huỳnh Thế Du nêu ý kiến giải pháp để phát triển loại hình vận tải công cộng xe buýt.

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Huỳnh Thế Du giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết: “Nên hạn chế lộ trình xe máy, sở dĩ xe máy đang rất phổ biến là do hình thái đô thị gắn liền với cách sinh hoạt và làm việc của phần lớn người dân. Điều kiện tiên quyết để thay đổi thói quen sinh hoạt và cách thức đi lại là cần phải có một hệ thống vận tải công cộng tiện lợi gắn với sự thay đổi về hình thái đô thị trong tương lai. Khi có được điều này thì có thể áp dụng các chính sách làm cho chi phí sử dụng xe máy cao hơn hẳn ở những nơi có hệ thống vận tải công cộng thay thế với chất lượng và độ tiện dụng đảm bảo. Hạn chế việc sử dụng các phương tiện cá nhân là cần thiết, nhưng để chính sách này có thể khả thi, trước mắt nên tập trung vào xe ô tô và việc hạn chế xe máy chỉ nên thực hiện khi có hệ thống vận tải công cộng tiện lợi cho đông đảo người dân”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, nhận định: “Hệ thống xe buýt ở TP.HCM cho đến nay vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 6,5% so với nhu cầu đi lại. Giải pháp tối ưu chính là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT (Bus Rapid Transit) có chất lượng cao cả về kỹ thuật và dịch vụ, khối lượng vận chuyển lớn, tương đương tàu điện ngầm, chạy tốc độ cao trên đường dành riêng hoặc ưu tiên, chi phí và đầu tư rẻ. Một số thành phố lớn ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... đã và đang ứng dụng rộng rãi để thay thế hoặc hỗ trợ cho việc đầu tư hệ thống tàu điện ngầm. Ở TP.HCM, việc đầu tư của tuyến BRT đại lộ Đông Tây chỉ bằng 10% so với suất đầu tư 125 triệu USD/km của tuyến số 1 tàu điện ngầm Bến Thành- Suối Tiên. Thời gian thi công 1 tuyến tàu điện ngầm trung bình khoảng 4-6 năm, ở Việt Nam là 10 năm, trong khi thời gian thi công tuyến BRT chỉ từ 12- 18 tháng. Mặt khác, tuyến BRT với công nghệ hiện đại, tiện nghi cao, tốc độ nhanh gấp 2 lần so với xe bus thường, hình ảnh và dịch vụ hấp dẫn sẽ là sức hút cho người dân”.

Kết thúc hội thảo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa khẳng định: “Tất cả những giải pháp mà các chuyên gia, nhà khoa học phân tích đưa ra là cơ sở rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để Sở GTVT thành phố ghi nhận xem xét và trình lên UBND thành phố để tìm ra những nguyên nhân, giải pháp thiết thực nhất để loại hình vận tải công cộng xe buýt được phát triển một cách tốt nhất phục vụ cho người dân thành phố. 

Ý kiến của bạn

Bình luận