Theo thông tin của PV Tạp chí GTVT, tính đến ngày 31/1/2023 (thời hạn kết thúc giải ngân vốn năm 2022), dự kiến, Bộ GTVT giải ngân được 52.969/55.051 tỷ đồng, đạt 96,2% kế hoạch được giao.
Theo đó, kết quả giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT đảm bảo mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cao hơn mức bình quân cả nước (khoảng 92,7%) và kết quả giải ngân năm 2021 (đạt 93,7%).
Cụ thể, các chủ đầu tư/Ban QLDA thuộc Bộ GTVT giải ngân 47.094/48.025 tỷ đồng (đạt 98,1%); các chủ đầu tư khác (VEC, các Tổng công ty, Sở GTVT các tỉnh,…) giải ngân 5.874/7.025 tỷ đồng (đạt 83,6%).
Đối với các chủ đầu tư/Ban QLDA thuộc Bộ GTVT: Có 13/17 đơn vị có tỷ lệ giải ngân > 95%, một đơn vị có tỷ lệ giải ngân < 95% nhưng cao hơn mức bình quân cả nước (khoảng 92,7%) và 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nhỏ hơn mức trung bình cả nước. Đối với các chủ đầu tư khác: Có 23 đơn vị có tỷ lệ giải ngân > 95%, 4 đơn vị có tỷ lệ giải ngân < 95% nhưng cao hơn mức bình quân cả nước và 23 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nhỏ hơn mức trung bình cả nước.
Theo thông tin của PV Tạp chí GTVT, đối với 10 ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT (Ban QLDA 2, Ban QLDA 6, QLDA 7, Ban QLDA 85, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban QLDA Đường thủy, Ban QLDA Đường sắt, Ban QLDA Hàng hải, Ban QLDA Mỹ Thuận), Ban QLDA Thăng Long có khối lượng giải ngân lớn nhất (12.977,4/13.001 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,8%), Ban QLDA 85 đạt tỷ lệ giải ngân lớn nhất (99,9%) khi giải ngân 2.652,8/2.656 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ban QLDA Mỹ Thuận là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong 10 ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT. Cụ thể, đơn vị này giải ngân được 5.083/5.376 tỷ đồng (đạt 94,6%), thấp hơn mức tối thiểu (95%) được Bộ GTVT đề ra.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.