Bạn hiểu được bao nhiêu trong số những từ lóng thường gặp trên máy bay?

Hỏi đáp 05/09/2016 06:21

BBC Autos sẽ 'bật mí' với các bạn một số thuật ngữ thường nghe thấy trước và trong chuyến bay.

 

Những từ lóng thường gặp khi đi máy bay
Ảnh minh họa BBC

Họ bảo nhau "cross-check" là ý gì? Lúc họ hô "all-call" là sao? Khi họ nói họ sẽ "jump seats" trong điều kiện thời tiết xấu nghĩa là thế nào - có phải là họ định đeo dù vào người rồi nhảy ra khỏi máy bay không?

Ngành hàng không có đầy những từ ngữ, thuật ngữ riêng, và nếu để ý thì bạn, một hành khách, sẽ có thể phát hiện ra được một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới lạ.

BBC Autos sẽ 'bật mí' với các bạn một số thuật ngữ thường nghe thấy trước và trong chuyến bay.

"Prepare doors for departure/arrival" ('Chuẩn bị cửa để khởi hành / tới nơi')

Trong trường hợp khẩn cấp, các tấm trượt thoát hiểm - vốn được xếp gọn dưới đáy sàn tại mỗi cửa máy bay - được thiết kế để tự bung ra bằng một cú phụt khí nén carbone dioxide và nitrogen chỉ trong sáu giây.

Nhưng chúng sẽ không hoạt động nếu như chưa có một thành viên phi hành đoàn "kích hoạt" ('armed') cánh cửa: tức là phải kéo cần gạt ở cửa, là bộ phận được nối với tấm trượt xếp gọn đó.

Các cánh cửa cần phải sẵn sàng, mà trong ngôn ngữ hàng không gọi là 'armed', trước khi chiếc máy bay khởi hành, và phải được 'disarmed', tức là được đưa ngược về trạng thái ban đầu, khi tới nơi.

Tuỳ thuộc và từng loại, từng đời máy bay mà động tác này có thể là việc hạ hoặc nâng cần gạt bằng một tay, hoặc bẻ sang một bên và dùng then gài để chốt lại cho an toàn.

Một số máy bay đời cổ đòi phải dùng dây cài ngang qua cửa sổ trên cánh cửa cabin, nhìn vào đó thì nhân viên đứng đón từ cầu thang máy bay sẽ biết liệu tấm trượt đã được đặt vào chế độ sẵn sàng hay chưa.

Độ an toàn của cánh cửa chỉ mang tính tương đối: những người đứng đón ở bên ngoài cửa nếu không để ý là có thể tình cờ mở một cánh cửa đã được kích hoạt, khiến cho tấm trượt bung ra trúng người họ.

"Cross-check" ('kiểm tra chéo') và "cross-check complete" ('đã kiểm tra chéo xong')

Sau khi các thành viên phi hành đoàn chuẩn bị sẵn sàng cho việc đáp xuống hoặc khởi hành, các cánh cửa phi cơ cần phải được kiểm tra chéo - đây là cách nói trong ngành hàng không nhằm để chỉ việc cần có một người khác trong phi hành đoàn kiểm tra lại công việc mà một thành viên khác đã thực hiện.

Đôi khi ta sẽ nghe thấy câu "Doors are armed and cross-check complete" ("các cửa đã sẵn sàng, đã kiểm tra chéo xong") - có nghĩa là các cửa máy bay đã sẵn sàng cho việc triển khai hoạt động sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.

"All-call" ('nói chuyện toàn phi hành đoàn')

Các hãng hàng không khác nhau sẽ có những trình tự thủ tục khác nhau để tiếp viên xác nhận họ đã kiểm tra chéo (cross-check).

Có lúc việc này được báo thông qua hệ thống loa công cộng, đôi khi bằng yêu cầu riêng.

Những từ lóng thường gặp khi đi máy bay
 Ảnh minh họa: Adam Berry/Getty

Có lúc họ nói những cụm từ như "standby for all-call" ('chuẩn bị nói chuyện giữa toàn phi hành đoàn với nhau'), và điều này có nghĩa là họ sẽ nói chuyện với nhau bằng hệ thống điện thoại intercom, mỗi người đứng từ đúng vị trí của mình.

"Jump seat" ('ra khỏi ghế')

Thuật ngữ này được dùng để chỉ những ghế ngồi cỡ nhỏ mà các tiếp viên dùng trong quá trình cất cánh, hạ cánh hoặc khi máy bay đi qua vùng thời tiết xấu. Khi tiếp viên đứng dậy, chiếc ghế sẽ tự động đóng lên - 'jump'.

"Bulkhead" ('vách ngăn')

'Bulkhead' là bức tường chia cắt các khu vực trong khoang máy bay, thường có ở hàng ghế trên cùng. Nó ngăn khu vực chỗ ngồi trong cabin khỏi phần để khoang để đồ phục vụ trong chuyến bay hoặc nhà vệ sinh.

Một số hành khách thích ngồi sát vách ngăn bởi hàng ghế đó sẽ có chỗ duỗi chân rộng rãi hơn.

"Extender" ('dây an toàn nới rộng')

Hành khách phải thắt dây an toàn trước khi phi cơ lăn bánh khởi hành. Thế nhưng nếu với những hành khách to lớn không thể gài dây an toàn vào thì sao? Họ sẽ được đưa cho một đai an toàn nới rộng - gọi tắt là 'dây nơi rộng' - nối vào đai an toàn trên ghế để rộng thêm khoảng 25 inches (khoảng hơn 63cm).

"Spinner" ('khách chưa có ghế ngồi')

Những hành khách tới vào phút chót và không được xếp chỗ ngồi theo số ghế cụ thể đôi khi sẽ được nhân viên ở cổng vào nói hãy lên máy bay và tự tìm một ghế trống. Vậy là ta sẽ thấy một vị hành khách loay hoay đứng ở giữa lối đi xoay xoả tìm ghế.

Khi đó, bạn có thể sẽ nghe thấy một tiếp viên gọi đồng nghiệp thông qua hệ thống intercom, hoặc thông báo trên hệ thống loa công cộng với một tiếp viên khác là, "Có một 'spinner' ở giữa cabin. Còn chỗ trống nào ở cuối máy bay không?"

"Demo" ('hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn trong chuyến bay')

Thường thì từ 'demo' là viết tắt cho chữ 'demonstration' tức làm động tác mẫu cho người khác xem, nhưng tiếp viên dùng chữ này để nói về phần giới thiệu, chỉ dẫn hành khách cách sử dụng các thiết bị an toàn trước chuyến bay.

Thông tin thú vị: Các tiếp viên dùng dây an toàn nới rộng để chỉ dẫn cho hành khách cách cài và tháo dây.

"Deadhead" ('thành viên đội bay ngồi ở vị trí hành khách')

Các fan của Jerry Garcia không cần phải háo hức khi nghe thấy từ này. 'Deadhead' là thuật ngữ để nói về một thành viên phi hành đoàn đang làm nhiệm vụ, nhưng ngồi trên chuyến bay như một hành khách. Người này có thể là đang trở về nhà sau một chuyến bay, hoặc bay tới một sân bay nào đó để lên một chuyến bay khác.

Nếu một thành viên phi hành đoàn bị ốm bệnh thì hệ thống xếp lịch, điều động nhân viên của hãng hàng không đó sẽ 'deadhead' một phi công hoặc một tiếp viên tới để làm nhiệm vụ thay cho người bị ốm bệnh.

"Redeye" ('mắt đỏ')

Thuật ngữ nghe không mấy dễ chịu này dùng để nói về chuyến bay qua đêm. Với các thành viên phi hành đoàn, đây là kíp làm đêm.

Tuy thức thâu đêm có thể là điều buồn tẻ đối với các tiếp viên mới vào nghề, nhưng những hành trình ban đêm cũng có nghĩa là công việc phục vụ sẽ nhẹ nhàng hơn và các tiếp viên sẽ có nhiều thời gian hơn để buôn chuyện, bởi đây là lúc hầu hết các hành khách đều ngủ.

"Equipment" ('thiết bị')

Không hiểu vì lý do gì mà một chiếc máy bay lại được gọi trong ngành công nghiệp hàng không là equipment (thiết bị).

'Thiết bị trông ổn' có nghĩa là chiếc phi cơ không có vấn đề gì, không trục trặc gì. Nhưng nếu là, "Chúng tôi bị hoãn bởi cần đổi thiết bị' thì sẽ phiền toái hơn, hay bị cằn nhằn hơn nhiều.

"Runners" ('người chạy')

"Chúng tôi đang chờ 'runners'" có nghĩa là "chúng tôi đang chờ các hành khách đi trên chuyến bay khác nối chuyến sang, nhưng chuyến bay đó bị trễ."

Hoặc hiểu một cách đơn giản hơn là những hành khách đó đang phải chạy hối hả để nối chuyến khi xuống khỏi chiếc máy bay bị trễ. Nếu tiếp viên dùng từ này để nói với nhau thì điều đó có nghĩa là họ cần xếp gọn hành lý cho khách và mọi người cần phải ngồi đúng vị trí càng nhanh càng tốt, để chuyến bay có thể khởi hành đúng giờ.

Lưu ý: Một số hãng sẽ chờ các hành khách bị muộn do chuyến bay trước tới trễ. Nhưng nhiều hãng thì không.

Thêm một số thông tin thú vị:

Những tiếng 'ting ting' trên máy bay

Hành khách có thể thử đoán ý nghĩa của những tiếng ting ting khác nhau mà ta nghe thấy trong chuyến bay, nhưng chúng tôi phải cảnh báo quý vị là số lần các tiếng ting phát ra khác nhau lại mang những ý nghĩa khác nhau, và ý nghĩa của chúng còn tuỳ thuộc vào từng hãng bay khác nhau nữa.

Đôi khi những âm thanh này có nghĩa là chiếc phi cơ đang bay ở độ cao trên hoặc dưới 10 ngàn bộ. Hoặc cũng có thể nó nhằm cảnh báo là máy bay sắp đi vào vùng thời tiết xấu.

Nút gọi tiếp viên

Những âm thanh đó cũng có thể vang lên khi có ai đó nhấn nút gọi tiếp viên. Một số tiếp viên gọi đây là nút nhấn quấy rầy, đặc biệt là khi có hành khách lạm dụng nút này, cứ như thể họ là người duy nhất có mặt trên phi cơ vậy.

Việc sử dụng nút gọi tiếp viên là hoàn toàn chấp nhận được khi hành khách thực sự có nhu cầu, chẳng hạn như khi bị đổ đồ uống, hay khi cảm thấy nôn nao, cần được hỗ trợ.

Nguyên tắc ứng xử khi hành khách nhấn nút gọi tiếp viên là người nhấn nút cần phải chờ đợi cho tới khi tất cả những người khác đều đã được phục vụ trước khi họ nhấn nút lần hai.

Lưu ý: Các vị phụ huynh đi với trẻ nhỏ rất dễ bị liếc xéo khó chịu nếu họ để con cái biến nút gọi tiếp viên thành thứ đồ chơi phát ra âm thanh.

Hệ thống điện thoại bí hiểm của tiếp viên

Để chuyện trò bí mật với nhau, các tiếp viên có hệ thống intercom với phi công và với nhau.

Họ có thể buôn chuyện về đủ thứ, từ cà phê cho tới việc buồng tắm bị hỏng, hay xe đẩy, hay các lần trễ chuyến, rồi nhiệt độ trên khoang, hay thời tiết, v.v...

Đôi khi họ còn nói cả về tỷ số các trận thi đấu thể thao, là những thông tin có thể chia sẻ cho cả các hành khách không có dịch vụ wifi.

Ý kiến của bạn

Bình luận